1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thận trọng với bài toán tỷ giá

Tỷ giá ngoại tệ

(Dân trí) - Có nên tiếp tục nới biên độ tỷ giá USD/VND lại được đưa ra tranh luận sôi nổi. Tuy nhiên, xét trong điều kiện hiện nay, việc giảm giá VND có thể gây bất lợi cho nền kinh tế.

Thận trọng với bài toán tỷ giá - 1
Tỷ giá biến động chủ yếu do yếu tố tâm lý (ảnh: VietNamnet).
 
Trong báo cáo mới đây về triển vọng xuất khẩu năm 2009, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bằng cách nới biên độ dao động ngoại tệ lên 6% rồi 7%.

Việc duy trì tỷ giá những năm gần đây khiến VND được xem là quá cao so với USD, nhất là trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế, dẫn đến khuyến khích nhập khẩu.

Dự báo kim ngạch xuất khẩu 2009 sẽ bị sụt giảm mạnh nên các chuyên gia đưa ra khuyến cáo trên. Đồng thời, việc nới biên độ được tính đến như là giải pháp có thể thúc đẩy xuất khẩu và tháo gỡ nút thắt thị trường.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, để đạt được kim ngạch xuất khẩu (XK) bằng năm 2008 thì 4 tháng cuối năm 2009, mỗi tháng kim ngạch XK bình quân phải đạt từ 5,7 - 5,8 tỷ USD.

Mặc dù hiện tại các thị trường xuất khẩu đều đang có dấu hiệu phục hồi tốt về số lượng đơn hàng cũng như giá trị xuất khẩu, song khó có thể có mức tăng trưởng tốt.

Thống kê của Bộ Công Thương cho biết, 8 tháng đầu năm, chỉ tiêu xuất khẩu mới chỉ đạt 37,3 tỷ đồng, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2008 (8 tháng đầu năm 2008 xuất khẩu đạt 43,3 tỷ USD).

Nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố giảm giá vì lượng xuất khẩu của Việt Nam không giảm. Do đó có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu có tăng hay không còn phụ thuộc lớn vào sự hồi phục của kinh tế thế giới.

Về nguyên lý, việc giảm giá đồng nội tệ có thể khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, giảm nhập siêu. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế còn nhập siêu như Việt Nam, cơ cấu hàng xuất khẩu chủ yếu là gia công, lắp ráp, nhập từ 70 - 80% nguyên phụ liệu từ nước ngoài, nếu điều chỉnh tỷ giá tăng đồng nghĩa với làm tăng chi phí, đẩy giá thành, hệ luỵ là giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên trường quốc tế.

Thực tế, việc giảm giá VND sẽ làm tăng gánh nặng trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, nếu VND mất giá 5% thì mỗi năm ngân sách nhà nước phải trả nợ nước ngoài thêm 26.000 tỷ đồng, doanh nghiệp phải trả thêm 13.000 tỷ đồng.

Trong điều kiện Việt Nam còn nhập siêu thì việc giảm giá VND tạo sức ép lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Nếu tỷ giá tăng 1% và với mức nhập khẩu 8 tháng đầu năm là 42,4 tỷ USD thì chi phí mà nền kinh tế phải bỏ ra có thể tới trên 7.000 tỷ đồng.

Hơn nữa, để hạn chế tâm lý găm giữ ngoại tệ, việc không nới biên độ tỷ giá có thể được tính đến. Điều này phần nào giảm kỳ vọng USD tăng giá. Chưa kể, năm 2008, không ít doanh nghiệp đã phải gánh thêm những khoản nợ lớn do ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Tỷ giá là vấn đề của cả nền kinh tế chứ không riêng ngành ngân hàng.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu từng phát biểu: “Điều hành thị trường ngoại tệ và tỷ giá không chỉ liên quan tới một vài chục, vài trăm doanh nghiệp và cũng không đơn thuần chỉ là bài toán riêng của ngành ngân hàng. Đây là bài toán của cả nền kinh tế”.

Kim Chi