1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thế chấp than đi vay vốn ngoại?

(Dân trí) - Đây là kiến nghị mà TKV hiện đang trình lên Chính phủ với hy vọng sẽ được phép sử dụng loại tài nguyên thuộc sở hữu nhà nước này như một tài sản đảm bảo để vay vốn nước ngoài.

Thế chấp than đi vay vốn ngoại? - 1
TKV đang đề xuất được Chính phủ bảo lãnh trong huy động vốn để đầu tư phát triển các mỏ than mới (Ảnh: TKV).

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012 của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày 10/1, Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn cho biết, Tập đoàn này đang kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm sử dụng nguồn than đã được đánh giá trữ lượng để kêu gọi vốn vay quốc tế.

Biện giải cho đề xuất này, ông Vũ Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc TKV, khi trao đổi với báo giới có lý luận, hình thức này chính là việc thế chấp than, khi xây dựng mỏ nào sẽ dùng trữ lượng than đã được đánh giá của mỏ đó làm tài sản thế chấp vay vốn của các tổ chức nước ngoài, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB)hay Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB)… với kỳ hạn vay từ 10 năm trở lên.

Theo quy định hiện hành, than, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, các tập đoàn chỉ nắm quyền thăm dò và khai thác.

Ông Hùng cũng cho biết, trong năm 2011, Tập đoàn đã vay khoảng 200 triệu và hiện tại TKV đang xây dựng phương án vay vốn cho năm 2012. Trong đề xuất trình lên của mình, TKV cũng hy vọng sẽ được Chính phủ bảo lãnh trong huy động vốn để đầu tư phát triển các mỏ than mới.

Lương bình quân 7,8 triệu đồng/tháng

Tại Hội nghị Tổng kết này, lãnh đạo TKV cũng thông báo, trong năm 2011, TKV sản xuất được 47,8 triệu tấn than nguyên khai, 4,6 tỷ kWh điện, 55.000 tấn vật liệu nổ công nghiệp và nhiều sản phẩm cơ khí, khoáng sản...

Tổng doanh thu đạt được trong năm 2011 đạt gần 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến đạt 7.800 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch năm (song chỉ bằng 90% thực hiện năm 2010).

Trên cơ sở đó, mức thu nhập bình quân tập đoàn chi trả cho nhân viên là 7,8 triệu đồng/người/tháng. Riêng lĩnh vực sản xuất than, mức thu nhập nhỉnh hơn với 8 triệu đồng/người/tháng, tăng 7% so năm 2010.

Như vậy, so mức lương tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, mức chi trả của TKV vẫn “khiêm tốn” hơn. Theo số liệu công bố mới đây của Bộ Công thương, trong năm 2011, lương trung bình của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cao nhất với 16,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,5% so với năm 2010. Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn chi “mạnh tay” không kém với 9,7 triệu đồng/người/tháng. Đứng thứ ba là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,6% so năm 2010.

Trong năm 2012, TKV dự kiến sản xuất hơn 48,9 triệu tấn than nguyên khai, tăng 2,5% so với năm 2011. Doanh thu mục tiêu 96.300 tỷ đồng, tăng 3% (tương đương 3.000 tỷ đồng) so thực hiện năm 2011. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận lại chỉ đạt 6.280 tỷ đồng, giảm 19% so ước thực hiện năm 2011.
Tập đoàn đang kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh giá bán than cho điện để bù đắp chi phí, tiến tới sát giá thị trường. So với giá thành năm 2010, giá than bán cho điện hiện nay mới chỉ bằng 57-63%. Nếu so giá thành của năm 2011, tỉ lệ này mới chỉ đạt 50%.

Mới đây, trong triển khai nhiệm vụ năm 2012, Bộ Tài chính dự kiến sẽ điều chỉnh tăng giá than cho sản xuất điện cùng với thời điểm điều chỉnh giá điện bằng khoảng 72-80% giá thành tiêu thụ than năm 2010 (Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết sẽ phấn đấu bằng khoảng 80%).

Hồng Liên