1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Soi những điểm 'khác người' của đại gia Trung Quốc

Tính cách và mức độ giàu có khác nhau nên cách khoe của của các đại gia Trung Quốc thường muôn màu muôn vẻ. Tuy nhiên, theo tờ Huffington Post, có một số “điểm nhận dạng” chung khá thú vị ở tầng lớp lắm tiền nhiều của mới nổi này.

Trắc trở duyên tình

“Thật không dễ dàng để gặp gỡ với nhiều người khi bạn là một người siêu giàu và luôn bận rộn”, Huffington Post nhận định.

Do vậy, ở Trung Quốc, sự kiện mai mối và các cuộc thi đã phát triển mạnh mẽ đối với phụ nữ để đáp ứng được nhu cầu kiếm “một nửa” cho các đại gia.

Điển hình là sự kiện tuyển vợ đầy náo nhiệt của 11 đại gia Trung Quốc tại khách sạn Garden trung tâm thành phố Quảng Châu ngày 20/5 vừa qua. 320 thiếu nữ xinh đẹp vượt qua 2.800 bộ hồ sơ đã được lọt vào vòng chung kết.

Soi những điểm 'khác người' của đại gia Trung Quốc - 1

320 người đẹp bước vào hội trường khách sạn với phông chữ là Cuộc thi vẻ đẹp toàn cầu” – (Global Beauty Contest) với mong muốn được trở thành “phu nhân” đại gia.

“Tìm một người phụ nữ đủ tư cách làm vợ, làm mẹ đối với một đại gia Trung Quốc là rất quan trọng. Người vợ đó còn có nhiệm vụ quản lý kho tài sản của chồng mình và chăm sóc con cái chu đáo”, một thành viên trong ban tổ chức tuyên bố trước khi bắt đầu cuộc thi.

Toàn bộ thí sinh phải cao từ 1m60 đến 1m75 sẽ phải trải qua 5 vòng thi gồm vòng kiểm tra vóc dáng, vòng xem xét nhân cách, vòng coi nhân tướng, vòng kiểm tra trình độ và vòng đánh giá tiêu chuẩn chọn chồng của thiếu nữ.

Trong các vòng tuyển chọn, nhiều thí sinh thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình rằng không thể đưa chữ “trinh” ra để đánh giá nhân cách của một người phụ nữ. Bởi hiện nay, công nghệ “vá trinh” có thể che mắt được người chồng.

Nhà tổ chức sự kiện trên tiết lộ, những sự kiện tương tự như thế này sẽ diễn ra tại 9 thành phố, bao gồm cả Thượng Hải, Nam Kinh và Thâm Quyên nhằm thỏa mãn nhu cầu của ngày càng nhiều đại gia đang gặp trắc trở trên con đường tình duyên.

Chi “tới bến” cho lễ cưới hoành tráng

Kiếm vợ không dễ dàng như nhiều người khác nên có lẽ vậy mà hầu hết đại gia Trung Quốc đều chẳng tiếc tiền chi cho những đại nhạc hội cưới hỏi, đánh dấu sự kiện nên duyên của mình.

Những đám cưới với dàn xe siêu sang, có mặt nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, thậm chí tổ chức cả đại nhạc hội mọc ra ngày càng nhiều ở Trung Quốc. Kỷ lục về độ hoành tráng của các đám cưới liên tục bị phá vỡ.

Soi những điểm 'khác người' của đại gia Trung Quốc - 2

Ngày 12/11/2007, một thương nhân nổi tiếng ở tỉnh Sơn Tây dùng 12 chiếc xe thể thao việt dã "khủng" Hummer để đi đón dâu. Trong đám cưới còn xuất hiện nhiều ngôi sao nổi tiếng của Trung Quốc như ca sĩ kỳ cựu Tưởng Đại Vĩ.

Sau đám cưới của đại gia Sơn Tây chỉ hai tuần, một đại gia khác ở tỉnh Thẩm Dương đã phá kỷ lục của đám cưới kể trên khi huy động 34 xe Hummer và 8 chiếc Toyota Prado tạo thành đoàn xe cưới dài hơn 200m, diễu một vòng quanh thành phố mà không thèm dừng trước đèn đỏ. Đám cưới này còn mời được các ngôi sao Trung Quốc nổi tiếng ở Hollywood như Lý Liên Kiệt, Châu Hoa Kiện.

Tiếp đến, năm một đại gia họ Mã ở Hồ Bắc tổ chức đám cưới siêu sang cho... anh họ. Mã mời hai diễn viên nổi tiếng Trung Quốc đến làm nhân chứng cho đám cưới và cho biết mình còn có mối quan hệ thân thuộc với nhiều văn nghệ sĩ nữa nhưng chưa mời đến mà thôi.

Cùng năm 2009, một đại gia ngành than ở Chiết Giang tổ chức đám cưới siêu sang cho con trai. Đám cưới mời người MC nổi tiếng của đài truyền hình trung ương (CCTV) dẫn chương trình. Tổng chi phí cho đám cưới lên đến gần một triệu USD, khiến người dân cả nước kinh ngạc và xôn xao một thời gian dài.

Đặc biệt, sau lễ cưới của con trai ông chủ ngành than, thay vì tặng mỗi người một món quà như kẹo cưới thì mỗi khách mời được tặng một phong bì để kỷ niệm.

Tháng 9/2011, đại gia trẻ tuổi họ Trần ở Bắc Kinh tổ chức đám cưới "hoành tráng" với hàng loạt xe mui trần, có dàn lễ tân xinh đẹp đón khách khắp mấy tầng khách sạn.

