1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Sức ép với tỷ giá sẽ mạnh hơn trong năm 2016"

(Dân trí) - Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, năm 2016, sức ép đối với tỷ giá phần nào mạnh hơn 2015, đòi hỏi chính sách cần linh hoạt, thận trọng. Đồng thời chính sách tỷ giá cũng cần được hỗ trợ đồng bộ bởi các chính sách khác như tài khóa, thương mại…

Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) vừa công bố báo cáo vĩ mô tháng 12 và cả năm 2015. Tại báo cáo này, Uỷ ban đánh giá, bước sang 2016, cán cân ngoại tệ của Việt Nam có một số thuận lợi.

Cụ thể, đầu tư trực tiếp nước ngoài (giải ngân) dự báo tăng từ 13,2 tỷ USD ước cho năm 2015 lên 13,5 tỷ USD trong năm 2016. Trong khi đó, đầu tư gián tiếp nước ngoài dự báo cũng tăng trong năm 2016 do tăng trưởng tiếp tục cải thiện, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, cho dù việc Mỹ tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Hơn nữa, đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán dự kiến sẽ tăng do tỷ lệ sở hữu nước ngoài được nâng lên theo quy định của Nghị định 60/2015/NĐ-CP và hoạt động M&A được đẩy mạnh.

Chính sách tỷ giá được cho là sẽ chịu nhiều sức ép hơn trong năm 2016
Chính sách tỷ giá được cho là sẽ chịu nhiều sức ép hơn trong năm 2016

Kiều hối ước đạt 13 tỷ USD trong năm 2015, UBGSTCQG dự báo, con số này sẽ tăng lên 14 tỷ USD trong năm 2016. Cùng với đó, việc Chính phủ có kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế cũng là yếu tố thuận lợi.

Tuy nhiên, vẫn có những nhân tố không thuận lợi cho cán cân thanh toán như việc nhập siêu sẽ tăng khi nhập khẩu được dự báo tăng nhanh hơn so với năm 2015 và tăng nhanh hơn xuất khẩu. Nguyên nhân là đầu tư tăng làm tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị; trong khi tăng trưởng cải thiện làm tăng sức mua của dân chúng đối với hàng nhập khẩu. Do đó, UBGSTCQG dự báo, nhập siêu ở mức 4 tỷ USD,  tăng so với mức nhập siêu khoảng 3,2 tỷ USD ước cho năm 2015  .

Xu hướng mất giá (so với USD) của đồng tiền các nước ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là xuất khẩu nông sản cũng sẽ tạo thêm sức ép đối với cán cân thương mại và tỷ giá.

Tổng hợp các yếu tố trên UBGSTCQG dự báo năm 2016 có sức ép đối với tỷ giá, phần nào mạnh hơn 2015, đòi hỏi chính sách cần linh hoạt, thận trọng. Đồng thời chính sách tỷ giá nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung cũng cần được hỗ trợ đồng bộ bởi các chính sách khác như chính sách tài khóa, chính sách thương mại…

UBGSTCQG dự báo, năm 2016 lạm phát cơ bản sẽ không cao hơn nhiều năm 2015, ở khoảng 3% và lạm phát sẽ thấp hơn lạm phát cơ bản, ở khoảng 2-3%. So với mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đề ra, năm 2016 có nhiều dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá.

Theo ước tính  của cơ quan này thì 1% tăng lên của tỷ giá làm tăng lạm phát thêm 0,06-0,1 điểm %; mức tác động này thấp hơn ở thời kì lạm phát cao khi tâm lý lạm phát của dân chúng thiếu ổn định.

Ngoài ra, Uỷ ban cũng đưa ra nhận xét, xu hướng tăng lãi suất USD trên thị trường thế giới làm thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ. Trong năm 2016, xu hướng này sẽ hạn chế khả năng giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá

Bích Diệp

 

"Sức ép với tỷ giá sẽ mạnh hơn trong năm 2016" - 2