1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sắp có “sổ bìa đen” để “xử” doanh nghiệp

Bộ Công Thương đưa ra dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD). Trong đó có đưa ra hình thức xử lý mới là đưa doanh nghiệp (DN) vào danh sách DN vi phạm (xin gọi tắt là danh sách).

Sắp có “sổ bìa đen” để “xử” doanh nghiệp - 1
Việc lập và công khai danh sách đen sẽ giúp NTD có thêm thông tin về DN để chọn lựa mua hàng, sử dụng dịch vụ.
 
Có lợi cho NTD

 

Trong dự thảo tờ trình Chính phủ về nghị định này, ban soạn thảo cho rằng đây là biện pháp khắc phục hậu quả mới và mang tính đặc thù của hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD.

 

Theo dự thảo, biện pháp này được áp dụng trong trường hợp DN tái phạm với một số hành vi như không thực hiện nghĩa vụ bảo hành hàng hóa, không thu hồi hàng hóa có khuyết tật, đơn phương ngừng cung cấp dịch vụ mà không có lý do chính đáng, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của NTD hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch, yêu cầu NTD thanh toán hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với NTD…

 

Một chuyên viên giải quyết khiếu nại của NTD cho rằng việc lập và công khai danh sách sẽ giúp NTD có thêm thông tin về DN để chọn lựa mua hàng, sử dụng dịch vụ. Nhờ đó NTD có thể giảm được rủi ro, bất lợi, khỏi mất tiền oan, rước bực mình. Đương nhiên, DN có tên trong danh sách vi phạm sẽ bị NTD lưu ý loại bỏ.

 

Ngoài ra, xét góc độ của DN thì danh sách đen cũng giúp DN không vi phạm có lợi thế hơn DN vi phạm. Việc minh bạch thông tin cũng giúp thị trường cạnh tranh lành mạnh. Xét góc độ xã hội thì DN sợ bị bêu tên, sợ bị công khai cái xấu, mất danh tiếng, mất uy tín, mất khách hàng… nên sẽ tuân thủ pháp luật tốt hơn.

 

Cần cân nhắc kỹ

 

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có quy định ngắn gọn các biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp “đưa vào danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền lợi NTD”.

 

Chuyên viên trên cho rằng dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính cần quy định rõ ràng hơn. Đưa vào danh sách, công khai danh sách mà dự thảo lại không làm rõ quy trình đưa vào như thế nào, cơ quan nào đưa, cơ quan nào công khai, công khai bằng hình thức gì… thì rất có hại cho DN.

 

Cũng cùng quan điểm trên, luật sư Phan Thông Anh, Trưởng Văn phòng đại diện CLB Pháp chế DN (Bộ Tư pháp) tại TP.HCM, cho rằng việc công khai DN vi phạm quyền lợi NTD sẽ giúp cho NTD có thêm thông tin. Tuy nhiên, cần phải làm rõ danh sách đó được công khai như thế nào, thời hạn để tên trong danh sách là bao lâu để tránh sự tùy tiện của các bộ, ngành khi áp dụng quy định.

 

Ông Phan Thông Anh cho rằng xử lý hình sự sau một thời gian cũng được “xóa án tích”, vi phạm hành chính sau một thời gian cũng được xóa. Vì vậy, đưa tên DN vào danh sách thì cũng phải có thời hạn xóa tên. Không thể đưa tên vào rồi là “chết tên” vĩnh viễn trong đó, nhất là sau khi vi phạm, DN đã khắc phục, đã thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi NTD.

 

Cần có “lý lịch tư pháp” của DN

 

Ông Dương Công Khanh (Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM) cho rằng việc đưa vào danh sách là nhằm quản lý DN vi phạm để khi DN có vi phạm lần sau thì cơ quan quản lý có thể đối chiếu trong hồ sơ và đưa ra biện pháp xử lý thích hợp, ví dụ đề nghị xử lý hình sự.

 

Tuy nhiên, luật sư Phan Thông Anh cho rằng việc này có liên quan đến việc xây dựng lý lịch tư pháp của DN, trong đó cập nhật toàn bộ vi phạm của DN, cả vi phạm thuế, hải quan, tài chính, thương mại, lao động, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không lành mạnh… chứ không tách vi phạm về bảo vệ quyền lợi NTD mà lập danh sách riêng. Thế nhưng quy định hiện hành vẫn có cơ sở pháp lý để xây dựng lý lịch tư pháp của DN.

 

Theo Quỳnh Như

Pháp luật TPHCM