1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hà Nội:

Thị trường lương thực, thực phẩm “hạ nhiệt”

(Dân trí) - Trong khi giá nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn tiếp tục leo thang thì thị trường thực phẩm tại Hà Nội đang có biểu hiện chững và giảm giá. Nhiều bà nội trợ tỏ ra vui mừng vì sự “hạ nhiệt” của thị trường.

Ghi nhận của PV Dân trí tại nhiều khu chợ trong trung tâm TP Hà Nội cho thấy: giá rau xanh giảm mạnh, nhiều loại rau giá bán chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/3 so với hồi đầu tháng 11.
 
Tại chợ Thành Công, Cống Vị (quận Ba Đình), khoai tây giữ giá 14.000 đồng/kg; rau cải bắp giảm từ 12.000 đồng/kg xuống còn 6.000 đồng/kg, rau cải ngọt trước đó có giá 10.000 đồng/kg giảm còn 5.000 đồng/kg (2.000 đồng/mớ), rau muống bán 5.000 đồng/mớ;
 
Su hào từ 6.000 đồng/củ giảm xuống 2.000 đồng/củ, đỗ xanh quả dài từ 16.000 đồng/kg giảm xuống còn 7.000 đồng/kg, cà chua từ 15.000 đồng/kg giảm còn 7.000 đồng/kg; súp lơ từ 14.000 đồng/kg giảm xuống 8.000 đồng/kg; các loại rau gia vị như: mùi, thì là, xà lách khoảng 1.000 đồng một mớ…
 
Thị trường lương thực, thực phẩm “hạ nhiệt” - 1
Giá lương thực, thực phẩm tại Hà Nội đã "hạ nhiệt"
 
Chị Thủy (ở quận Đông Đa) chia sẻ: “Rau xanh rất dễ mua và có nhiều lựa chọn, giá thực phẩm cũng ổn định hơn chứ không tăng kiểu 3 ngày/lần như nửa tháng trước. Tôi nghĩ bây giờ các bà nội trợ đều cảm thấy yên tâm hơn chứ không còn hốt hoảng nữa”.
 
Vào thời điểm này, các loại thực phẩm tươi sống cũng đã chững giá chứ không “ra sức” leo thang như cách đây 2 tuần.
 
Khảo sát tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa), thịt lợn mông giá bán ra từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, giá thịt lợn ba rọi là 65.000 đồng/kg; thịt bò thăn có giá dao động từ 155.000 - 160.000 đồng/kg, thịt bò mông 140.000 đồng/kg;
 
Thịt gà ta ngon là 90.000 đồng/kg, thịt vịt 75.000 đồng/kg; thịt ngan 80.000 đồng/kg; các loại hải sản cũng giữ giá so với hồi đầu tháng 11, trong đó: cá trắm bán 70.000 đồng/kg, tôm sú 185.000 đồng/kg, ngao 35.000 đồng/kg…
 
Riêng về nhóm lương thực (gạo tẻ), giá bán lẻ tại các chợ vẫn có xu hướng tăng nhẹ từ 5 - 10%, trong đó: gạo Bắc Hương tăng lên 16.000 đồng/kg, gạo Tám Thái là 19.000 đồng/kg, gạo Tám Điện Biên 17.000 đồng/kg, gạo Xi 12.000 đồng/kg…
 
Lý giải về sự giảm trên thị trường, chị Hoa - một tiểu thương buôn bán tại chợ Thành Công cho biết: “Thời điểm cuối tháng 10 âm lịch bắt đầu vào chính vụ rau đông nên nguồn cung rất dồi dào kéo theo giá cả cũng giảm nhiều so với hồi đầu vụ.
 
Như thường lệ, từ giữa vụ đông trở đi, lượng rau xanh và củ quả từ các vùng ven đô đưa về Hà Nội rất lớn, nếu thời tiết thuận lợi nhiều loại rau sẽ cho năng suất cao và thu hoạch liên tục nên không lo thiếu rau. Bên cạnh đó, giá vàng, giá đô lúc này không “sốt” như thời gian trước nữa nên giá cả thị trường cũng tương đối ổn định”.
 
Trong các siêu thị, do vẫn đang Tháng Khuyến mại nên nhiều mặt hàng tiêu dùng tạm thời giữ giá, đặt biệt là 9 nhóm ngành hàng thiết yếu nằm trong danh mục bình ổn giá của Chính phủ như: lương thực (gạo tẻ), thịt gia súc gia cầm, trứng, đường, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ…
 
Trước đó, giá tiêu dùng biến động trên quy mô toàn quốc. Giải quyết tình hình này, UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đơn vị sản xuất, kinh doanh lợi dụng biến động thị trường đẩy giá trục lợi, đồng thời thực hiện các biện pháp để bình ổn giá trong những tháng cuối năm 2010 và Tết Nguyên đán.
 
Liên quan đến giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết: Từ nay đến cuối năm, Sở Công thương sẽ cố gắng tăng lên khoảng 500 điểm bán hàng bình ổn giá để phục vụ tối đa nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và mở rộng ra khu vực ngoại thành. Sở sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chương trình bình ổn giá.
 
Quỳnh Anh