1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thủ tướng: Lựa chọn nhà thầu tránh lặp lại trường hợp Cát Linh - Hà Đông

(Dân trí) - Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với các nhà tài trợ để sửa đổi các điều kiện vay vốn tại các hiệp định theo hướng nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu tránh để tình trạng chỉ định các nhà thầu không đủ năng lực như trường hợp dự án đường sắt tuyến Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) hay nhà thầu dự án nước Hưng Yên.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, chiều nay (1/8), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng dự.

Thủ tướng yêu cầu, từng chủ dự án phải xem lại năng lực, trách nhiệm, phải tự rút lui khi thấy khả năng không thể triển khai được dự án hoặc tìm được nguồn khác mà không cần đến vốn vay ODA.
Thủ tướng yêu cầu, từng chủ dự án phải xem lại năng lực, trách nhiệm, phải tự rút lui khi thấy khả năng không thể triển khai được dự án hoặc tìm được nguồn khác mà không cần đến vốn vay ODA.

Việt Nam đã nhận vay, viện trợ hơn 82 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế vào năm 1993 đến tháng 6/2017, Việt Nam đã ký kết các khoản vay và viện trợ không hoàn lại có giá trị khoảng 82,61 tỷ USD (trong đó vốn vay 74,92 tỷ USD).

Tính đến hết tháng 6/2017, có 810 chương trình, dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn lại chưa giải ngân khoảng 21,2 tỷ USD. Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026, tuy nhiên, sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017 – 2020 là 17,5 tỷ USD. Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD.

Năm 2017, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi có khả năng giải ngân khoảng 4,6 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, đã giải ngân được 1,5 tỷ USD, bằng 32,6% dự kiến cả năm.

Sau khi lắng nghe các ý kiến tại cuộc họp, phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vốn ODA đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, phần lớn đã được sử dụng có hiệu quả.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần phải bảo đảm giải ngân được hết số vốn ODA và vốn vay ưu đã đã ký kết theo tiến độ cả giai đoạn 2017 - 2020, đặc biệt là năm 2017.

Trăn trở trước việc 6 tháng đầu năm 2017 mới giải ngân được 1,5 tỷ USD, đạt 32,6%, Thủ tướng nhấn mạnh trong năm 2017, với những dự án chưa giải ngân được, chưa làm thủ tục thì phải điều chuyển vốn để làm sao giải ngân hết số vốn kế hoạch đã thông qua. Từng chủ dự án phải xem lại năng lực, trách nhiệm, phải tự rút lui khi thấy khả năng không thể triển khai được dự án hoặc tìm được nguồn khác mà không cần đến vốn vay ODA.

Thủ tướng cho rằng, bên cạnh vướng mắc cố hữu như năng lực nhà thầu, giải phóng mặt bằng, chỉ đạo điều hành thì thay đổi dự toán là vấn đề cần quan tâm, thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều vướng mắc.

Để khắc phục những vướng mắc này, cập nhật định hướng thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi phù hợp với tình hình mới, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện một số giải pháp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem lại từng dự án, ưu tiên các dự án hoàn thành trong năm 2017.

Ngành, đơn vị nào không làm được thì báo cáo để điều chỉnh. “Không làm được thì thôi, đừng làm. Không làm được thì sẽ cắt vốn chứ không thể cứ do dự mãi được”, Thủ tướng nêu rõ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập danh sách cần giải ngân trong năm 2017 mà thiếu vốn, không thuộc phạm vi của Chính phủ để báo cáo Thường vụ Quốc hội bổ sung các danh mục và cân đối bổ sung vốn ngoại trong kỳ họp Quốc hội sớm nhất.

Thủ tướng nêu rõ với các bộ ngành: “Không làm được thì thôi, đừng làm. Không làm được thì sẽ cắt vốn chứ không thể cứ do dự mãi được”.
Thủ tướng nêu rõ với các bộ ngành: “Không làm được thì thôi, đừng làm. Không làm được thì sẽ cắt vốn chứ không thể cứ do dự mãi được”.

Tất cả dự án vượt dự toán đều phải thẩm tra lại

Với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu cần chỉ đạo sát sao hơn nữa các cơ quan thực hiện dự án ODA và vốn vay ưu đãi, nhất là những dự án kết thúc trong năm 2017 - 2018, bảo đảm không gia hạn thời gian thực hiện, hạn chế điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do nguyên nhân chủ quan. Đồng thời, phối hợp với nhà tài trợ xây dựng, rà soát lại kế hoạch vốn hàng năm phù hợp với nhu cầu giải ngân, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp.

“Tất cả dự án vượt dự toán đều phải thẩm tra lại để có biện pháp xử lý, đặc biệt không để kéo dài”, Thủ tướng nói và giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với các nhà tài trợ để sửa đổi các điều kiện vay vốn tại các hiệp định theo hướng nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu tránh để tình trạng chỉ định các nhà thầu không đủ năng lực như trường hợp dự án đường sắt tuyến Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) hay nhà thầu dự án nước Hưng Yên.

Cũng tại phiên làm việc, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan các dự án có tính chất kỹ thuật phức tạp, đặc thù như dự án đường sắt đô thị.

Các cơ quan này phải công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức có liên quan để đầu tư, xây dựng, vận hành và triển khai đường sắt đô thị tại Việt Nam. Tổng hợp, thống kê suất đầu tư các dự án đường sắt đô thị trên thế giới, khu vực, quy mô, mặt bằng giá để làm cơ sở cho việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương rà soát quỹ vốn các dự án chậm tiến độ, không hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần ưu tiên bố trí kịp thời và đầy đủ vốn đối ứng, khẩn trương phê duyệt phương án giá bồi thường, giải quyết các trường hợp khiếu nại, vướng mắc.

Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi rà soát lại từng dự án để xử lý cụ thể sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo; có thể thành lập một số đoàn kiểm tra để xử lý; kịp thời báo cáo Thủ tướng những biện pháp mạnh mẽ, đặc biệt đối với một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0.

Về định hướng thu hút ODA, vốn vay ưu đãi thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Sớm xây dựng kế hoạch năm 2018 kèm theo kế hoạch tài chính 3 năm trong đó có kế hoạch ODA.

“Cái gì ta làm được, dân ta làm được thì ta phải làm. Cái gì bức xúc, đặc biệt công trình hạ tầng, chúng ta chưa có khả năng vốn thì chúng ta kêu gọi”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh phải đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực trong nhân dân.

Bích Diệp (ghi)