1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thực hư “mối tình” HDBank - DaiABank?

(Dân trí) - Chỉ ít ngày sau khi DaiABank thông báo hoãn đại hội cổ đông bất thường, các cổ đông của HDBank cũng nhận được thông tin từ ngân hàng này với nội dung tương tự. Chỉ khác chăng là thông tin của HDBank không được loan báo rộng rãi.

Trong ngày hôm qua 29/10, nhiều cổ đông của HDBank đồng loạt nhận được điện thoại từ hội sở ngân hàng, thông báo về việc hoãn đại hội cổ đông bất thường, vốn được ấn định vào ngày 31/10.
 
Khá nhiều động thái trùng hợp xảy ra giữa hai ngân hàng này
Khá nhiều động thái trùng hợp xảy ra giữa hai ngân hàng này

 

Động thái hoãn đại hội cổ đông bất thường của HDBank, được tin là để trình và thông qua tài liệu tái cơ cấu, diễn ra chỉ 2 ngày sau khi DaiABank thông báo lùi thời gian đại hội cổ đông bất thường từ 30/10 xuống tháng 11.
 
DaiABank và HDBank được chấp thuận sáp nhập
 
Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP. HCM cho biết, NHNN TP. HCM đã nhận được văn bản từ NHNN Trung ương về việc chấp thuận cho hai ngân hàng là DaiA Bank và HDBank sáp nhập với nhau.

Theo ông Lâm, quyết định sáp nhập giữa hai ngân hàng này được NHNN chấp thuận, nên vấn đề còn lại thuộc về hai tổ chức tín dụng.

“Theo tôi, việc DaiA Bank và HDBank sáp nhập với nhau nên được coi là bình thường, sau khi hợp nhất sẽ trở thành ngân hàng tốt hơn. Hiện tại, DaiABank và HDBank đều là những ngân hàng hoạt động tốt, không nằm trong diện 9 ngân hàng phải thực hiện tái cơ cấu bắt buộc của Chính phủ, NHNN”, Giám đốc NHNN TP. HCM nói.
 
Theo Đầu tư Chứng khoán
Cũng như đại hội bất thường của HDBank, một trong những nội dung mà DaiABank bàn với các cổ đông là vấn đề tái cấu trúc.
 
Trao đổi với Dân trí hôm qua, một đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết việc sáp nhập giữa HDBank và DaiABank, nếu có, là do nhu cầu tự thân của hai bên. Bởi họ không nằm trong danh sách 9 ngân hàng cần tái cơ cấu.

 

Cho đến nay, chưa có thông tin mới nào từ phía 2 ngân hàng tiết lộ một mối liên quan, một khả năng hay chi tiết nào.

 

Tuy nhiên, có vẻ như dư luận đang một lần nữa rơi vào ma trận chữ nghĩa của các bên liên quan.

 

Với HDBank, sau các thông tin đồn đoán về việc nhà băng này đã thỏa thuận nhận sáp nhập một ngân hàng khác là câu trả lời của Chủ tịch HĐQT: "chưa có cơ sở và không phải là thông tin chính thức từ Ban lãnh đạo HDBank".

 

Với DaiABank, "cho đến nay Hội đồng Quản trị DaiABank vẫn đang xem xét và chưa có quyết định" và việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2012 cùng thời điểm tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường của các tổ chức tín dụng khác “là sự trùng hợp ngẫu nhiên”.

 

Có thể thấy cả hai bên không đưa ra một thông điệp đủ mạnh mẽ và rõ ràng để dư luận “nói không” với tin đồn sáp nhập. Dường như có một sự chờ đợi, giằng co, níu kéo nào đó trong câu chữ của các thông điệp này.

 

Và một sự trùng hợp hơn cả việc trùng hợp khi cả hai bên cùng thông báo đại hội cổ đông bất thường, là việc cả hai cùng hoãn đại hội cổ đông bất thường.

  

Chuyện các bên “chơi chữ” trong câu chuyện sáp nhập không phải là việc lạ, bởi quy định về bí mật thông tin trong phạm vi này là rất khắt khe.

 

Trước khi sáp nhập vào SHB, Habubank cũng từng phủ nhận quyết liệt thông tin này cho đến khi hai bên chính thức công bố.

 

Tương tự, thương vụ hợp nhất lịch sử giữa ba ngân hàng SCB - TinNghiaBank - Ficombank cũng chỉ được biết tới khi ba bên đàm phán xong xuôi dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

 

Hơn nữa, từ “sáp nhập” đôi khi còn được coi là nhạy cảm đối với hệ thống ngân hàng, mặc dù mua bán, sáp nhập vốn dĩ là một hoạt động rất bình thường của thị trường khi các bên liên quan nhận thấy điều kiện và cơ hội tốt hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp mình.

 

Tất nhiên sau một cuộc sáp nhập sẽ có những nhóm quyền lợi bị ảnh hưởng, ví như các cổ đông lớn là ngân hàng hay công ty lớn, do đó nếu có sự phản ứng từ các cổ đông lớn trước một quyết định sáp nhập là điều dễ hiểu.

 

Trong bối cảnh sở hữu chéo đang là vấn đề gây lo ngại cho hệ thống ngân hàng, việc các ngân hàng tự thân sáp nhập để tăng quy mô, lợi thế và giảm mức độ chồng chéo trong cơ cấu sở hữu là điều nên khuyến khích. Ngân hàng nhà nước ủng hộ xu hướng này, và các tổ chức quốc tế cũng nhiều lần khuyến cáo hệ thống tài chính Việt Nam nên tái cấu trúc nhanh và mạnh mẽ hơn theo hướng này.

 

Hoành San