1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sắp có thêm nhà máy nhiệt điện 2,3 tỷ USD

(Dân trí) - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 có công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy 600 MW đặt tại huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa vừa được ký kết thoả thuận đầu tư.

Lễ ký kết thoả thuận đầu tư dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2.
Lễ ký kết thoả thuận đầu tư dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2.

Bộ Công Thương vừa cho biết, từ tháng 3/2015, Tổng cục Năng lượng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thảo luận với Tổ hợp Nhà đầu tư Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Nghi Sơn 2 về các tài liệu của dự án. Đến nay, quá trình thảo luận đã kết thúc và hai bên vừa ký Thỏa thuận đầu tư vào ngày 8/11/2016.

Dự án BOT NMNĐ Nghi Sơn 2 có tổng công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy 600 MW đã được Chính phủ Việt Nam đồng ý giao cho Tổ hợp gồm Công ty Marubeni (Nhật Bản) và Công ty KEPCO (Hàn Quốc) làm nhà đầu tư phát triển theo hình thức BOT sau một quá trình đấu thầu quốc tế rộng rãi. Dự án được xây dựng tại Khu kinh tế Nghi Sơn - tỉnh Thanh Hóa và là dự án BOT nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu.

Dự án này được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế khu vực phía Bắc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Bộ Công Thương cho rằng, với quy mô công suất và tổng mức đầu tư rất lớn (khoảng 2,3 tỷ USD), để thực hiện thành công dự án và đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam, đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tiếp theo là thu xếp tài chính với các Tổ chức cho vay quốc tế.

Đại diện Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, hiện nay, Bộ Công Thuơng đang quản lý 18 dự án BOT về điện, trong đó có 3 dự án đã vận hành thương mại. Thứ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế đầu tư BOT vào Việt Nam.

Trên thực tế, với việc cung cấp cho hệ thống điện lưới quốc gia hàng tỷ KWh điện mỗi năm, các nhà máy nhiệt điện đã có những đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với một lượng lớn xỉ thải, khói bụi thải ra môi trường, những nhà máy nhiệt điện này cũng đang khiến người dân và vùng phụ cận các nhà máy nhiệt điện hết sức lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Trong một kiến nghị nhằm giúp Việt Nam giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do nhiệt điện than, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống Bệnh Không Lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) còn cho rằng, các nhà máy nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 50% trong nhóm các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cần giám sát đặc biệt theo chỉ thị nêu trên.

Báo cáo tổng hợp về tác động môi trường và xã hội của than và nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam của VSEA chỉ ra rằng các nhà máy Hải Phòng I&II, Quảng Ninh, Thái Bình I&II, Mạo Khê, Vĩnh Tân II, Vũng Áng I &II, và Duyên Hải I đang là nguồn gây ô nhiễm không khí, nước và ảnh hưởng tới sinh kế của người dân địa phương.

Các cộng đồng dân cư xung quanh các nhà máy nhiệt điện than đang phải đối mặt hàng ngày với những lo lắng về ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng tới sinh kế, thậm chí bức xúc khiếu kiện.

Theo VSEA, hơn 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành đã cho thấy mối nguy hiện hữu cho môi trường, sức khỏe của người dân và gây áp lực cho các nhà quản lý. Mối lo này sẽ còn lớn hơn nữa nếu có thêm khoảng 40 nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII Điều chỉnh được xây dựng trên cả nước vào năm 2030. Cũng theo quy hoạch, vào năm 2030 tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn đang chịu tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu và tác động của việc dùng nước trên thượng nguồn, sẽ có tới 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt hơn 18,000 MW.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, các nhà máy chưa tìm được giải pháp đầu ra cho tro xỉ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng ngày 23/9/2014.

Vướng mắc lớn nhất là nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung có khả năng sử dụng tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuât nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro xỉ theo quy định và thiếu các Quy chuẩn kỹ thuật đối với tro xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền.

Đối với nước thải của nhà máy nhiệt điện thì chủ yếu chỉ có nước làm mát bình ngưng là thải ra môi trường, còn lại các loại nước thải xỉ, nước thải từ hoạt động sản xuất của các phân xưởng trong nhà máy được thu gom và tái sử dụng không xả thải ra môi trường.

Phương Dung