1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Sữa học đường: Đừng để chậm hành trình của tương lai

Nếu chúng ta không bắt tay ngay từ bây giờ, thì nhiều năm nữa chúng ta có kiễng chân lên thì cũng chỉ đứng đến vai bè bạn năm châu. Chậm thêm một ngày triển khai Chương trình Sữa học đường, hành trình tương lai của con em chúng ta sẽ chậm lại đáng kể.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia dinh dưỡng cách đây 5 năm, khi Đề án 641 về phát triển tầm vóc, thể lực người Việt được Chính phủ phê duyệt. Nhưng phải tới tận bây giờ, con đường đi của Chương trình Sữa học đường mới được định hình để con trẻ được chăm sóc dinh dưỡng đúng cách, phát triển toàn diện thể lực, tầm vóc. Và chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa.

Trong những chuyến công tác đến những vùng quê nghèo, vùng sâu vùng xa, có những hình ảnh khiến tôi trăn trở mãi. Đó là hình ảnh những học sinh lớp 5, khi được tặng hộp sữa tươi sạch, đã loay hoay không biết cắm ống hút vào đâu để uống. Tôi hỏi và được biết, từ lúc lọt lòng đến lớp 5, rất nhiều em chưa từng được cầm hộp sữa lần nào.

Mà không chỉ ở vùng xa đâu, với rất nhiều trẻ em nghèo ở nông thôn, việc được uống sữa hàng ngày, là món quà quá xa xỉ.

Đã nhìn thấy tầm vóc, thể trạng của trẻ em ở đô thị lớn Việt Nam sẽ thấy rất xót xa khi gặp những em nhỏ miền núi vùng sâu vùng xa. Lớp 5, lớp 6 mà còi cọc như lớp 1, lớp 2 thành thị.


Học sinh trường tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn đã giảm khoảng 3% tỷ lệ suy ding dưỡng thể nhẹ cân; giảm khoảng 1,5% suy dinh dưỡng thể thấp còi sau 1 năm uống sữa học đường.

Học sinh trường tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn đã giảm khoảng 3% tỷ lệ suy ding dưỡng thể nhẹ cân; giảm khoảng 1,5% suy dinh dưỡng thể thấp còi sau 1 năm uống sữa học đường.

Nhưng ai đã đi tới nhiều nước phát triển thì lại thấy trẻ em ngay ở đô thị lớn Việt Nam, cũng còn rất khiêm tốn về tầm vóc.

Và thực tế, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam thấp hơn cả chục cm so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Việc Chính phủ ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, là một bước tiến lớn góp phần để 5 năm, 10 năm, 20 năm, 50 nữa, chúng ta dần dần không còn phải xót xa trước tầm vóc Việt.

Tôi chỉ xin đưa ra con số mục tiêu lớn của Chương trình: Đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ độ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 – 2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.

Độ tuổi từ 2 – 12 là lứa tuổi trẻ phát triển đến 86% thể chất, chiều cao của cả đời người. Nếu đạt được những mục tiêu của Quyết định 1340/QĐ-TTg, rất nhanh thôi, chúng ta sẽ thấy được thành quả.

Thành quả này cũng đã được chứng thực trong thực tế. Tại Nhật Bản, Chương trình Sữa học đường quốc gia được triển khai từ rất sớm. Sau 40 năm, chiều cao trung bình của người Nhật tăng 10cm.Tại Thái Lan, sau 7 năm triển khai Chương trình Quốc gia Sữa học đường miễn phí cho trẻ em từ 6 đến 14 tuổi chiều cao và thể lực của trẻ em đã được cải thiện một cách rõ rệt, trẻ em tăng được gần 5cm so với chuẩn

Đầu tư cho những kỳ tích tương lai

Trong những trận thi đấu bóng đá, bóng rổ, điền kinh…nhiều khi tầm vóc của vận động viên có ý nghĩa cực lớn, nếu không nói là quyết định đến thành tích đạt được. Người Việt có thể có kỹ thuật, nhưng thường xuyên thua sút đối thủ về thể lực ở những thời khắc cần phải khỏe mạnh nhất.

Chúng ta vừa chào đón một thành công vang dội: Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã mang về cho Tổ quốc chiếc HCV Olympic. Kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh, khiến chúng ta càng nhận rõ: Trong thể thao, để chinh phục thêm vài điểm trong bắn súng, vài cm xà, vài giây trên đường chạy 100m…thì cả vận động viên và nhà nước đều phải đầu tư kiên trì, bài bản, đúng hướng cả về đãi ngộ thể chất và tinh thần.

Tầm vóc Việt cũng vậy, để chiều cao trung bình của hơn 93 triệu người Việt tăng được vài cm, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn trong một thời gian dài của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Nhưng các chuyên gia dinh dưỡng vẫn nhấn mạnh một điều: Việc đầu tư phải đúng cách. Chương trình Sữa học đường cũng vậy. Trẻ em trong độ tuổi phải được uống sữa, nhưng không phải bất kỳ loại sữa nào, mà các em cần uống những loại sữa tươi đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có vi chất phù hợp với nhu cầu từng lứa tuổi.

Đã có những doanh nghiệp tiên phong làm điều này, như tập đoàn TH True MILK đã rất nghiêm túc, chủ động và tích cực, phối hợp với Viện dinh dưỡng Quốc gia, đi đầu trong việc nghiên cứu, thử nghiệm sữa tươi công thức bổ sung vi chất dinh dưỡng cho lứa tuổi học đường. Trong đó mô hình đầu tiên triển khai tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An năm 2014, các chuyên gia dinh dưỡng đã kiểm nghiệm lâm sàng trên 3.600 trẻ thuộc huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An uống sữa tươi TH school MILK theo công thức phù hợp, khoa học và có triển khai những nhóm đối chứng minh bạch.


Bà Thái Hương- Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH lên tiếng đấu tranh cho quy định về sản phẩm sữa tươi học đường để đảm bảo trẻ em được thụ hưởng ly sữa học đường đúng chuẩn.

Bà Thái Hương- Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH lên tiếng đấu tranh cho quy định về sản phẩm sữa tươi học đường để đảm bảo trẻ em được thụ hưởng ly sữa học đường đúng chuẩn.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã công bố kết quả kiểm nghiệm: trẻ được uống sữa tươi học đường bổ sung vi chất dinh dưỡng đã giảm được từ 1,5 tới 3% tỉ lệ suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thể gầy còm; cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu và thiếu kẽm ở học sinh tiểu học; gấp đôi tỷ lệ giảm thông thường.

Như vậy, bằng Chương trình Sữa học đường và ly sữa đúng quy chuẩn, chúng ta đang đặt thêm một nền móng vững chắc cho tương lai trẻ em Việt nam, ngay từ ngày hôm nay. Chúng ta kỳ vọng Chương trình sẽ trở thành bệ phóng thể lực, trí lực của cho người Việt, vì một Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Hải Bùi