1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Sắp thêm nhiều trạm xăng "gập người chào": Dân vui vì ngành xăng dầu sẽ "chuyển mình"?

(Dân trí) - Sau thông tin người Nhật mở trạm xăng tại Hà Nội với phong cách bán xăng "chuẩn Nhật" được người dân Việt đón nhận, đại diện doanh nghiệp (DN) này tiếp tục hé lộ kế hoạch mở trạm xăng tại các tuyến quốc lộ quan trọng như quốc lộ 1A, quốc lộ 5A, quốc lộ 6.

Thông tin này một lần nữa khiến người dân nức lòng và tin rằng sự có mặt của "ông lớn" xăng dầu Nhật Bản vào thị trường có thể sẽ khiến ngành bán lẻ xăng dầu đặt vào thế phải cạnh tranh, đổi mới và lành mạnh hơn. Nhiều người kỳ vọng vào chất lượng dịch vụ sẽ nâng lên và điều đặc biệt là người tiêu dùng sẽ không còn phải nghi ngại, lo lắng về chuyện bị "đong" thiếu, xăng không đạt chuẩn gây cháy nổ...

Tin liên doanh Nhật mở trạm xăng thứ 2, nhiều người tiêu dùng kỳ vọng và đón nhận hồ hởi.
Tin liên doanh Nhật mở trạm xăng thứ 2, nhiều người tiêu dùng kỳ vọng và đón nhận hồ hởi.

Mặc dù đây mới là dự định, chưa có gì chắc chắn bởi quy trình mở trạm bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam vẫn khá khắt khe. Tuy nhiên, nhiều người vẫn kỳ vọng vào việc mở rộng kinh doanh của DN nói trên vì phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và được đón nhận tốt.

Về những khó khăn của việc mở cửa đối với bán lẻ xăng dầu, hiện Việt Nam chỉ cho phép các liên doanh 100% vốn nước ngoài mở trạm xăng khi và chỉ khi bỏ vốn vào các liên doanh hoặc tham gia góp vốn 100% vào dự án lọc hóa dầu trong nước. Trong cam kết gia nhập thị trường, Việt Nam chưa mở cửa cho thị trường bán lẻ xăng dầu cho đối tác ngoại không có cơ sở đầu tư ở Việt Nam.

Đây vừa là thuận lợi, nhưng cũng là khó khăn đối với hãng xăng dầu Nhật Bản bởi, việc tham gia bán lẻ xăng dầu đã khó, mở trạm xăng còn phải đáp ứng nhiều điều kiện kinh doanh (ĐKKD) khá khắt khe của Bộ Công Thương. Bản thân liên doanh xăng dầu Nhật - Kuwait cũng chỉ đặt kế hoạch xây dựng trên 10 trạm bán lẻ xăng dầu trên khắp cả nước.

Hiện trong thị trường xăng dầu, Petrolimex vẫn chiếm phần lớn nguồn cung với 46% thị phần, PV Oil sở hữu khoảng 23,6% xếp thứ 2, và Saigon Petro sở hữu khoảng 8% thị phần... Petrolimex hiện có khoảng 2.700 trạm xăng bán lẻ, chính vì vậy nhiều chuyên gia trong nước cho rằng, ngành xăng dầu cần thay đổi và cần xem phản ứng của người tiêu dùng đối với sự có mặt của DN xăng dầu Nhật Bản để cải tổ và phục vụ thị trường, người dân tốt hơn.

Một bạn đọc Dân Trí bình luận: “Mong sao những cây xăng của Nhật hay bất cứ của nước ngoài nào vào đầu tư ờ VN để tăng sức cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng. Dù giá có ngang nhau nhưng niềm tin vào cách kinh doanh tôn trọng khách hàng của họ sẽ chiếm lĩnh ưu thế trên thị trường xăng dầu...

Độc giải Bình Yên cho rằng: "Thấy phong cách phục vụ, đo lường chính xác, xăng chất lượng là mê rồi. Mong các bạn Nhật mở rộng cả nước, chúng tôi chờ đón các bạn".

Một độc giả hiện đang sinh sống tại Nhật Bản cho rằng: "Tại Nhật, các trạm xăng cạnh tranh rất quyết liệt với nhau, trong đó mỗi trạm xăng treo bảng giảm giá theo giờ hoặc theo ngày để kéo khách hàng đến mua. Hành động cúi chào, lau kính hay cho nước khách đổ xăng là điều rất bình thường trong phong cách kinh doanh của người Nhật".

Dưới góc độ nhà kinh tế, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: Việc DN Nhật với cách thức kinh doanh hiện đại, văn hóa kinh doanh mới và trọng người tiêu dùng, trọng thị trường sẽ khuyến khích cạnh tranh trong ngành bán lẻ xăng dầu, từ đó có lợi cho thị trường và người tiêu dùng. Đây là bước đi đầu và giới chức, người dân nên đón nhận khích lệ để tạo điều kiện cho mầm mống cạnh tranh và sự tự do phân phối, bán lẻ xăng dầu.

Chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long bình luận: Sự phát triển về quy mô của trạm xăng liên doanh Nhật và Kuwait có thể sẽ khó khăn do cạnh tranh, do địa bàn đẹp hiện thuộc về tay nhiều DN lớn trong nước. Tuy nhiên, là DN lớn, có nghiên cứu và có kinh nghiệm, liên doanh xăng dầu Nhật sẽ cạnh tranh bằng chính điểm yếu của DN Việt là: thái độ, cung cách và chất lượng sản phẩm kinh doanh.

Cùng chung kỳ vọng với nhiều chuyên gia kinh tế, đa số người tiêu dùng đánh giá cao DN Nhật mở trạm xăng và văn hóa kinh doanh của mình. Độc giả Vũ Tiền nói: "Cây xăng Việt Nam thái độ phục vụ không tốt, chất lượng không đảm bảo, bán xăng ở một số trạm còn bớt xén. Nếu cây xăng Nhật ở khoảng cách dưới 5km, mình quyết định đổ xăng của Nhật thay vì đi 100m đổ xăng của các cây xăng khác".

Độc giả Văn Cao nói: "Nếu có 2 cây xăng cạnh nhau tôi chắc chắn sẽ lựa chọn cây xăng của Nhật, yên tâm không bị đong thiếu, không lo bị gian lận chất lượng và cảm thấy được tôn trọng".

Độc giả Trinh Hien cho rằng: "Tôi chưa cần giá tốt. Chỉ cần tin rằng người Nhật họ đổ đủ xăng. Nếu trạm ở không xa nhà tôi, tôi sẽ đổ xăng ở trạm của Nhật".

Còn độc giả Trico phân tích: "Nhìn lại mười năm trước, khi trưa có sự cạnh tranh, giá cước viễn thông cao ngất trời, dùng điện thoại là mơ ước, xăng dầu Nhật vào thì không biết người tiêu dùng có lợi gì không nhưng chắc chắn là có thêm sự lựa chọn, tâm lý sẽ thoải mái hơn".

An Linh