1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Sở hữu vàng: Ngóng quy định mới

Dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh vàng miếng sẽ được NHNN hoàn tất và trình Chính phủ trong tháng 4 tới. Giải phóng năng lực sản xuất từ vàng là một định hướng quan trọng của dự thảo và có thể sẽ có tác động lớn đến câu chuyện nắm giữ vàng của người dân...

Sở hữu vàng: Ngóng quy định mới - 1
Vàng trang sức với chế tác đơn giản và trọng lượng lớn đang được khách hàng quan tâm.

Định hướng cho vàng

Trong buổi làm việc với các NH phía nam vào đầu tháng này, người đứng đầu NHNN - ông Nguyễn Văn Giàu - cho hay, dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh vàng dự kiến sẽ được cơ quan này trình Chính phủ trong tháng 4.2011.

Nói về định hướng xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, việc xóa bỏ sẽ được làm theo lộ trình chứ không đột ngột và theo hướng không gây bất lợi cho nền kinh tế cũng như quyền lợi của người dân trên cơ sở cân nhắc hoàn cảnh cụ thể của VN về lịch sử, tập quán và thói quen lưu giữ.

Với định hướng này, trước mắt NHNN có thể sẽ không cấp số lượng, không cấp phép sản xuất vàng miếng hoặc cấp phép có giới hạn. Thời điểm cụ thể xóa bỏ kinh doanh vàng miếng cũng sẽ được lựa chọn và cách làm cũng sẽ được quy định cụ thể. NHNN lúc đó có thể đứng ra thu vàng và trả bằng VND hoặc có thể thông qua các đại lý ngân hàng thu mua và nguồn vàng miếng thu về sẽ được đưa vào nhằm tăng dự trữ ngoại hối.

Dự thảo nghị định trên đây, theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu là nhằm thay thế Nghị định 174 được ban hành từ hơn 10 năm nay (9/12/1999). Chưa nói trong suốt thời gian này, thị trường vàng trong vòng ba năm gần đây chứng kiến nhiều thay đổi lớn như sự xuất hiện của sàn vàng, hoạt động sản xuất vàng miếng hay ngân hàng huy động và cho vay bằng vàng cũng như các yếu tố đầu cơ làm ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối.

Tinh thần của nghị định mới theo người đứng đầu NHNN, sẽ không làm tổn thương đến quyền nắm giữ vàng hợp pháp của người dân và hướng đến việc giải phóng năng lực sản xuất từ vàng, coi vàng là tài sản của nền kinh tế cần đưa vào sản xuất để tạo ra của cải vật chất.

Sở hữu và bán đi

Thực tế trước khi ban hành Nghị định 174, vào ngày 24.9.1993 Chính phủ ban hành Nghị định số 63 quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng. Ngay ở điều 1 của nghị định này chỉ rõ: “Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp về vàng của mọi tổ chức và cá nhân dưới dạng vàng khối, vàng thỏi, vàng cục, vàng cốm, vàng sá, vàng sa khoáng, vàng gốc, vàng tư trang”.

Các cụm từ trên không được nhắc đến trong Nghị định số 174 được ban hành và thay thế cho Nghị định số 63 được ban hành hơn 6 năm trước đó. Thay vào đó, Nghị định 174 có đối tượng điều chỉnh là các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vàng được hiểu là hoạt động sản xuất, gia công các sản phẩm bằng vàng; mua bán; nhập khẩu vàng theo quy định của pháp luật.

Song nếu dự thảo nghị định mới định hướng quản lý thị trường vàng như quản lý thị trường ngoại tệ, như một số ý kiến, người dân vẫn có quyền sở hữu, cất giữ, mang đi nhưng khi có nhu cầu phải bán vàng lại cho những đầu mối do NHNN quy định.

Quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân như với ngoại tệ, trong trường hợp này hoàn toàn không bị làm tổn thương. Bởi thực tế quyền sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân cũng được quy định rất rõ trong Pháp lệnh Ngoại hối được ban hành năm 2005.

Trong đó cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, bán cho tổ chức tín dụng được phép và sử dụng cho các mục đích hợp pháp khác. Công dân VN còn được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc và nhận tiền lãi bằng ngoại tệ tiền mặt.

Theo Văn Nguyễn
Báo Lao động