1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thừa tiền không thể đầu tư: Khuyến nghị nâng trần nợ công lên 80%?

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cho biết, chuyên gia kinh tế thế giới khuyến nghị đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, đầu tư chưa tới hạn thì trần nợ công có thể tới 80%, trong giai đoạn đầu tư để đi tới hạn thì nợ công giảm dần xuống cỡ 40-50%.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Bàn về câu chuyện tiền thừa làm sao không đầu tư được, tại buổi thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, sáng 22/5, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh), cho biết: “Tôi cũng đặt câu hỏi này với các nhà kinh tế thế giới. Họ cho tôi câu trả lời theo hướng mà tôi nghĩ cũng nên suy nghĩ".

"Chúng ta từ trước đến nay quen đầu tư theo dự án, cho vay theo dự án, thẩm định theo dự án. Giờ WB đưa ra khái niệm mới: đầu tư theo vùng, lãnh thổ, lĩnh vực…”, ông nói.

Đáng lưu ý, ông Tiến cho biết, hiện 6 nhà tài trợ cam kết kí cho vay 9,9 tỷ USD và giải ngân 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay tốc độ giải ngân gần như dừng lại vì nợ công đã chạm trần.

“Họ cho vay thì phải có vốn đối ứng, trần nợ công chạm nên không có vốn đối ứng”, ông Tiến cho biết.

Theo ông Tiến, chuyên gia kinh tế thế giới khuyến nghị đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, đầu tư chưa tới hạn thì trần nợ công có thể tới 80%, trong giai đoạn đầu tư để đi tới hạn thì nợ công giảm dần xuống cỡ 40-50%.

“Trong giai đoạn đầu tư, trần nợ công có thể tới 80% nhưng quan trọng là chất lượng dự án. Họ cũng thừa nhận thời gian vừa qua chúng ta có khá nhiều dự án sử dụng ngân sách kết quả chưa cao. Việc chúng ta cần làm là song hành giữa xử lý dự án kết quả chưa cao với việc tiếp tục đẩy ra, đầu tư nữa chứ không phải dừng ở chuyện kịch trần nợ công”, ông nói.

Theo ông Tiến, việc dừng dẫn tư dẫn đến tình trạng “nợ công thì tới hạn, đầu tư thì không đầu tư thêm được nữa” trong khi đó “các khoản đầu tư thì khá nhiều khoản đang rơi vào tình trạng khó khăn, thu hồi vốn khó, luồng mới không có luồng cũ thì khó khăn”.

“Nếu không có suy nghĩ tiếp cận thì nền kinh tế sẽ dừng lại và đi xuống. Họ khuyến nghị chúng ta, một mặt là giải pháp nới nhẹ trần nợ công cho dự án được thẩm định nghiêm túc, kỹ lưỡng hơn chứ không để dự án mang hiệu quả thấp tiếp tục được sử dụng ngân sách. Đồng thời rà soát lại những dự án đang làm. Như vậy, sẽ giúp giải toả những cam kết mà chúng ta đang ký với 6 tổ chức lớn như WB, IMF, ADB, JICA, Korea Eximbank…”, ông nhấn mạnh.

Theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi lên Quốc hội, nợ công đến ngày 31/12/2016 của Việt Nam là 2.868.881 tỷ đồng, tăng 5.012 tỷ đồng so với số báo cáo của Chính phủ (bằng 63,71% GDP). Trong đó, nợ Chính phủ là 2.373.175 tỷ đồng (52,71% GDP); nợ được Chính phủ bảo lãnh 461.635 tỷ đồng (10,25% GDP) và nợ chính quyền địa phương 34.071 tỷ đồng (0,76% GDP).

Kiểm toán Nhà nước đánh giá chỉ số nợ công đến cuối năm 2016 vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội (65% GDP). Tuy nhiên, nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2015, gần chạm ngưỡng cho phép.

Hệ số thanh toán trả nợ của Việt Nam là khá cao (tính cả đảo nợ là 20,6% tổng thu ngân sách) và đang có xu hướng tăng lên, gây áp lực bố trí nguồn trả nợ của ngân sách Nhà nước. Lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên càng làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Qua kiểm toán cho thấy Bộ Tài chính tổng hợp thiếu nợ nước ngoài của Chính phủ. Bộ này chưa rà soát, đối chiếu thường xuyên nợ chính quyền địa phương. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng chưa cập nhật đầy đủ thông tin dự án theo kế hoạch thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của nhà tài trợ giai đoạn 2016-2020.

Phương Dung

Thừa tiền không thể đầu tư: Khuyến nghị nâng trần nợ công lên 80%? - 2