1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thu nhập 10 triệu đồng/tháng mà vay tiêu dùng 100 triệu đồng: Nguy hiểm

(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế khuyến cáo: “Cần cân nhắc năng lực tài chính của mình, người chỉ có thu nhập 10 triệu/tháng mà vay đến 100 triệu đồng thì nguy hiểm. Ngoài ra, phải thanh toán vay tiêu dùng đúng hạn vì nếu không đúng hạn thì lãi suất phạt sẽ rất cao”.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Vay tiêu dùng thúc đẩy GDP, đẩy lùi tín dụng đen

Phát biểu tại “Tọa đàm về phát triển tài chính bán lẻ, cơ hội thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/7, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá, tài chính tiêu dùng luôn song hành cùng sự phát triển của nền kinh tế mà cụ thể là trong mối tương quan với tăng trưởng kinh tế (GDP).

Cụ thể, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam đã tăng phi mã từ 52,5% vào năm 2005 lên đỉnh điểm 77,7% vào năm 2009. Giai đoạn 2010-2016 nền kinh tế rơi vào giai đoạn suy giảm khiến chỉ số này cũng suy giảm đến đáy vào năm 2012 nhưng từ năm 2013 đến nay tỷ lệ này liên tục tăng cao và đạt 78,34% vào năm 2016.

Tính đến cuối năm 2016, dư nợ tín dụng tiêu dùng là 646.000 tỷ đồng (khoảng 28 tỷ USD), chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế. Còn theo dự báo mới nhất của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng giám đốc HD Saison cho biết, Việt Nam với dân số trên 93 triệu người, trong đó 60-65% trong độ tuổi lao động, khoảng 50-60% là những người dân có thu nhập trung bình thấp dưới 10 triệu đồng/tháng. Nhưng, gần 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng mới phục vụ 1/3-1/4 tổng lượng khách hàng có nhu cầu. Mà lượng khách hàng đã được phục vụ rồi không phải ngày mai sẽ biến mất mà họ sẽ tiếp tục quay lại vay tiếp.

“Cho vay tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn đối với sự ổn định xã hội. Chẳng hạn, đã có rất nhiều vụ việc thương tâm khi người dân đi vay tín dụng đen và bị xã hội đen đánh đập, gây ra cảnh tan cửa nát nhà. Sự ra đời công ty tài chính sẽ giúp người dân thoát được tín dụng đen”, ông Thái cho biết.

Tăng trưởng phải song hành với bền vững

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc tăng trưởng phải song hành với phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, cho vay tiêu dùng thường là cho vay không bảo đảm do đó đánh giá khả năng trả nợ, lịch sử vay và trả nợ, các yếu tố khác là rất quan trọng.

Tuy nhiên, người cho vay thường lại không xem xét đầy đủ các yếu tố này mà thiên về mở rộng số lượng cho vay dưới sức ép cạnh tranh giành thị phần. Điều này sẽ đặt gánh nặng nợ nần lên người đi vay khi họ không đủ kiến thức để hiểu hết các rủi ro trong các khoản vay và khi họ không có khả năng trả nợ thì họ bị sa vào bẫy nợ nần.

“Bảo vệ người tiêu dùng cần có các quy định để hạn chế người tiêu dùng chấp nhận rủi ro quá mức”, ông nói.

Ông Tú Anh cũng dẫn quy định của Malaysia đối với thẻ tín dụng: hạn mức tín dụng không được quá 2 lần thu nhập hàng tháng của chủ thẻ, số thẻ được sở hữu trên toàn hệ thống phụ thuộc vào mức thu nhập chủ thẻ (36.000RM/năm thì không được mở quá 2 thẻ), Brunei tổng dư nợ tín dụng tại tất cả các ngân hàng của một cá nhân không được quá 60% thu nhập hàng năm. Singapore quy định các TCTD phải thông báo đầy đủ các rủi ro trong việc cho vay quay vòng, cho vay mua nhà thế chấp….

“Các vấn đề như hạn mức tín dụng của một khách hàng trên toàn hệ thống, hạn mức tín dụng so với thu nhập của khách hàng, số lượng thẻ tín dụng tối đa một khách hàng có thể có, trần lãi suất cho vay để hạn chế mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng… đang là những vấn đề cần phải đánh giá xem xét cẩn trọng để có thể đưa vào các quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ người đi vay mà cuối cùng chính là bảo vệ người cho vay và toàn bộ hệ thống”, ông nói.

Nhận định về đặc điểm tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn ít do nhận thức, văn hóa (thói quen) vay tiêu dùng hạn chế, sản phẩm dịch vụ chưa đa dạng, chưa hoàn toàn phù hợp; chính sách tín dụng của các định chế tài chính với khẩu vị rủi ro thận trọng Thủ tục còn phức tạp, thủ công còn nhiều...

Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý còn chưa đồng bộ, chưa nhất quán. Thị trường tài chính (gồm cả tài chính vi mô) chưa phát triển. Hệ thống các TCTD đang tái cơ cấu. Quan niệm về tín dụng chưa theo thông lệ…

“Đặc biệt, ở các nước phát triển quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm nhưng ở Việt Nam nhận thức, thượng tôn pháp luật của người đi vay còn hạn chế”, ông Lực nói.

TS Lực cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên tùy ý tùy tiện cho bạn bè người thân mượn giấy tờ tùy thân, kí thay hợp đồng tín dụng và đọc kĩ những điều kiện điều khoản, thanh toán, lãi suất, thanh toán.

Ông cũng cho rằng, người tiêu dùng không nên quan ngại khi tiếp xúc ngân hàng, công ty tài chính để vay vì tâm lý đó là thủ tục cực kì phức tạp.

“Cần cân nhắc năng lực tài chính của mình, người chỉ có thu nhập 10 triệu/tháng mà vay đến 100 triệu đồng thì nguy hiểm. Ngoài ra, phải thanh toán vay tiêu dùng đúng hạn vì nếu không đúng hạn thì lãi suất phạt sẽ rất cao”, ông nói thêm.

Phương Dung