1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,5%

Các chuyên gia kinh tế Mỹ đã đưa ra nhận định, tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ ở mức khoảng 3,5%.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,5%

Tháng 12/2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất lần đầu sau gần một thập kỷ. Thị trường toàn cầu không bất ngờ về điều này nhưng lo ngại, FED có thể tăng tiếp lãi suất trong năm 2016, gây tác động trực tiếp tới các nền kinh tế mới nổi, những nước có đồng tiền yếu. Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ cho rằng, nếu FED tăng lãi suất từ từ như cam kết, những biến động sẽ không xảy ra trong năm 2016.

Ông Marc Stocker, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thế giới cho biết: “Nhiều người lo ngại về khả năng dòng vốn bị rút ra khỏi thị trường mới nổi. Tuy nhiên, dòng tiền này thực chất đã bị rút dần từ năm 2013. Do đó, điều quan trọng là FED phải tăng lãi suất từ từ để các thị trường mới nổi kịp thích nghi và có chính sách thay đổi phù hợp”.

Dầu tiếp tục là câu chuyện của năm 2016 khi giá vẫn ở mức dưới 40 USD/thùng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thậm chí còn dự đoán, dầu sẽ tụt về ngưỡng 20 USD trong năm nay. Đây sẽ là một “đòn giáng” tiếp tục vào các nền kinh tế đang phát triển vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu .

Tuy nhiên, theo các chuyên gia Mỹ, yếu tố rủi ro nhất chính là Trung Quốc. Hàng loạt dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều nhận định, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2016, thậm chí giảm mạnh hơn so với con số dự đoán 6,8% mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra.

Ông Richard Daskin, Giám đốc Công ty tư vấn RSD (New York, Mỹ), nhận định: “Việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc đang gây ra những bất lợi cho nhiều nền kinh tế đang phát triển hay phát triển trên thế giới, đặc biệt những nước xuất khẩu nhiều hàng hoá, nguyên, vật liệu đến Trung Quốc như: Canada, Australia, Na Uy.

Ngoài kỳ vọng vào sức bật của kinh tế Ấn Độ, năm 2016, kinh tế Mỹ vẫn sẽ là động lực của kinh tế toàn cầu. Hiện Mỹ là nước có thâm hụt thương mại lớn nhất thế giới, nhưng nhiều nền kinh tế lớn như Đức, Nhật, Trung Quốc vẫn đang phải phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng từ Mỹ. Trong khi đó, kinh tế Mỹ được dự đoán không tăng nhanh nhưng bền và vững.

Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong năm 2016, tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ ở mức khoảng 3,5%, thấp hơn so với thập kỷ trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, song vẫn ở mức cao trong vòng 5 năm qua.

Theo Trần Hà, Lê Tuyển, Mạnh Chiến
VTV

 

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,5% - 1