1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thủ tướng sẽ sớm xem xét gói 29.000 tỷ "cứu" doanh nghiệp

(Dân trí) - Đề án về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng với gói hỗ trợ trị giá 29.000 tỷ đồng như nội dung Chính phủ thống nhất vừa qua sẽ được trình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem xét trong nửa đầu tháng 5.

Thủ tướng sẽ sớm xem xét gói 29.000 tỷ cứu doanh nghiệp

(Ảnh minh họa)
 
Nội dung đầu tiên Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng về vấn đề đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số giá tiêu dùng. Mức lãi suất giảm trước hết dành cho một số đối tượng ưu tiên.

Cụ thể, thường trực Chính phủ chỉ đạo ưu tiên tín dụng đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động; khẩn trương có biện pháp phân loại và cơ cấu lại nợ gắn với việc cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém.

Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và có hiệu quả; chỉ đạo quyết liệt để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa một cách hợp lý, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ, tín dụng; có biện pháp bảo đảm cân đối ngân sách theo kế hoạch, giữ mức bội chi ngân sách không vượt quá chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Thực hiện tiết kiệm chi, sử dụng phần tăng thu ưu tiên cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp, du lịch và xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư phát triển, khuyến khích đầu tư xã hội. Nghiên cứu đề xuất các biện pháp đồng bộ để thu hút mạnh nguồn vốn FDI, nhất là các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch từ các đối tác có tiềm năng; tìm nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA.

Đối với gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem xét trong nửa đầu tháng 5/2012.

Nghị quyết cũng nêu rõ nội dung Chính phủ cơ bản nhất trí với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo đề nghị của các bộ, cơ quan; đồng thời thống nhất cần khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ về tiền tệ, tín dụng, tài chính, thị trường, cải cách thủ tục hành chính...nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.

P.Thảo