1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Siết” tín dụng, lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng

(Dân trí) - Trong tháng 8, nhiều yếu tố như: Ngân hàng Nhà nước “siết” hạn mức tín dụng dụng từ 30% xuống 25 - 27%/năm, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND giảm còn 1,2%/năm… nhưng lợi nhuận mà các ngân hàng vừa công bố vẫn cho con số tăng trưởng khá khả quan.

“Siết” tín dụng, lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng - 1
Giao dịch tại Ngân hàng TMCP An Bình (ảnh: Việt Hưng).
 
Theo công bố từ Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank), lợi nhuận 8 tháng đầu năm đạt 372 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch cả năm 2009; nâng tổng tài sản của ngân hàng này lên 12.760 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch năm 2009, tổng dư nợ tín dụng là 5.787 tỷ đồng, đạt 77% kế hoạch.
 
Trong tháng 8, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đạt gần 35 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 245,9 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 19.506 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 9.983 tỷ đồng; nguồn vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 12.308 tỷ đồng.
 
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), lợi nhuận đạt hơn 431 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 28%; tổng tài sản 46.800 tỷ đồng, tăng 35% so 31/12/2008.
 
Cho đến thời điểm hiện nay, tổng nguồn vốn huy động của VIB đạt 42.000 tỷ đồng; trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân chiếm 66%, tăng 32% so với 31/12/2008; tổng cho vay 24.000 tỷ đồng, tăng 21% so với 31/12/2008; nợ xấu ở mức 1,63%.
 
Bên cạnh đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đạt 136 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong tháng 8, sau khi đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính và rủi ro tín dụng (chưa bao gồm lợi nhuận từ các công ty trực thuộc). Lũy kế 8 tháng đầu năm 2009, ngân hàng này đã đạt 1.177 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
 
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lợi nhuận trước thuế đạt 1.054 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 60.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 34.000 tỷ đồng; nguồn vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 44.000 tỷ đồng…
 
Theo các ngân hàng, nguồn thu từ lãi trong cơ cấu tăng trưởng tín dụng của họ vẫn đạt mức khá, trước bối cảnh Ngân hàng Nhà nước “siết” hạn mức tín dụng từ 30%/năm xuống còn 25 - 27%/năm.
 
Hiện tại, ngoại trừ tín dụng tiêu dùng (theo thỏa thuận), chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra đang bị co hẹp (trong khi trần lãi suất là 10,5%/năm, có khá nhiều ngân hàng đã nâng mức lãi suất huy động lên 10,3%/năm) cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng.
 
Đó là chưa kể, nền kinh tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau một thời gian dài suy giảm, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND từ 3,6%/năm xuống còn 1,2%/năm…
 
Trên thực tế, lợi nhuận ngân hàng qua các tháng từ đầu năm đến nay không đến từ nguồn thu chênh lệch lãi suất, mà từ hoạt động kinh doanh nguồn vốn và dịch vụ khác.
 
Một vị lãnh đạo ngân hàng cho biết: “Trong hoàn cảnh khó khăn, để tồn tại và cạnh tranh, chúng tôi phải xoay sở nhiều cách. Gia tăng thêm nhiều tiện ích cho khách hàng để tăng cường thị phần, mở rộng mạng lưới kinh doanh… là một trong những giải pháp mà ngân hàng hướng tới trong bối cảnh năm nay, chứ không chỉ chăm chăm tới lợi nhuận và thu hút vốn”.
 
An Hạ