1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thâm nhập “thế giới ngầm” ở chợ đầu mối ven đô

Ẩn sau sự nhộn nhịp, ồn ào của kẻ bán người mua ở các chợ đầu mối nằm ven đô Hà Nội, là một thế giới ngầm đầy rẫy những quy luật nghiệt ngã theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”.

Kỳ1: Những “mảng tối” ở chợ đầu mối
 
Nơi đây thường xảy ra những “cuộc chiến” khốc liệt, thậm chí sẵn sàng đổ máu giữa các chủ buôn nhằm giành lấy những mối hàng “ngon” nhất về mình.

Quyền uy của chủ hàng…

Trong vai những phu bốc vác thuê cho các chủ buôn, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình thâm nhập thế giới ngầm ở chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội. Được sự giới thiệu của một người bạn, chúng tôi theo chân một người tên H quê ở Nam Định làm nhiệm vụ vận chuyển hàng. Theo ghi nhận của chúng tôi, bất chấp thời tiết nắng hay mưa, cứ tầm 10g đêm chợ bắt đầu hoạt động. Sau khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ ngồi đợi, chịu đựng cái rét đầu mùa, cuối cùng đoàn xe chở hàng của giới chủ buôn cũng nối đuôi nhau tiến vào khu vực trong chợ để tập kết đổ hàng trong sự háo hức, nhốn nháo của các tiểu thương.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm nhập hàng từ các chợ đầu mối, chị H tiết lộ: “Nguồn hàng trước khi đổ về chợ Long Biên còn phải qua một khâu trung gian là chợ Đền Lừ. Nguồn hàng chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc tràn qua biên giới ở các tỉnh phía Bắc hoặc từ trong Nam nhập về”. Theo quan sát, mạng lưới chủ buôn, tiểu thương lên đến hàng trăm người, hoạt động liên tục từ khi chợ mở (tức 10g đêm) đến tận sáng ngày hôm sau. Nguồn hàng sau khi được tập kết về chợ đầu mối cho các chủ hàng lớn, sẽ được phân chia để bán cho các tiểu thương , rồi các tiểu thương này sẽ mang nguồn hàng đi phân phối khắp nơi tới tay người tiêu dùng. Mạng lưới này hoạt động rất trơn tru. Sở dĩ có sự trơn tru đó, là do ở đây có các “luật ngầm” vô cùng khắc nghiệt.

Trong thế giới ấy, thì tiểu thương, chính là tầng lớp “thấp cổ bé họng” , chịu sự áp bức, bóc lột, chèn ép một cách trắng trợn của các chủ hàng. Thậm chí đến mức, dẫu biết mình bị chèn ép, nhưng họ vẫn không dám hé răng nửa lời để phản đối, vì như vậy sẽ “hết đường làm ăn” ở đây, chị H cho biết.

Trong cuộc chiến về đêm ở các chợ đầu mối, chủ nguồn hàng có một quyền uy rất lớn, thỏa sức tung hoành.

Các mặt hàng rau, củ, quả bị “thổi” giá trắng trợn.
Các mặt hàng rau, củ, quả bị “thổi” giá trắng trợn.

Xem rồi... không mua… hết đường làm ăn

Theo tìm hiểu của PV, nguồn hàng là do chủ hàng nhập về, trước khi đến tay các tiểu thương, người tiêu dùng phải qua một đội ngũ bán hàng thuê chuyên nghiệp do chủ buôn thuê. Theo tiết lộ của những tiểu thương, thì đội ngũ bán hàng đều là những người quen hoặc thân thiết của các chủ hàng. Đội ngũ này sẽ có nhiệm vụ trực tiếp “làm giá” và thu tiền từ tay các tiểu thương. Tiểu thương, ngoài số tiền bỏ ra mua hàng, phải mất thêm một khoản lót tay gọi là tiền “phỏm” cho đội ngũ bán thuê này. Số tiền “phỏm” nhiều hay ít tùy thuộc vào số lượng, chất lượng hàng cũng như mức độ quen biết, thân thiết của tiểu thương với chủ hàng. “Trong trường hợp nếu họ biết mình đang cần hàng, thì số tiền “phỏm” họ thu sẽ không theo một mức giá quy định nào. Họ sẵn sàng mặc sức hét chèn ép tiểu thương. Nếu không mua, thì sẽ không có hàng bán”, một tiểu thương than thở với chúng tôi.

Tuy nhiên, khoản tiền “phỏm” mà các tiểu thương phải lót tay cho đội ngũ bán hàng chỉ là bề nổi, điều mà các tiểu thương e ngại nhất là những quy tắc “bất thành văn”, những cái lệ “đen” theo kiểu “luật rừng” do các chủ hàng tự đặt ra để bóc lột, chèn ép những người buôn bán nhỏ lẻ. Khi mua hàng, nếu đã nâng lên đặt xuống các thùng hàng, thì dù chất lượng sản phẩm thế nào, xấu hay tốt, các tiểu thương đều phải mua. Nếu không lấy thì hết đường làm ăn. Lý do mà các tay bán thuê đưa ra, chỉ đơn giản là nếu xem như thế hàng hóa của họ sẽ bị dập nát, hỏng.

Trong những ngày thâm nhập thế giới ngầm ở các chợ đầu mối dưới vỏ bọc của những phu khuân vác, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện các tiểu thương bị giới chủ hàng chèn ép, bóc lột một cách trắng trợn. Có chủ hàng mắng như tát nước vào mặt một tiểu thương vì “tội” xem hàng rồi lại chê là hàng xấu, không mua nữa. Trước những lời lăng mạ, chửi bới tục tĩu của chủ hàng, tiểu thương kia không dám nói gì, chỉ lặng lẽ thanh toán tiền cho món hàng thối nát rồi bỏ đi. Theo K một tiểu thương có kinh nghiệm hơn 15 năm buôn bán ở chợ đầu mối Long Biên: “Đấy là chuyện thường ngày ở huyện. Có những trường hợp còn bị đánh đập đến tím tái mặt mũi”.

Theo lời K, có những hôm nguồn hàng tập kết về chợ bị lỡ chuyến, hoa quả, hàng hóa bị quá thời hạn rồi hỏng, thối rữa, các chủ hàng đều tìm cách bán tháo, phá giá cho các tiểu thương. Nhiều người do non kinh nghiệm, ham rẻ đã mua vào, nhưng khi kiểm tra, phát hiện hàng bị hỏng định trả lại thì bị các chủ hàng hành hung thậm tệ.

Theo những tiểu thương có kinh nghiệm, để hạn chế việc mua phải hàng kém chất lượng, hàng hỏng thì nên bắt mối quen với một chủ hàng nhất định, như vậy sẽ tránh bị chèn ép.


    (Còn nữa)
Theo Xuân Thắng
Pháp luật & Xã hội