1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thị trường lương thực, thực phẩm Hà Nội tăng giá

(Dân trí) - Thị trường Hà Nội đang tăng giá đối với rất nhiều loại lương thực, thực phẩm và nguyên nhân được các tiểu thương đưa ra là do giá vàng và USD tăng. Cơ quan chức năng Hà Nội đã xác nhận tình hình này.

Mức tăng từ 10 - 20%
 
Ghi nhận của PV Dân trí tại chợ Cống Vị (quận Ba Đình, Hà Nội), giá gạo bán lẻ đã tăng từ 10 - 20%, trong đó gạo Bắc Hương được bán với giá 15.000 đồng/kg, gạo Tám Thái là 18.000 đồng/kg, gạo Tám Điện Biên 16.000 đồng/kg, gạo Xi 12.000 đồng/kg, loại gạo rẻ nhất là Tạp Giao bán với giá 11.000 đồng/kg.
 
Liên quan đến giá gạo, bác Sơn - ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết: “Gia đình tôi thường ăn gạo Bắc Hương và mua gạo ở 1 đại lý gần nhà. Tháng trước họ mang gạo đến với giá 110.000 đồng/yến thì tháng này họ bảo giá đã tăng lên 140.000 đồng/yến, như vậy giá gạo đã tăng tới 3.000 đồng mỗi kg”.
 
Thị trường lương thực, thực phẩm Hà Nội tăng giá - 1
Giá lương thực, thực phẩm Hà Nội tăng từ 10 - 20%
 
Trong “guồng” tăng giá nói chung, các loại rau củ quả, thực phẩm tươi sống cũng tăng.
 
Khảo sát tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa), thịt bò thăn có giá 160.000 đồng/kg, thịt bò mông bán ra 140.000 đồng/kg; giá thịt lợn ba rọi là 65.000 đồng/kg, thịt mông 70.000 đồng/kg, thịt lợn thăn là 80.000 đồng/kg; thịt gà ta ngon là 90.000 đồng/kg, thịt vịt 75.000 đồng/kg;
 
Tôm trứng 130.000 đồng/kg, tôm sú 185.000 đồng/kg; cá trắm tăng 20%, dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/kg; Su hào đầu mùa giá 6.000 đồng/củ, cải bắp 11.000 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, khoai tây 14.000 đồng/kg…
 
Chị Lan - một tiểu thương ở chợ Ngọc Hà, lý giải việc tăng giá: “Giá vàng tăng vù vù trong thời lạm phát thì thực phẩm không tăng mới là chuyện lạ (?!). Ví dụ như thịt lợn chúng tôi mua vào tăng thì bán ra cũng phải tăng chứ không thì lỗ vốn”.
 
Trong các siêu thị - nơi được coi là không có chuyện mặc cả thì chỉ có đồ khô ăn liền giá không thay đổi, còn rau xanh và thực phẩm tươi sống đều tăng nhẹ khoảng từ 5 - 10%.
 
“Giá cả thị trường chắc chắn tiếp tục tăng”
 
Liên quan đến tình hình lương thực, thực phẩm tăng giá trên thị trường, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội. Ông Đồng xác nhận: “Thị trường Hà Nội những ngày gần đây có sự tăng giá như Dân trí phản ánh.
 
Chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội tháng 10/2010 tăng 1,22%, cao hơn so với bình quân chung trên cả nước. Về bản chất, sự biến động giá cả trên thị trường lương thực, thực phẩm Hà Nội không phải vì nhu cầu tiêu dùng mà là do yếu tố giá nguồn cung đầu vào tăng cao”.
 
“Những ngày đầu tháng 10, Hà Nội tổ chức Đại lễ nên đã kéo theo sự tăng cao của nhu cầu tiêu dùng, sau Đại lễ giá cả có xuống nhưng những ngày gần đây lại tiếp tục tăng. Dẫn đến tình hình này 1 phần nguyên nhân là do giá lương thực, thực phẩm phía Nam tăng; cùng với đó, đợt lũ lụt kéo dài ở miền Trung đã gây thiệt hại lớn, việc tập trung hàng hóa đưa vào cứu trợ miền Trung dẫn tới phân tán nguồn hàng tại Hà Nội.
 
Suốt một thời gian dài dịch bệnh tai xanh ở lợn xảy ra khiến nguồn thực phẩm này bây giờ giảm mạnh. Ngoài ra, các mặt hàng chính như: gas, vật liệu xây dựng… tăng giá đã góp phần làm biến động giá trên thị trường lương thực, thực phẩm” - ông Đồng phân tích.
 
Cũng theo ông Đồng: “Hiện Hà Nội có 380 chợ được xếp hạng và đặt tên, ngoài ra các chợ tạm, chợ cóc trong khu dân cư rất nhiều, khi nguồn cung lương thực, thực phẩm tăng thì giá bán lẻ cũng tăng, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại có sự tăng giá lương thực, thực phẩm 1 cách tùy tiện của các tiểu thương”.
 
Nói về sự kiềm chế và bình ổn giá cả thị trường, ông Đồng cho biết: “Những ngày qua, Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo phải cố gắng bình ổn giá tiêu dùng đến cuối năm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão.
 
TP Hà Nội đã chi ra 500 tỷ đồng cho việc bình ổn giá thị trường, trong đó 100 tỷ đồng để bình ổn giá khi có thiên tai, 400 tỷ đồng để bình ổn 9 nhóm ngành hàng là: lương thực (gạo tẻ), thịt gia súc gia cầm, trứng, đường, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ… Chúng tôi đang tăng cường kiểm tra, kiếm soát để chống việc găm hàng và tăng giá tùy tiện. Ngoài ra, Tháng Khuyến mãi bắt đầu được thực hiện từ ngày 1/11 sẽ góp phần bình ổn giá tiêu dùng trên Hà Nội”.
 
“Từ nay đến cuối năm, do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao nên không riêng lương thực, thực phẩm mà tất cả các mặt hàng khác sẽ diễn biến theo xu hướng tăng, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán” - ông Đồng dự đoán.
 
Quỳnh Anh