1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sắp thêm nhiều đơn vị kinh doanh vận tải như Uber, Grab

(Dân trí) - Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định, từ ngày 1/1/2019 đơn vị kinh doanh vận tải được sử dụng hợp đồng vận tải điện tử. Các hợp đồng vận tải điện tử phải được giao kết trên nền tảng website thương mại điện tử, ứng dụng mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác…

Nghị định 86/2014/ NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ được sửa đổi, thay thế cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hiện nay, quy định hợp đồng văn bản giấy hoặc hợp đồng điện tử được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu, trong đó phải đáp ứng được các yêu cầu như: Hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy phải bao gồm nội dung tối thiểu: Tổng số chuyến xe, thời gian thực hiện hợp đồng; Địa chỉ nơi khởi hành, tuyến đường; Các điểm đón, trả khách trên chiều đi, chiều về; Địa chỉ nơi kết thúc hành trình; Tổng số lượng hành khách; Tổng giá trị hợp đồng; Các quyền lợi của hành khách và các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình.

Hoạt động kinh doanh vận tải sẽ được thực hiện theo hợp đồng điện tử từ năm 2019 (ảnh minh họa)
Hoạt động kinh doanh vận tải sẽ được thực hiện theo hợp đồng điện tử từ năm 2019 (ảnh minh họa)

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nêu quan điểm, trước đây hợp đồng vận tải được áp dụng bằng giấy, sắp tới để tiện dụng hơn thì Nghị định thay thế Nghị định 86 cho phép ứng dụng hợp đồng điện tử và có giá trị như hợp đồng giấy.

“Hàng không đã bán vé điện tử, check-in qua mạng. Khi đưa những thiết bị, công nghệ vào quản lý vận tải sẽ có các trung tâm điều hành quản lý, theo dõi, giúp giảm bớt nhân lực điều hành trực tiếp” - lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.

Theo Dự thảo thay thế Nghị định 86, các hợp đồng vận tải điện tử phải được giao kết trên nền tảng website thương mại điện tử, ứng dụng mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác đã được đăng ký và thông báo với Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

Các loại xe hợp đồng điện tử phải gắn phù hiệu, biển hiệu theo quy định và trước khi thực hiện hợp đồng điện tử để kinh doanh vận tải, các doanh nghiệp như Uber, Grab... phải báo cáo cơ quan quản lý các thông tin liên quan đến chuyến đi thông qua phần mềm.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT - cho biết, hiện cả taxi và xe hợp đồng khả năng kết nối với hành khách chậm, hay nói cách khác là cung và cầu khó gặp nhau. Trong khi đó, Uber, Grab xuất hiện đã khắc phục được nhược điểm này bằng việc ứng dụng phần mềm kết nối cung - cầu, hành khách tìm xe và xe tìm khách nhanh, dễ dàng hơn.

Theo ông Ngọc, xe ứng dụng phần mềm công nghệ sẽ chỉ chọn một xe gần khách nhất, hợp lý nhất để đón khách. Cùng với đó, tính an toàn cũng cao hơn. Tỷ lệ xe chạy có khách đối với xe ứng dụng phần mềm lên đến 90%, trong khi tỷ lệ này ở xe truyền thống chỉ khoảng 50%.

Vụ trưởng Vụ Vận tải cho hay, Nghị định 86 quy định, xe hợp đồng trên xe phải có hợp đồng bằng giấy, nhưng trong Luật Giao dịch điện tử cũng quy định, có thể sử dụng các hợp đồng điện tử nếu hợp đồng này thay cho hợp đồng giấy đảm bảo nội dung và có thể truy cập được bất cứ khi nào như hợp đồng giấy.

“Chính phủ đã đồng ý cho triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm điện tử kết nối hành khách. Đây là việc cần thiết để ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần cuộc cách mạng 4.0” – ông Ngọc khẳng định.

Được biết, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an tích cực triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hệ thống giao thông.

Châu Như Quỳnh