1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thuốc lá không phải chịu thuế bảo vệ môi trường

(Dân trí) - Với 80,53% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án luật Thuế Bảo vệ môi trường. Theo đó, thuốc lá, xăng pha chế với Etanol không nằm trong diện phải chịu thuế bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo giải trình của UB Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung thuốc lá vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường vì thuốc lá là sản phẩm gây ô nhiễm nghiêm trọng và trên thực tế, phổ biến hiện tượng không tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng…
 
Thuốc lá không phải chịu thuế bảo vệ môi trường - 1
Dự án Luật Thuế Bảo vệ môi trường vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (15/11)
 
Tuy nhiên, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay để phòng chống tác hại của thuốc lá cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ. Dự thảo luật phòng chống tác hại của thuốc lá hiện đang trong quá trình soạn thảo, trong đó dự kiến áp dụng nhiều biện pháp ngặn chặn và xử lý hành vi gây ô nhiễm do sử dụng thuốc lá, kể cả tuyên truyền về tác hại của thuốc lá.
 
Mặt khác, các đối tượng khi vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng phải bị xử phạt hành chính nên không thể lấy nghĩa vụ nộp thuế để hợp pháp hóa việc vi phạm pháp luật.
 
Thêm nữa, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với thuốc lá luôn ở mức khá cao (thuế suất hiện hành là 65%). Ngoài ra, trên thế giới, hiện chưa có quốc gia nào thu thuế bảo vệ môi trường đối với thuốc lá… Vì vậy UB Thường vụ Quốc hội đề nghị, không đưa thuốc lá vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường.
 

5 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, bao gồm: xăng, dầu; than; dung dịch HCFC (dung dịch hydro - chloro - fluoro - carbon); túi nilông và thuốc bảo vệ thực vật.

Với ý kiến của đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn về loại xăng chịu thuế, UB Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, hiện nay ngoài loại xăng có nguồn gốc hóa thách gây ô nhiễm môi trường, đã có loại xăng E5 được pha chế với Etanol (là sản phẩm ít gây ô nhiễm) và đang được khuyến khích sử dụng.
 
Với mục tiêu phát triển bền vững, khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, tiếp thu ý kiến trên, UB Thường vụ Quốc hội nhất trí chỉnh sửa lại nội dung luật theo hướng loại trừ Etanol khỏi đối tượng chịu thuế.
 
Về mức thuế với một số đối tượng cụ thể, có ý kiến đề nghị tăng mức thuế đối với túi nilông lên mức cao hơn. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, hiện nay chưa có sản phẩm thay thế túi nilông, do vậy nên cân nhắc việc áp dụng mức thuế quá cao đối với sản phẩm này.
 
UB Thường vụ Quốc hội nhận thấy, túi nilông là sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lại khó phân hủy, hiện đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Chính vì vậy, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp trước (kỳ họp thứ 7), dự thảo luật lần này đã điều chỉnh mức khung thuế đối với túi nilông tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg lên 30.000 - 50.000 đồng/kg. Vì vậy, UB đề nghị được giữ mức thuế 30.000 - 50.000 đồng/kg đối với túi nilông như trong dự thảo.
 
Có ý kiến cho rằng, mức độ độc hại của mỗi loại than là khác nhau nên cần áp dụng khung thuế khác nhau, trong đó, than an - tra - xít là loại than thải ra nhiều khí độc hại nhất nên cần tăng mức thuế. Tiếp thu ý kiến này của đại biểu, UB Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội thông qua khung thuế suất với than an - tra - xít từ 10.000 - 30.000 đồng/tấn lên 20.000 - 50.000 đồng/tấn.
 
Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2012.
 
Cấn Cường