Thị trường thẻ thanh toán: Bức tranh nào sau giai đoạn bùng nổ?

Thị trường thẻ sẽ tiếp tục phát triển, đó là nhận định chung của các chuyên gia trong ngành, nhưng sau giai đoạn phát triển “ồ ạt” vừa qua, sự phân hóa giữa các nhà phát hành sẽ bắt đầu, có thể ngay từ 2011.

Thẻ thanh toán quốc tế xuất hiện tại Việt Nam từ thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng thị trường thẻ thanh toán nói chung gồm cả thẻ quốc tế và thẻ nội địa chỉ tạo được dấu ấn đột phá vào giai đoạn 2002-2003 khi lần lượt Vietcombank và Techcombank chính thức phát hành thẻ ghi nợ nội địa sử dụng trên ATM. Điều đáng nói là sự “bùng nổ” của thị trường được duy trì liên tục qua các năm với số lượng phát hành tăng đột biến.
 
Nhìn lại sự “bùng nổ”...

Thị trường thẻ thanh toán: Bức tranh nào sau giai đoạn bùng nổ? - 1

Nhìn vào điểm được coi là khởi đầu 2003, khi thị trường được bổ sung hai loại thẻ nội địa dùng được trên ATM là Vietcombank Connect 24 và Techcombank F@asAcess thì tổng số lượng thẻ phát hành (gồm cả thẻ quốc tế và nội địa) mới đạt 234.000 thẻ. Nhưng sau đó là sự tăng tốc có những năm đạt trên 300%, năm 2006 đạt 6,2 triệu thẻ phát hành, đến cuối năm 2007 lên tới 9,1 triệu thẻ phát hành và đến cuối năm 2010 đạt tới 19 triệu thẻ phát hành, trong đó thẻ quốc tế là khoảng 1,7 triệu thẻ.
 
Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Khối Sản phẩm dịch vụ ngân hàng tài chính cá nhân của Techcombank, sự phát triển nhanh chóng của thị trường thẻ có nhiều nguyên nhân. Nhưng quan trọng nhất là giá trị dành cho người sử dụng, bản thân thẻ thanh toán đến thời điểm này đã được chứng minh là có nhiều tiện ích hơn nhiều so với thanh thanh toán dùng tiền mặt.
 
“Nhìn lại lịch sử, khi chúng tôi mới phát hành thẻ, Techcombank đã cố gắng thuyết phục khách hàng bằng những tính năng hết sức cơ bản như khách hàng có thể rút tiền 24/24, kể cả ngày nghỉ, rồi kiểm soát được chi tiêu, hay là an toàn hơn dùng tiền mặt… Nhưng đến hiện tại, chúng tôi không phải nói điều này với khách hàng mà nhấn mạnh nhiều hơn tới các giá trị gia tăng khác của thẻ như thanh toán toàn cầu (thẻ quốc tế), được hưởng các chương trình khuyến mại giảm giá khi mua sắm, được nhân viên ngân hàng chăm sóc bất cứ lúc nào…”, bà Dung nói.
 
Sự phát triển nhanh của thị trường thẻ có công của các nhà phát hành mà chủ yếu là các ngân hàng, nhưng ngược lại tốc độ phát triển đó cũng tạo nên sức ép cho các ngân hàng đều phải nỗ lực tham gia dù chi phí đầu tư ban đầu không nhỏ.
 
Nếu như giai đoạn 2002 - 2003, hai cái tên Vietcombank và Techcombank được coi là khá mạo hiểm khi bỏ nhiều triệu USD đầu tư phát triển hệ thống thanh toán thẻ thì đến nay đã có khoảng 40 ngân hàng tham gia vào thị trường với hơn 30 ngân hàng trong nước và gần 10 ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
 
Và cạnh tranh sắp tới

Thị trường thẻ thanh toán: Bức tranh nào sau giai đoạn bùng nổ? - 2

“Với số dân 84 triệu người và số chủ thẻ mới đạt 19 triệu, có thể thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực thẻ thanh toán còn rất lớn”, bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ thẻ Smarlink cho biết:
 
“Nhưng bất kỳ ngân hàng nào cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, việc mở rộng thị trường với tốc độ cao như trước là không còn dễ. Những khách hàng dễ tiếp nhận thẻ trong thanh toán cơ bản đã được các ngân hàng khai thác. Để thu hút thêm nhiều khách hàng mới đòi hỏi sự đầu tư một cách bài bản hơn từ các ngân hàng phát hành”.
 
Trên thực tế, trong giai đoạn vừa qua, với các chương trình khuyến mại lớn được các ngân hàng thực hiện, không ít khách hàng đã mở tới 3-4 loại thẻ của các ngân hàng khác nhau, nhưng trên thực tế những khách hàng này chỉ sử dụng một thẻ thường xuyên. Thực trạng này khiến nhiều ngân hàng mặc dù có số liệu phát hành rất lớn, nhưng số lượng thẻ thực sự được giao dịch thường xuyên (active) lại rất thấp, nên hiệu quả đầu tư vào hệ thống thanh toán thẻ cũng không cao.
 
Theo bà Đặng Tuyết Dung, với kinh nghiệm của một ngân hàng tham gia thị trường thẻ sớm nhất như Techcombank thì, để khách hàng có thể gắn bó một cách lâu dài thì việc đầu tư một hệ thống thanh toán thuận lợi, an toàn chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là các ngân hàng còn phải chú trọng nâng cao dịch vụ và tiện ích trong sử dụng, thanh toán cho chủ thẻ.
 
Ngoài việc đầu tư mạng lưới thanh toán lớn với hơn 1.000 ATM và 1.633 POS trên toàn quốc, Techcombank cũng là một trong số ít ngân hàng liên tục tung ra các chương trình chăm sóc chủ thẻ như giảm giá khi thanh toán tại các trung tâm thương mại lớn, hưởng lãi suất cao đối với tiền tiết kiệm trong tài khoản thanh toán, hưởng điểm thưởng khi thanh toán vé máy bay...
 
“Hàng năm, chúng tôi luôn có các hoạt động khảo sát, điều tra để nắm bắt lại xu hướng của khách hàng để có các hoạt động điều chỉnh và cải tiến phù hợp. Đây là lý do tại sao Techcombank tận dụng tốt giai đoạn bùng nổ và duy trì vị trí trong top những ngân hàng dẫn đầu về phát hành, nhưng đồng thời tỷ lệ thẻ active luôn đạt mức trên 90%”, bà Dung cho biết.
 
Năm 2011 là năm đánh dấu việc cho phép hoạt động bình đẳng của khối ngân hàng nước ngoài với các ngân hàng nội địa theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Đây là những đối thủ rất lớn bởi ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam mang theo kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực phát hành thẻ trên toàn cầu. Sự cạnh tranh sẽ dành cho các ngân hàng đầu tư bài bản và chuyên nghiệp.


Chiến lược đến năm 2015 của Techcombank là tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho dịch vụ thẻ, đảm bảo các chủ thẻ của Techcombank luôn được hưởng quyền lợi ưu việt nhất. Techcombank đã chuẩn bị sẵn cho kế hoạch này với sự tư vấn chiến lược của ngân hàng HSBC và McKinsey – Công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới, đồng thời sẽ tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần hiện nay vào năm 2015, đạt mức 19.335 tỷ đồng để có thêm nguồn lực đầu tư cho kế hoạch phát triển của ngân hàng.
 
Minh Hoàng