1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Taxi truyền thống "ngấm đòn" vì Uber, Grab

(Dân trí) - Kể từ khi xuất hiện vào năm 2014 đến thời điểm này, hàng loạt hãng taxi truyền thống bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh thu, thị phần

(Ảnh minh hoạ).
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 13.0px Helvetica}
p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 13.0px Helvetica; min-height: 16.0px}
(Ảnh minh hoạ).

Cao trào

Cuối tháng 9 vừa qua, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, Hiệp hội này đã kiến nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các loại xe hợp đồng điện tử kiểu Grab hay Uber trong tháng 9/2017, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.

Lý giải về quan điểm của mình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, bản chất của Uber, Grab là kinh doanh dịch vụ phần mềm tham gia hoạt động vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện (xe dưới 9 chỗ hoạt động như taxi). Do đó, Uber, Grab phải thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam.

Đỉnh điểm được đẩy lên cao khi mới đây hàng loạt các hãng taxi truyền thống đã dán khẩu hiệu phản đối taxi công nghệ với những nội dung như: “Yên cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam"; "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh"…

Trước đó, các hãng taxi hoạt động chủ yếu ở Hà Nội như Mai Linh, Mỹ Đình, Vạn Xuân, Sao Thủ đô… cũng từng dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab trên xe của mình, đồng thời kêu gọi người tiêu dùng lựa chọn taxi truyền thống vì "yêu nước" và để "bảo vệ ngân sách quốc gia".

Trên các phương tiện truyền thông, chủ các hãng taxi truyền thống cũng như đại diện các hiệp hội đại diện cho những doanh nghiệp này cũng liên tục đưa ra những lập luận cho rằng, các hãng taxi công nghệ trốn thuế, làm ảnh hưởng đến thu ngân sách, không đảm bảo quyền lợi của người dùng… Thậm chí, có người còn khẳng định sẽ "kiện Uber, Grab tới cùng".

"Ông lớn" ngấm đòn

Dĩ nhiên, đây hoàn toàn không phải hành động "bộc phát" và không phải tự dưng được đẩy lên cao trào vào thời điểm này. Trên thực tế, kể từ khi xuất hiện vào năm 2014 đến thời điểm này, hàng loạt hãng taxi truyền thống bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh thu, thị phần.

Vốn được coi là một "ông lớn" trong ngành và thường xuyên có những động thái mạnh mẽ phản đối Uber, Grab, nhưng kết quả kinh doanh của Vinasun trong 6 tháng đầu năm 2017 hết sức ảm đạm. Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng, doanh thu của hãng taxi này chỉ đạt 1.903 tỷ đồng, giảm 16%, lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, hồi năm 2016, Vinasun đạt 310 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 5% so với năm trước và đây cũng là năm đầu tiên Vinasun bị sụt giảm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, số lượng nhân sự của Vinasun tính tới hết quý II cũng giảm gần 8.000 người so với đầu năm.

Trong khi đó, một hãng taxi lớn khác là Mai Linh cũng để mất tới gần 6.000 nhân sự khi một phần không nhỏ các tài xế này đã chuyển sang hoạt động tại các hãng taxi công nghệ như Uber, Grab.

Với kết quả kinh doanh như trên, cổ phiếu Vinasun lao dốc từ vùng giá 40.000 đồng/cp vào cuối năm 2014 xuống mức hiện tại khoảng 18.000 đồng/cp, tương ứng mất tới 55% giá trị. Cùng khoảng thời gian đó, chỉ số VN-Index đã tăng trưởng tới 40%.

Đổi mới hay là chết?

Để cải thiện tình hình, thời gian qua, các hãng taxi truyền thống cũng tích cực đổi mới, cải tiến nhiều về công nghệ cũng như chất lượng dịch vụ như đầu tư đội xe mới, thậm chí phát triển ứng dụng đặt xe, tích cực quảng bá hình ảnh...

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, doanh nghiệp có nhiều biện pháp cạnh tranh, cạnh tranh giá cả (giảm giá) hoặc cạnh tranh phi giá cả (khuyến mãi, quảng cáo…). Song song với đó, các doanh nghiệp cần phải tăng cường năng lực quản trị kinh doanh; cải thiện sự yếu kém về tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh doanh, cần kết nối với nhau, cạnh tranh để cùng phát triển.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú ý phát triển nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ để giảm chi phí năng cao năng suất lao động. Đồng thời, cần chú trọng đến 3 yếu tố sau để tăng cường cạnh tranh lành mạnh trên 3 yếu tố: giá cả, chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu sản phẩm.

"Để có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp nội phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách thay đổi tư duy quản lý, quản trị; phải nâng cao trình độ và tay nghề cho người lao động; phải tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh. Có như vậy, sản phẩm dịch vụ Việt Nam sẽ giữ vững được vị trí của mình trên thị trường trong nước, đồng thời đủ tầm để vươn xa hơn ra thị trường ngoài nước", ông Tín nhìn nhận.

Phương Dung