1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Dự kiến bán vốn Sabeco, Habeco trong năm 2017

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Habeco sẽ có tờ trình thoái vốn lên Bộ Công Thương trong tuần tới và Sabeco có trước ngày 31/7 này. Dự kiến sau khi được phê duyệt sẽ thực hiện bán vốn trong năm 2017.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải.

Liên quan tới công tác thoái vốn Nhà nước tại hai "ông lớn" trong ngành bia là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra sáng nay (14/7), ông Bùi Trường Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết, dự kiến trong tháng 7 này các doanh nghiệp sẽ trình phương án thoái vốn lên Bộ.

"Theo chỉ đạo của Chính phủ phải đảm bảo công khai, minh bạch, Bộ Công Thương thời gian qua cũng đã tích cực triển khai theo chỉ đạo. Hiện Habeco và Sabeco đã kí hợp đồng tư vấn thoái vốn theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Dự kiến, Habeco sẽ có tờ trình thoái vốn lên Bộ Công Thương trong tuần tới và Sabeco có trước ngày 31/7 này. Dự kiến sau khi được phê duyệt sẽ thực hiện bán vốn trong năm 2017", ông Thắng nói.

Cũng tại họp báo, trả lời về công tác thoái vốn, cổ phần hoá, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Thường trực Ban đổi mới doanh nghiệp cho biết, hiện nay quy trình thoái vốn được thực hiện theo các bước quy định tại Nghị định 91 về quản lý vốn, tài sản doanh nghiệp nhà nước.

Gần đây nhất, Thủ tướng có chỉ đạo, doanh nghiệp thoái vốn thực hiện theo 4 nguyên tắc phải đảm bảo: công khai, minh bạch, bảo đảm lợi ích cao nhất, đúng quy luật thị trường và tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế. Đồng thời, khẩn trương triển khai để đạt hiệu quả cao nhất.

"Trong quá trình thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ, Bộ luôn chỉ đạo tuân theo nguyên tắc đã đặt ra. Trên nguyên tắc như vậy, thoái vốn theo quy trình chặt chẽ thông qua đấu giá công khai, đảm bảo quy trình của Nhà nước", bà Hoa nói.

Theo kế hoạch được Bộ Công Thương công bố hồi tháng 8 năm ngoái, cơ quan này dự kiến thực hiện thoái toàn bộ gần 82% vốn Nhà nước đang nắm giữ tại Habeco ngay trong năm 2016, dự kiến thu về 9.000 tỷ đồng. Còn việc thoái vốn tại Sabeco sẽ được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2016 và đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017.

Tháng 10/2016, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco với Trưởng ban là Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và 10 thành viên là lãnh đạo các phòng ban chuyên trách tại Bộ Công Thương, lãnh đạo Sabeco, Habeco.

Tuy nhiên, sau khi hai doanh nghiệp này lên sàn, đến nay đã quá nửa năm 2017 trôi qua song tiến độ thoái vốn Nhà nước khỏi Sabeco và Habeco vẫn chưa có gì tiến triển.

Trước tiến độ cổ phần hóa DNNN vẫn ì ạch, khối lượng thoái vốn khiêm tốn, mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn tại Habeco, Sabeco.

Hiện Nhà nước đang sở hữu 89.59% vốn Sabeco và 82% vốn tại Habeco. Hai hãng bia này hiện đang chiếm tổng cộng khoảng 60% thị phần bia trong nước trong đó thị phần của Sabeco vào khoảng 40%. Thời gian vừa qua, nhiều "đại gia" nước ngoài đánh tiếng mua cổ phần của Bia Sài Gòn.

Hiện tại, San Miguel - tập đoàn lớn nhất của Philippines cho biết, tập đoàn này đang tiến hành "định giá và có thể sẽ đề nghị mua lại" cổ phần Sabeco. Bên cạnh đó, còn có 7 công ty bia nước ngoài khác cũng đang “ngắm” cổ phần của Sabeco là Heineken (Hà Lan), Anheuser-Busch, SABMiller của Mỹ, Asahi và Kirin của Nhật Bản; Singha và Thai Beverage của Thái Lan.

Trong khi đó, việc thoái vốn tại Habeco đang gặp vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác với Carlsberg Breweries A/S.

Phương Dung