1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thiếu và thừa ở ngân hàng

Không phải ngẫu nhiên đa số các ngân hàng đều đồng loạt nâng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam lên 10,49%/năm. Vốn huy động tiền đồng vẫn không tăng ở mức các ngân hàng mong muốn.

Thiếu và thừa ở ngân hàng - 1
Nhu cầu tiền đồng của các ngân hàng đang tăng mạnh vào dịp cuối năm.
 
Cầu tiền đồng đang tăng

Trần lãi suất huy động được nâng từ 10% lên 10,5%/năm rõ ràng không tạo ra sức hấp dẫn đối với người có tiền nhàn rỗi. So với các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán, tiết kiệm tiền đồng chưa có ưu thế nổi trội.

Trong khi đó các ngân hàng lại đang cần vốn để cho vay cuối năm; đảm bảo dự trữ bắt buộc và khôi phục trạng thái ngoại hối. Tuy mới đang là đầu tháng 12, nhưng không ít ngân hàng đã lo tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng để cuối tháng khỏi chật vật.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết hiện vốn huy động của ngân hàng ông khoảng 23.000 tỉ đồng, dự trữ bắt buộc bình quân khoảng hơn 1.000 tỉ đồng/ngày tùy vào kỳ hạn tiền gửi.

Có ngày dự trữ bắt buộc tăng lên 1.200 tỉ đồng, có ngày giảm xuống 800 tỉ đồng, ngày thừa bù ngày thiếu, nhưng ngân hàng phải đảm bảo cuối tháng trung bình đạt 1.000 tỉ đồng/ngày. Thành ra ngân hàng phải lo ngay từ đầu tháng, tạo số dư ổn định trên tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để khi cần thì có tiền mà rút về.

Bên cạnh đó, trước cuối tháng 11/2009 khi tỷ giá ngoại hối và lãi suất tiền đồng ổn định trong thời gian tương đối dài, một số ngân hàng đã chuyển đổi ngoại tệ huy động vốn đang ứ thừa, sang tiền đồng để cho vay nhằm hưởng chênh lệch lãi suất.

Tuy nhiên, sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá ngày 26/11/2009 các ngân hàng buộc phải mua lại đô la Mỹ với tỷ giá mới để khôi phục trạng thái ngoại hối.

Một số ngân hàng không có lời do chênh lệch tỷ giá trước và sau khi điều chỉnh cao hơn chênh lệch lãi suất cho vay tiền đồng - ngoại tệ. Như vậy việc chuyển đổi ngược từ tiền đồng sang ngoại tệ đã khiến cho nhu cầu tiền đồng của nhiều ngân hàng tăng lên.

Khi vốn huy động tăng thấp, nhu cầu tiền đồng tăng cao, các ngân hàng chỉ còn cách giảm bớt tăng trưởng tín dụng bằng cách thu hồi các khoản nợ đến hạn, không cho gia hạn nợ hay vay thêm. Các khoản vay cầm cố chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng đến hạn đang được thu hồi ráo riết nhất.

Những giải pháp căn cơ

Trên thị trường ngoại hối, mặc dù NHNN đã bán ra ngoại tệ để can thiệp, nhưng tổng mức bán ra chưa thỏa mãn nhu cầu mà các ngân hàng đề nghị. Lượng ngoại tệ mà các tập đoàn quốc doanh bán cho NHNN theo chỉ đạo của Chính phủ cũng chưa cao.

Nguyên nhân là do bản thân các tập đoàn này cũng cần ngoại tệ để trả nợ trong và ngoài nước, thanh toán nhập khẩu. Có tập đoàn đề nghị NHNN bán lại ngoại tệ cho họ khi cần với giá họ bán cho NHNN hiện nay và điều này NHNN chưa thể trả lời.

Nút thắt của tỷ giá dường như chưa được tháo lỏng bao nhiêu cho dù động thái mạnh là điều chỉnh tỷ giá và Nhà nước can thiệp bằng cách bán ra ngoại tệ trực tiếp, đã được thực hiện.

Các doanh nghiệp vẫn đang chờ động thái xử lý tiếp theo nhằm tạo cung và giảm cầu ngoại tệ. Việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 09/2008/QĐ-NHNN ban hành năm ngoái về khả năng cho phép các nhà xuất khẩu được vay ngoại tệ đang tỏ ra chậm trễ.

Thử hình dung vòng chuyển động nếu doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ. Nhà xuất khẩu A vay được đô la Mỹ, sẽ bán cho ngân hàng lấy tiền đồng phục vụ sản xuất. Thay bằng vay tiền đồng lãi suất 12%/năm, đơn vị này chỉ phải trả 4-5%/năm cho khoản vay ngoại tệ.

Như vậy trên thực tế nhà xuất khẩu đã vay tiền đồng với lãi suất đô la. Sau đó khi xuất khẩu thu ngoại tệ về, họ sẽ dùng ngoại tệ đó trả nợ khoản vay đô la cho ngân hàng.

Về phía doanh nghiệp, cái lợi là họ không phải trả một lãi suất cao cho ngân hàng, từ đó giúp giảm giá thành hàng xuất khẩu, nâng tính cạnh tranh. Hơn nữa điều này giúp họ không bị hụt hẫng khi thời điểm chấm dứt hỗ trợ lãi suất 4%/năm đã gần kề.

Về phía ngân hàng, lượng ngoại tệ thu về của nhà xuất khẩu sẽ được dùng để trả nợ, nghĩa là việc găm giữ ngoại tệ trên tài khoản của doanh nghiệp sẽ được giải tỏa. Ngoại tệ sẽ luôn nằm trong vòng quay mà không bị ách tắc.

Đối với việc bán ngoại tệ của các tập đoàn, áp dụng tài khoản lưỡng tính có thể sẽ là giải pháp hợp lý. Khi ngoại tệ của các tập đoàn về tài khoản, ngân hàng ngay lập tức chuyển chúng ra tiền đồng và khi tập đoàn cần để thanh toán, ngay lập tức tiền đồng chuyển trở lại thành ngoại tệ.

Tỷ giá niêm yết ở hai thời điểm chuyển đổi là khác nhau, nhưng bù lại các tập đoàn được hưởng lãi suất tiền gửi đồng Việt Nam vốn cao hơn lãi suất ngoại tệ nhiều.

Ngoài ra, để giảm áp lực găm giữ ngoại tệ, một trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ của doanh nghiệp (không phải của dân cư) nên được thiết lập, chẳng hạn chỉ 0,5%/năm. Một khi chênh lệch trần lãi suất VND/USD lên tới 9 - 10%/năm, doanh nghiệp sẽ phải tính lại bài toán giữ tiền đồng hay ngoại tệ. NHNN đang áp dụng trần lãi suất huy động tiền đồng, thì không có lý gì lại không thể sử dụng trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ cho doanh nghiệp.

Theo Hải Lý
Thời báo Kinh tế Sài Gòn