1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thao túng giá chứng khoán:

Thủ phạm "giết" một thị trường non trẻ

Chúng tôi thật sự giật mình khi được một số cán bộ an ninh, cảnh sát chuyên theo dõi về chứng khoán cho biết, ai đã tham gia vào đầu tư chứng khoán đều biết việc thao túng, làm giá các cổ phiếu bởi nó diễn ra rất công khai.

Để minh chứng sự thật phũ phàng này, họ kể vanh vách cho chúng tôi từng ví dụ cụ thể. Họ cũng lý giải vì sao những “tổ lái” này có thể “oanh tạc” dữ dội như vậy và những băn khoăn, trăn trở của họ trước nghịch lý này. Và nếu loại tội phạm này không được ngăn chặn kịp thời, nó có thể sẽ giết chết thị trường chứng khoán còn non trẻ của Việt Nam.
 
Thủ phạm "giết" một thị trường non trẻ - 1
"Làm giá" tại thị trường chứng khoán sẽ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư chân chính.

Bài 1: Công bố mua nhưng ngấm ngầm bán ra

Vụ ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần dược phẩm Viễn Đông - vừa bị bắt về hành vi thao túng giá chứng khoán chỉ như hồi chuông cảnh báo cho các đối tượng đã, đang có những hành vi này. Để cạnh tranh trong tình hình hiện nay, các sàn giao dịch chứng khoán đã bất chấp tất cả và người chịu thiệt hại đầu tiên là những nhà đầu tư chân chính.

Bất chấp sự nguy hiểm cho chính mình

Trong tình hình thị trường chứng khoán đang ảm đạm như hiện nay, thì sự cạnh tranh trong việc chia thị phần môi giới ngày càng thêm phần quyết liệt. Điều đó khiến các công ty chứng khoán không ngần ngại áp dụng mọi biện pháp, kể cả những biện pháp không được luật cho phép như: Nhà đầu tư được sử dụng đòn bẩy tài chính với mức ký quỹ 10% nhưng được hỗ trợ tới 90%; cho phép nhà đầu tư bán khống chứng khoán (bán cổ phiếu nhưng không có hàng); không có tiền ký quỹ nhưng vẫn được phép mua hàng (nguyên tắc là phải có tiền trong tài khoản mới được phép đặt lệnh mua).

Thậm chí, để che mắt các cơ quan chức năng, công ty chứng khoán còn tạo tiền khống trên tài khoản, sau đó (có thể từ 1- 60 ngày) nhà đầu tư mới nộp tiền cho công ty chứng khoán...

Chính những việc làm này đã ảnh hưởng rất xấu tới thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam và làm méo mó cả thị trường vốn rất cần minh bạch.

Việc một số công ty chứng khoán sử dụng đòn bẩy tài chính cho nhà đầu tư với tỉ lệ tối đa lên tới 90% tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về thanh khoản cho thị trường chứng khoán cũng như thị trường tiền tệ.

Thực tế đã có nhiều công ty chứng khoán mất thanh khoản khi thị trường đi xuống quá nhanh. Nhưng các công ty chứng khoán này vẫn bất chấp, vẫn sử dụng đòn bẩy tài chính này như một biện pháp quan trọng để thu hút nhà đầu tư.

Mặt khác, các nguồn tiền này lại không minh bạch khi được chính các ngân hàng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các công ty tài chính đẩy vào thị trường chứng khoán. Ngoài các nguồn tiền chính thức của mình, các công ty chứng khoán còn lợi dụng nguồn tiền cân quỹ của khách hàng gửi tại công ty chứng khoán (thường có tổng số dư chưa sử dụng từ 50 – 70 tỉ đồng) để làm đòn bẩy cho khách hàng có nhu cầu vay.

Đây chính là nguyên nhân làm một số công ty chứng khoán mất khả năng thanh khoản khi các khách hàng đồng thời sử dụng hết các nguồn tiền gửi trong tài khoản.

Các VIP làm giá

Điều đáng quan ngại nhất là, hiện tượng làm giá chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra công khai và dàn trải trên nhiều mã cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu nhỏ.

Hoạt động làm giá được thao túng bởi những nhóm nhà đầu tư có nguồn vốn lớn phối hợp cùng với lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp nắm giữ lượng cổ phiếu lớn và nắm giữ các thông tin quan trọng, khống chế toàn bộ nguồn cung và cách thức, thời điểm đưa tin để có thể tiến hành hoạt động mua gom, đẩy giá, xả hàng chốt lời.

Theo quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, các giao dịch của cổ đông lớn (nắm giữ từ 5% số CP trở lên, có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng) khi giao dịch CP phải báo cáo UBCK, sở giao dịch chứng khoán trước ngày thực hiện giao dịch tối thiểu là 3 ngày làm việc.

Nhưng, có không ít đối tượng một mặt công bố lệnh mua số lượng lớn để “thổi” giá lên và khi thấy “đủ” họ lẳng lặng mua vào.

Điển hình là vụ bà Nguyễn Thị Kim Phượng (cổ đông lớn của công ty cổ phần vận tải ximăng - mã cổ phiếu VTV) chào mua công khai 1,3 triệu CP VTV. Thời gian hoàn tất chào mua là 60 ngày và lệnh mua sẽ bị huỷ trong trường hợp giá CP VTV tăng cao vượt quá 30% giá chào mua (40.000 đồng). Vì đơn đặt hàng lớn của bà Phượng, giá CP VTV tăng kịch trần 5 phiên liên tiếp (lên tới 66.000 đồng - vượt quá mốc 30% giá đặt mua của bà Phượng). Đây là thời điểm tốt để những kẻ thao túng thị trường bán ra. Lúc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) phát hiện được vụ việc thì toàn bộ 557.800 CP (chiếm 8,5% số CP VTV đang sở hữu) đã được bà Phượng bán hết(!?).

Qua vụ thao túng giá cổ phiếu này, theo tính toán của cơ quan chức năng, bà Phượng đã kiếm lời cả chục tỉ đồng. Khi Bộ luật Hình sự chưa sửa đổi, những hành vi này chỉ bị xử lý hành chính. Nhưng vấn đề cần đặt ra là, mức phạt tối đa của UBCK cũng chỉ là 500 triệu đồng, nhưng từ trước đến nay, UBCK mới phạt tối đa ở mức 250 triệu đồng.

Điều đó cũng lý giải một phần tại sao việc thao túng thị trường chứng khoán có thể diễn ra công khai, trắng trợn đến như vậy. Chúng tôi nói trắng trợn vì bà Phượng rất biết, gọi là ngấm ngầm bán ra nhưng kiểu gì các cơ quan chức năng vẫn biết ngay sau đó.

Vấn đề cần đặt ra là, bà Phượng không phải bán 55 vạn CP trong một ngày, nhưng tại sao cơ quan chức năng không tuýt còi hoặc thông báo rộng rãi ngay việc làm sai trái này cho các nhà đầu tư biết?

Theo Vương Hà