Đại gia còn mời hai ngôi sao ở Hongkong đến Bắc Kinh góp vui. Cát sê cho 30 phút xuất hiện của Trương Bá Chi là 63.000 USD, còn bốn bài hát của Hoàng Quán Trung là 12.000 USD.

Đến ngày 18/3/2012, danh sách những đám cưới “khủng” tại Trung Quốc được nối dài với sự kiện người giàu nhất huyện Liễu Lâm, Sơn Tây, chủ tịch Hội đồng quản trị một tập đoàn than, chi 11 triệu USD tổ chức cho đám cưới cho con gái tại thành phố Tam Á, đảo Hải Nam.

Ngoài dàn siêu xe Ferrari, chủ nhân bữa tiệc còn mời được nhiều diễn viên, nghệ sĩ và MC nổi tiếng Trung Quốc đến biểu diễn trong chương trình đại nhạc hội mừng đám cưới.

Tuy nhiên, cảm thấy chi tiền cho siêu xe hay các nghệ sĩ nổi tiếng chưa đủ độ “hot”, một ông Chủ tịch xã ở Trung Quốc mới đây còn chẳng ngại ngần dùng 15.000 tờ 100 nhân dân tệ để làm “thảm đỏ” cho cô dâu và chú rể bước lên. Tuy nhiên, cách phô trương quá đà này đã làm dấy lên một làn sóng phản đối kịch liệt trong dư luận Trung Quốc.

Mê chơi chim

Môn thể thao đua chim bồ câu tại Trung Quốc có từ triều đại nhà Minh, khi chúng trở thành chim bồ câu đưa thư. Bị cấm trong Cách mạng văn hoá nhưng nó đã trở lại vào những năm 1970.

Theo giới truyền thông Trung Quốc, hiện có khoảng 300.000 người tại nước này tham gia môn thể thao đua chim và đa phần trong số họ là những thành viên trong “câu lạc bộ siêu giàu” của Trung Quốc.

Soi những điểm 'khác người' của đại gia Trung Quốc - 3

Hồi cuối tháng 1, đại gia Hun Zhen Yu đã tới châu Âu và chi 250.000 euro (328.000 USD) để mua một con chim bồ câu của Hà Lan, giá kỷ lục cho một con chim bồ câu.

Người chủ cũ của con chim, Pieter Veenstra, từ Hà Lan, cho hay đã bán được 245 con chim bồ câu trong vài năm qua với giá hơn hai triệu euro và khẳng định rằng, một nửa các khách hàng anh đến từ Trung Quốc.

“Những người Trung Quốc giàu có sành chơi chim sẽ trả số tiền rất lớn nếu con chim từng giành vài giải thưởng và xuất thân từ dòng giống tốt”, Nikolaas Gyselbrecht, một doanh nhân chuyên về chim bồ câu cho biết bên lề hội chợ chim bồ câu thế giới lần thứ 2 tại Kortrijk, Bỉ.

“Người Trung Quốc rất quan trọng về thanh thế. Dù họ không muốn nhân giống hay đua chúng, họ vẫn muốn mua một con chim bồ câu đắt tiền chỉ để thể hiện sự thức thời của mình”, ông Nikolaas Gyselbrecht nhấn mạnh.

Thích ghi dấu ấn với bảo tàng

“Hiện trên khắp Trung Quốc, những người siêu, siêu giàu đang dựng lên các bảo tàng và coi chúng là một biểu tượng mới cho cái sự giàu nứt đố đổ vách của họ. Và trong cái vòng tròn riêng biệt đó, những từ như máy bay riêng, du thuyền xa xỉ đã trở thành câu chuyện của quá khứ, những thứ của ngày hôm qua”, Huffington Post nhận định.

Soi những điểm 'khác người' của đại gia Trung Quốc - 4

Theo tờ báo, nghệ thuật sưu tầm từ lâu đã là một sở thích của những người giàu, nhưng đối với một số người giàu có nhất của Trung Quốc bước hợp lý tiếp theo là xây dựng bảo tàng tư nhân của họ để chứa bộ sưu tập ngày càng phình lên của chính mình.

“Tại Trung Quốc, nơi người giàu luôn háo hức thể hiện đẳng cấp, các bảo tàng tư được mở ra ngày càng nhiều, ngang với các công viên giải trí”, Huffington Post cho hay.

"Trùm" địa ốc Dai Zhikang đang xây dựng bảo tàng nghệ thuật Himalayas ở Thượng Hải, "đại gia" điện tử Chen Yung-tai vừa mới mở rộng bảo tàng Aurora tại Thượng Hải, còn Chen Dongsheng của Hãng Bảo hiểm Taiking Life bắt đầu mở Không gian Taiking ở Bắc Kinh.

Li Bing, người sở hữu bảo tàng nghệ thuật He Jing Yuan tại Bắc Kinh cho rằng, cuộc cải cách kinh tế và xã hội từ cuối những năm 1970 đã tạo điều kiện cho các nhà sưu tập theo đuổi đam mê của họ. "Trong 30 năm cải cách, người Trung Quốc lại có thói quen sưu tầm các món đồ nghệ thuật và các sản phẩm có giá trị", ông chia sẻ.

Trong cuộc triển lãm nghệ thuật quốc tế năm 2012 tại Hong Kong mới đây, một diễn đàn riêng đã được mở cho những người siêu giàu ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc để bàn về việc làm thế nào để xây dựng và quản lý các viện bảo tàng tư của nhóm người này.

Dù các phóng viên không được tham dự, nhưng một câu chuyện cười về cái gọi là bí quyết vẫn bị lọt ra ngoài: "Bước 1: Có thật nhiều tiền; bước 2: Có nhiều tiền hơn nữa...".
 
Theo Kim Anh
Đất Việt