“Tháng 6 có thể chặn suy giảm kinh tế”

(Dân trí) - “Theo tính toán, dự báo của chúng tôi, đầu tháng 6 năm nay có thể chặn suy giảm kinh tế, đạt tăng trưởng trở lại”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích trong buổi gặp mặt báo chí đầu năm, chiều 4/2.

 Duy trì tăng trưởng ở mức 6%

Thủ tướng cho rằng, nhiều nhà lãnh đạo, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, tình hình hiện nay trên thế giới không chỉ là một cuộc khủng hoảng kinh tế bình thường mà là đại khủng hoảng và chưa biết điểm dừng ở đâu.

Chỉ cách đây hai tháng, Qũy Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng của thế giới năm 2009 đạt 2,2% (năm 2008 đạt 3,7%), nhưng theo dự báo mới đây, tăng trưởng của toàn cầu chỉ đạt 0,5%, mức thấp nhất trong vòng 60 năm qua.

Ba đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ, Nhật Bản, Khối đồng tiền chung châu Âu đều được dự báo có tốc độ tăng trưởng âm, trong khi Trung Quốc dự kiến cũng chỉ tăng 6,5%. 
 
Từ phân tích trên, Thủ tướng chỉ ra rằng, những yếu tố khách quan cộng với những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế trong nước làm cho năm 2009 khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2008. Thực tế, trong tháng đầu tiên của năm, giá trị sản xuất công nghiệp trong nước giảm 8,6% so với tháng 12/2008, trong khi xuất khẩu cũng giảm 19%...

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ tập trung tất cả các giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì sản xuất kinh doanh. “Nếu không thực hiện được như vậy, vấn đề an sinh xã hội sẽ rất khó khăn”, Thủ tướng phân tích.

Theo Thủ tướng mục tiêu lúc này là phải duy trì tăng trưởng ở mức 6% (Nghị quyết Quốc hội đặt ra là khoảng 6,5%). Để thực hiện được điều này Chính phủ sẽ thực hiện nhiều giải pháp tài chính - tiền tệ, trong đó có việc giảm, hoãn, miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp.
 
 
“Tháng 6 có thể chặn suy giảm kinh tế” - 1
Thủ tướng: "17.000 tỉ đồng kích cầu sẽ dùng hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp" (Ảnh: M.C)
 
Đặc biệt, khoản tiền 17.000 tỉ đồng kích cầu sẽ dùng hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp, tức giảm 4% lãi suất ngân hàng cho vay. Với biện pháp này, theo Thủ tướng có thể giúp các doanh nghiệp vay được 420.000 tỉ đồng phục vụ sản xuất, kinh doanh. 

Riêng vấn đề thuế thu nhập cá nhân, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, Chính phủ đã thống nhất tạm thời giãn việc nộp đến tháng 5/2009 để chia sẻ với người dân trong hoàn cảnh khó khăn.

Kì họp của Quốc hội vào tháng 5 sẽ quyết định về việc đối tượng nào được hoãn, giãn, miễn thuế. Hiện tại, việc kê khai nộp thuế tiếp tục được tiến hành và chỉ riêng các đối tượng vãng lai, thu nhập không thường xuyên vẫn phải nộp thuế.

Không phá giá đồng tiền

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về việc Chính phủ có thực hiện phá giá đồng tiền như một giải pháp trong hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng cho rằng, vấn đề tỉ giá là tổng hoà của nhiều mối quan hệ. Chính phủ phải linh hoạt trong điều hành tỉ giả để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, hài hoà các lợi ích…
 
“Chúng ta không có yêu cầu phá giá đồng tiền”, Thủ tướng nhấn mạnh. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc lại, vấn đề tỉ giá liên quan đến vĩ mô của nền kinh tế nên Chính phủ sẽ rất thận trọng, linh hoạt.

Về câu hỏi, liệu quí I, quí II năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư có tiếp tục giảm như tháng 1 vừa qua hay không, Thủ tướng cho rằng: “Theo tính toán, dự báo của chúng tôi, đầu tháng 6 năm nay có thể chặn được suy giảm kinh tế, đạt tăng trưởng trở lại”.

Theo Thủ tướng, các giải pháp vừa được triển khai trong tháng 1 vừa rồi chưa thể ngấm vào thực tế, đời sống. Phải đến tháng 4, tháng 5 nền kinh tế mới bắt đầu có những chuyển động để có sự thay đổi vào tháng 6.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, trước tình hình phức tạp như hiện nay, Chính phủ sẽ cập nhật nhanh tình hình, nâng cao trách nhiệm trong điều hành, chỉ đạo… Trong việc xử lí các vấn đề trước mắt sẽ tính tới yếu tố lâu dài, phát triển nền kinh tế theo hướng có chất lượng, có chiều sâu.

“Trong thời điểm khó khăn này, yếu tố quan trọng nhất là đồng lòng, chung sức phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra”, Thủ tướng kết lại.
 

Thủ tướng đánh giá, việc triển khai các giải pháp an sinh xã hội năm 2008 đã đạt được những kết quả tốt đẹp, trong đó chính sách y tế, giáo dục dù ở bối cảnh lạm phát vẫn tăng thêm. Đặc biệt, từ việc hỗ trợ các hộ nghèo trong dịp Tết vừa qua, thông qua các thống kê cụ thể đã cho thấy số hộ nghèo hiện nay giảm còn 12,1%, không phải 14,8% như con số ban đầu.  

 
 
Cấn Cường