1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Nói trước để... bước qua

(Dân trí) - Nói trước kết quả điều hành chính sách là quá ư mạo hiểm, nhất là với chính sách tiền tệ (CSTT) vốn nhạy cảm và luôn phải ứng phó với nhiều biến số. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã mạo hiểm hay tự tin khi dám nói trước, để rồi... bước qua?

Năm 2012 đã khép lại. Những kết quả điều hành chính sách vĩ mô đã định hình, trong đó có chính sách tiền tệ. Một số kết quả nổi bật đã đạt được, mà một năm về trước ít ai dám tin...
 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Tháng 8/2011, ông Nguyễn Văn Bình đảm nhận vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Thông điệp đầu tiên mà ông đưa ra là giảm lãi suất, kiềm chế lạm phạt, giữ ổn định tỷ giá USD/VND.

Lãi suất cho vay thời điểm đó phổ biến từ 22% - 25%/năm; lạm phát bùng nổ khi lần lượt vượt các mốc 15%, 16% và cả năm 2011 vượt 18%; thị trường vẫn chưa hết chấn động từ cú tăng tỷ giá đột biến 9,3% ngày 11/2/2011. Thế nên thông điệp mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra gặp không ít hoài nghi.

“Nói trước bước không qua”, nhất là với thị trường tiền tệ vốn có quá nhiều bất ổn, xáo trộn vài năm trước. Thông điệp như cam kết đặt uy tín của Thống đốc Bình và cả Ngân hàng Nhà nước vào tình thế dễ tổn thương.

Và hơn một năm đã trôi qua, thời gian đã trả lời, thị trường đã kiểm chứng. Lạm phát không những kiểm soát ở mức một con số mà còn ở mức thấp năm 2012. Lãi suất huy động và cho vay giảm nhanh và mạnh. Tỷ giá USD/VND ổn định kéo dài, đi cùng là quy mô dư trữ ngoại hối nhà nước lên cao nhất trong lịch sử. Rủi ro đổ vỡ trong hệ thống các tổ chức tín dụng được đẩy lùi, thanh khoản được cải thiện rõ rệt... Thống đốc Bình đã nói trước và bước qua.

Trả lời báo giới tại cuộc gặp mặt mới đây, ông nói: “Chúng tôi hài lòng với những gì đã làm được. Trước đây, khi đặt ra các mục tiêu trên nhiều người không tin. Năm ngoái nói lạm phát một con số chứ chưa nói đến 6,81% như kết thúc năm 2012, ai tin? Năm ngoái nói lãi suất xuống sát 10%/năm, ai tin? Nhưng đến giờ tất cả những cái đó đều là hiện thực”.

Không nói nhiều về các nguyên nhân dẫn đến thành công, hay giá trị của các kết quả đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ đúc kết rằng, nếu chính sách đúng thì cần quyết liệt triển khai và có bản lĩnh thì nhất định sẽ làm được. “Hay nói cách khác, lạm phát hay bất ổn kinh tế vĩ mô không phải là con ngáo ộp, mà là cái chúng ta có thể khống chế được, ngay chính mỗi người chúng ta. Nhưng chúng ta phải làm cho đúng, cho quyết liệt và cho nhất quán”, ông nhấn mạnh.

Dĩ nhiên, khi “nói trước”, người đứng đầu NHNN hẳn đã có tính toán trên cơ sở vững chắc và có niềm tin. Ngược lại, các thông điệp mà ông đưa ra như vậy đã góp phần định hướng kỳ vọng của thị trường, tâm lý thị trường. Việc điều hành chính sách theo đó có thêm thế chủ động để dẫn dắt.

Bản Thông cáo kết quả điều hành năm 2012 của NHNN cũng nhìn lại và nhấn mạnh rằng, trong năm qua Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện rõ nét được vai trò chủ động dẫn dắt và định hướng thị trường, ứng phó linh hoạt và kịp thời với những biến chuyển trên thị trường tiền tệ.

Trao đổi bên lề cuộc gặp mặt báo giới nói trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ thêm: Có chính sách đúng, có quyết tâm và bản lĩnh để thực hiện, song một yếu tố quan trọng để thành công là tạo được sự đồng thuận trong hệ thống.

Năm 2012, cơ chế nổi bật vẫn là việc áp trần lãi suất huy động, rồi chỉ đạo hạ lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 15%/năm từ 15/7/2012... Nếu không có sự đồng thuận cao giữa các thành viên, những biện pháp đó khó lòng đạt kết quả mong muốn.

Có thể thấy rằng, chính sự mạnh tay xử lý các ngân hàng yếu kém mà Thống đốc Bình thực thi là cơ sở quan trọng để tạo nên đồng thuận. Nhóm ngân hàng yếu kém được khoanh vùng, những bất ổn của họ được chỉ ra một cách tâm phục, khẩu phục, và có thể nói là buộc họ phải đồng thuận. Chỉ trong một năm, cơ quan thanh tra giám sát NHNN đã vào cuộc với quy mô chưa từng có. Lần đầu tiên con số nợ xấu sát thực hơn, cao hơn nhiều báo cáo của các tổ chức tín dụng, được đặt ra để xử lý.

Theo đó, một phần lớn những bất cập trong hệ thống ngân hàng tích lũy nhiều năm qua đã được làm rõ, thậm chí điểm mặt chỉ tên. Qua thời gian công chúng và cả các cơ quan chức năng liên quan hiểu hơn để có sự đồng thuận lớn hơn. Đây cũng chính là một yếu tố góp phần cho kết quả điều hành của NHNN năm qua.

“Trong bối cảnh đó chúng ta thấy rõ mình hơn. Thấy rõ mình hơn để có các giải pháp phù hợp hơn. Tôi xem đấy là một thắng lợi”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhìn nhận.

Điểm mà ông còn băn khoăn là sau những kết quả đạt được trong năm 2012, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn. Đây cũng là một yêu cầu trọng tâm mà chính sách tiền tệ cùng với chính sách của các ngành, lĩnh vực khác cần tiếp tục tháo gỡ trong năm 2013.

“Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng còn nhiều khó khăn. Nếu chúng ta bỏ cái ổn định đó để đi xử lý các khó khăn thì còn tạo ra những khó khăn lâu dài hơn nữa. Chúng ta vẫn giải quyết những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhưng phải lấy ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát làm nền tảng. Có như vậy chúng ta mới phát triển ổn định, bền vững, mới tái cấu trúc được nền kinh tế, thay đổi được mô hình tăng trưởng chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và có tính bền vững”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu quan điểm.

Vũ Minh