1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tạm dừng cảng Kê Gà: Bình Thuận tiến thoái lưỡng nan

(Dân trí) - Với quyết định tạm dừng triển khai dự án Kê Gà mà không phải là dừng hẳn, Bình Thuận cho biết, khó xử trong xử lý giao đất cho 12 chủ đầu tư dự án du lịch trên địa bàn. Nếu kéo dài, địa phương lo ngại sẽ gây ra lãng phí.

Tạm dừng cảng Kê Gà: Bình Thuận tiến thoái lưỡng nan

Báo cáo với Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến diễn ra sáng nay (24/12), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cho biết, với các chính sách đưa ra liên quan đến tạm dừng cảng Kê Gà gần một năm nay đã gây ra các bất cập cho địa phương.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


Lãnh đạo Bình Thuận “kêu khó” do tính không chắc chắn trong quyết định với dự án này. Ông Phương lo ngại, do chỉ là “tạm dừng” nên tỉnh còn gặp chần chừ, băn khoăn “liệu có nên giao lại đất cho 12 chủ dự án du lịch hay không?”. 

Bởi, nếu giao đất cho các chủ đầu tư này thực hiện, nếu xảy ra trường hợp tiếp tục sử dụng lại Kê Gà thì lại phải thu hồi đất, gây tốn kém về kinh phí và lãng phí rất lớn.

Dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà được lập với quy mô công suất năm 2015: 3,5 triệu tấn/năm; năm 2020: 17,5 triệu tấn/năm; năm 2025: 27 triệu tấn/năm; năm 2030: 37 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quy hoạch bauxit, cho đến nay mới chỉ có 2 dự án thử nghiệm được đầu tư xây dựng theo Quy hoạch là Dự án Tân Rai- Lâm Đồng (công suất 650.000 tấn alumin/năm) và Dự án Nhân Cơ- Đắk Nông (cùng công suất 650.000 tấn alumin/năm) do Vinacomin là chủ đầu tư.

Theo giải thích của Tập đoàn Than Khoáng sản (Vinacomin) đưa ra tại thời điểm tạm dừng thì dự án cảng Kê Gà được lập trong bối cảnh không có cảng nào phục vụ cho việc xuất nhập hàng hóa tại khu vực Bình Thuận. 

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Bình Thuận có cảng Vĩnh Tân và đang chuẩn bị lập dự án xây dựng cảng trung chuyển than cho khu vực phía Nam nên việc dừng xây dựng cảng Kê Gà là hợp lý và phù hợp với quy hoạch của Chính phủ. 

Trong khi đó, dự kiến đến năm 2020 lượng hàng hóa thông qua cảng Kê Gà chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm thấp hơn rất nhiều so với lượng hàng hóa theo dự án cảng đã được phê duyệt. Với lượng hàng hạn chế như vậy, việc sử dụng các cảng hiện có hiệu quả hơn so với đầu tư xây dựng cảng mới.

Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sáng nay, Chủ tịch Bình Thuận cho rằng, thay vì “tạm dừng” thì nên “dừng hẳn” việc triển khai xây dựng cảng Kê Gà.

Trước đó, tỉnh đã có báo cáo với Chính phủ và các bộ ngành liên quan và Chính phủ cũng đã có giao cho các Bộ nhưng theo lãnh đạo Bình Thuận thì địa phương “thấy lâu quá”. 

“Để lâu như thế này, để càng lâu càng gây tốn kém và khó khăn cho địa phương nhiều hơn. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ hoặc có ý kiến sớm để giúp Bình Thuận triển khai” – ông Phương nói.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, quy hoạch mới về alumin, trong đó có đề cập đến đường vận chuyển bauxite đã được trình lên Bộ Chính trị nhưng chưa được thông qua. Do đó, vấn đề cảng Kê Gà cần được tính toán, cân nhắc thêm, Chính phủ sẽ có quyết định sớm.

Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Bình Thuận cũng đề xuất nâng cấp tuyến đường Lương Sơn – Đại Ninh (tuyến đường giao thông chính giữa hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng) lên quốc lộ. Nguyên nhân do hiện nay tuyến đường này đang xuống cấp rất nặng, hư hỏng, đi lại khó khăn, nguy cơ gây tai nạn cao. 

Bình Thuận và Lâm Đồng đã có văn bản báo với Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí kinh phí trong năm 2014 để đầu tư nâng cấp.

Bích Diệp
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước