1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Sốt” ô tô nhập Thái Lan, Indonesia: Kiến nghị kiểm soát kịp thời!

(Dân trí) - Nêu giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu một số mặt hàng từ khu vực ASEAN, hiện đang có chiều hướng tăng lên như: ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ từ Thái Lan, Indonesia… để có giải pháp kiểm soát kịp thời, bảo vệ sản xuất trong nước.

Đánh giá mục tiêu tăng trưởng 7,42% trong 6 tháng cuối năm là cao, nhưng Thủ tướng cho rằng, có cơ sở, có căn cứ để đạt được.
Đánh giá mục tiêu tăng trưởng 7,42% trong 6 tháng cuối năm là cao, nhưng Thủ tướng cho rằng, có cơ sở, có căn cứ để đạt được.

Thiên thời địa lợi nên doanh nghiệp, người dân phấn khởi làm ăn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ và các địa phương đang diễn ra sáng nay (3/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, trong giai đoạn nửa đầu năm, dù còn nhiều khó khăn nhưng công tác điều hành, chỉ đạo còn nhiều đổi mới, đã có kết quả bước đầu.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát thấp khi 6 tháng chỉ tăng 0,2%; tăng trưởng phục hồi mạnh với mức tăng trưởng quý I đạt 5,15%; quý II tăng 6,17%; 6 tháng đầu năm đạt 5,37%. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới tăng mạnh với mức trên 19 tỷ USD, tăng 54,6%.

“Cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhiều bộ, ngành địa phương tích cực triển khai. Dù còn vấn đề này vấn đề khác nhưng 6 tháng đầu năm là 6 tháng thiên thời, địa lợi, nhân hòa của cả nước. DN, người dân phấn khởi làm ăn kinh doanh, khởi nghiệp”, Thủ tướng nói.

“Xu hướng kinh doanh tốt hơn, như một người đi khám bệnh các chỉ số cơ bản của cơ thể từ huyết áp, mỡ máu, đường trong máu, gan nhiễm mỡ đều là chỉ số tốt”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề. Tăng trưởng cả năm muốn đạt 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 7,42%, con số đó không hề dễ dàng.

“Đây là mục tiêu cao nhưng chúng ta có cơ sở, có căn cứ để đạt được, bởi các ngành, các lĩnh vực chủ yếu đang phục hồi mạnh”, Thủ tướng nhìn nhận. Vấn đề đặt ra là phải quyết tâm, nỗ lực, cố gắng, hành động quyết liệt và cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt ở các thành phố lớn và các vùng kinh tế trọng điểm.

Thủ tướng nêu yêu cầu, tại cuộc họp lần này, các thành viên Chính phủ, bộ ngành, địa phương cần bàn bạc để đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn, vướng mắc, bao gồm: giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn.

Đặc biệt là giải pháp cải cách mạnh mẽ hơn thủ tục hành chính bởi theo Thủ tướng thì người dân và DN còn kêu vấn đề này rất nhiều. "Một bộ phận cán bộ công chức, địa phương làm việc còn cầm chừng, không kiên quyết, hiệu quả. Một bộ phận chính quyền còn để tai tiếng khi tham nhũng, lợi ích nhóm...", Thủ tướng nêu.

Tiếp tục coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế

Theo báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát gắn với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổ công tác Chính phủ phát huy vai trò trong việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước để bảo đảm thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Đồng thời, tập trung cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), đến năm 2017 tất cả các khoản TPCP được phát hành đều có kỳ hạn từ 5 năm trở lên theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đáng lưu ý, theo báo cáo, toàn bộ các khoản vay giai đoạn 2011- 2013 với lãi suất cao đã được phát hành lại, giảm lãi xuống mức khoảng 6% để bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành tài chính - ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên.

Báo cáo cũng cho biết, Thủ tướng và Chính phủ tiếp tục coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, ngay sau kết thúc Hội nghị Trung ương 5, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” với quy mô lớn, có trên 10.000 doanh nghiệp tham gia, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân.

Theo đó, kịp thời đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, ngay trong khi diễn ra Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong đó yêu cầu không được thanh, kiểm tra doanh nghiệp quá 01 lần trong năm.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết liệt triển khai kế hoạch cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã cổ phần hóa 20 doanh nghiệp và 2 đơn vị sự nghiệp; thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 22 doanh nghiệp với tổng trị giá theo sổ sách là 666,8 tỷ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016); thu về 11.589,3 tỷ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016).

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp của 40 địa phương, 01 bộ, 01 tập đoàn kinh tế và 04 tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Về tập trung xử lý những tồn tại, yếu kém của 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo để xử lý những tồn tại, yếu kém của 12 dự án yếu kém, thua lỗ do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo đã trực tiếp làm việc, có giải pháp, phương án xử lý cụ thể, trong đó giao 189 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án.

Hiện các bộ, cơ quan đã hoàn thành 122 nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao, các dự án đều có phương án và lộ trình để giảm nguy cơ mất vốn, gây thiệt hại cho nhà nước, xử lý theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, kiên quyết không dùng ngân sách Nhà nước để bù lỗ, bước đầu tình hình sản xuất kinh doanh của một số dự án có chuyển biến tích cực.

Kiểm soát chặt nhập khẩu ô tô nguyên chiếc

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tại phiên họp, cơ quan này đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, nhìn chung tăng trưởng kinh tế đã có nhiều khởi sắc, quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và thủy sản diễn ra mạnh mẽ và bước đầu hiệu quả.

Mặc dù vậy, mục tiêu tăng trưởng cả năm vẫn là một thách thức và gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương không sớm thỏa mãn với những gì đạt được bước đầu, cần duy trì thường xuyên, liên tục những nỗ lực, cố gắng trong 6 tháng cuối năm.

Bộ KHĐT cũng trình kịch bản tăng trưởng nửa cuối năm với tốc độ tăng GDP quý III dự kiến phải đạt 7,23% và quý IV đạt 7,57%. Nửa cuối năm, tốc độ tăng trưởng bình quân phải đạt 7,42%, có như vậy mới đảm bảo cả năm, tốc độ tăng trưởng đạt 6,7% như mục tiêu đặt ra.

Nêu kiến nghị lên Chính phủ, Bộ KHĐT cho rằng, cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu một số mặt hàng từ khu vực ASEAN, hiện đang có chiều hướng tăng lên như: ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ từ Thái Lan, Indonesia; mặt hàng rau quả từ Thái Lan, Trung Quốc… để có giải pháp kiểm soát kịp thời, bảo vệ sản xuất trong nước, giảm mất cân đối thương mại với thị trường ASEAN, góp phần giảm nhập siêu.

Trong sản xuất công nghiệp, cần theo dõi sát diễn biến tình hình giá dầu, triển khai phương án khai thác sản lượng dầu thô an toàn, đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Đối với vốn FDI, bộ này đề nghị phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp FDI thực hiện giải ngân theo cam kết; tăng cường các hoạt động đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, cùng với đó cũng cần rà soát các dự án chậm triển khai, tập trung nâng cao chất lượng thu hút FDI để tránh tình trạng đầu tư mới tăng cao nhưng giải ngân chậm. Nghiên cứu, triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại.

Bích Diệp - Phương Dung