1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

S-Fone và cuộc đua đầy mạo hiểm

Sự xuất hiện của mạng 096 có cùng công nghệ CDMA với mức cước 1000 đồng/phút tính theo block 6 giây đã đẩy S-Fone thêm khó khăn mới. Trước khó khăn này S-Fone đã đưa ra các “đòn” về giá cước và mở rộng vùng phủ sóng nhằm lay chuyển tình thế.

S-Fone và cuộc đua về cước

Mạng 096 của EVN Telecom trình làng hồi đầu tháng 3 với mức giá cước hấp dẫn 1.000 đồng/phút và tính theo block 6 giây đã loại bỏ vị trí của S-Fone là nhà cung cấp dịch vụ di động có mức cước rẻ nhất hiện nay. Trong khi S-Fone đang loay hoay để mở rộng vùng phủ sóng thì mạng 096 đã “đi sau về trước” hoàn thành phủ sóng 64/64 tỉnh thành rồi mới tuyên bố cung cấp dịch vụ.

Thời gian qua, S-Fone dường như đã hụt hơi trong cuộc đua với  các mạng GSM thì giờ đây lại phải đối mặt với đối thủ mới có cùng công nghệ CDMA có mức cước thấp hơn và vùng phủ sóng rộng hơn.

Như vậy, mạng S-Fone đã rơi vào thế đã khó lại càng thêm khó. Không còn con đường nào khác, S-Fone bắt buộc phải  vào cuộc chạy đua về cước mặc dù họ không hề muốn khi mà mức cước hiện tại của họ đang bán dưới giá thành.

Theo thông tin từ S- Fone, từ ngày 14/3/2006, S-Fone chính thức ra mắt gói cước trả trước mới Forever với đặc điểm không giới hạn thời hạn gọi và thời hạn nghe. Thậm chí khách hàng chỉ cần gọi hoặc nhận một cuộc gọi một lần trong năm, các thuê bao sử dụng gói cước này sẽ luôn được kết nối. Mức cước một block 6 giây của gói cước này là 270 đồng.

“Từ trước đến nay, người sử dụng điện thoại di động trả trước luôn bị giới hạn bởi thời hạn gọi và thời hạn nghe. Dù còn tiền trong tài khoản, muốn gọi hoặc nhắn tin, người dùng phải nạp thêm thẻ mới. S-Fone muốn thay đổi nguyên tắc này. Khách hàng đăng ký sử dụng Forever hoàn toàn không cần bận tâm đến số ngày được gọi và nghe, chỉ cần còn tiền trong tài khoản và có sử dụng máy 1 lần trong năm (1 cuộc gọi có phát sinh cước hoặc nghe), họ sẽ luôn có thể gọi, nghe, và sử dụng các dịch vụ phong phú khác của S-Fone. Đối với những khách hàng không có nhu cầu sử dụng điện thoại di động thường xuyên, nhu cầu gọi ít, chủ yếu để nghe,  gói cước mới Forever là sự lựa chọn tốt nhất”, ông Đỗ Văn Quất, Giám Đốc Tiếp Thị của S-Fone cho biết.

Theo phân tích của giới chuyên môn, đây là hình thức “tháo khoán” để giữ chân khách hàng và thu hút thêm những khách hàng mới khi mà số lượng thuê bao của mạng này quá ít. Động thái này của S-Fone trong cuộc chạy đua này mang đầy tính mạo hiểm bởi rất có thể khách hàng đăng ký thuê bao này chỉ để nghe chứ không gọi.

Như vậy, mạng S-Fone vẫn phải giữ liên lạc cho những thuê bao này, nhưng lại không thu được một đồng tiền cước của họ. Trong trường hợp như vậy, số thuê bao đăng ký sử dụng dịch vụ này sẽ tăng nhưng tiền cước thu của gói cước này được chưa chắc đã nhiều. Một quan chức của Bộ BCVT cho biết, với gói cước này, S-Fone sẽ phải tính toán đến hiệu quả kinh doanh bởi ngoài chi phí quản lý khai thác và khấu hao thiết bị thì mạng này vẫn phải trả tiền kho số và tần số.

Không chỉ dừng lại ở đó, S-Fone đã đệ trình lên Bộ BCVT xin được tính cước theo phương thức block 1giây để tạo ra sự đột phá mới trong phương thức tính cước so với các đối thủ khác. Tuy nhiên, nhiều khả năng phương thức tính cước này sẽ chưa được chấp thuận bởi nếu tính theo phương thức block 1giây + block 1giây sẽ rất khó khăn trong việc xác định được thời gian gọi bởi phương thức này có thời gian quá ngắn. Vì vậy, rất có thể phương thức tính cước block 6 giây + block 1 giây sẽ được Bộ BCVT chấp thuận.

Quyết tâm mở rộng vùng phủ sóng

Không chỉ đưa ra những gói cước và phương thức tính cước cạnh tranh, S-Fone đã tuyên bố hoàn tất phủ sóng toàn quốc vào tháng 5 năm 2006. Kế hoạch này được S-Fone cho là “đầy thách thức” để nâng cao năng lực mạng lưới và chất lượng dịch vụ với tổng kinh phí đầu tư là 260 triệu USD.

S-Fone cho biết, trong những tháng đầu năm 2006, họ đã nhập về toàn bộ thiết bị cho các tỉnh còn lại trong kế hoạch hoàn tất phủ sóng 64/64 tỉnh thành trên cả nước và đang ráo riết tiến hành lắp đặt các trạm thu phát sóng để đảm bảo hoàn tất kế hoạch như đã đặt ra. Thế nhưng, để phủ sóng 64/64 tỉnh thành là vấn đề không hề đơn giản khi mà S-Fone không có những lợi thế về hạ tầng và nhân lực như của Viettel hay EVN Telecom.

Theo phân tích của giới chuyên môn, nếu S-Fone chỉ  phủ sóng ở các tỉnh mang tính chất ví dụ như hiện nay (chẳng hạn như ở Phú Thọ chỉ có 1 trạm BTS) thì bài toán về chất lượng vùng phủ sóng vẫn chưa được giải.

Cùng với việc mở rộng vùng phủ sóng, S-Fone sẽ nâng cấp hệ thống CDMA 2000-1x lên CDMA 2000-1x EV-DO trong quý III năm nay để cung cấp các dịch vụ GTGT như dịch vụ xem phim theo yêu cầu cho phép các thuê bao xem phim, truyền hình trực tiếp ngay trên máy ĐTDĐ của mình; dịch vụ nghe nhạc theo yêu cầu cho phép các thuê bao thưởng thức các bài hát có lời trực tiếp từ hệ thống phát thanh, hoặc truyền hình, dịch vụ Web-SMS chat...

Những dịch vụ GTGT này được S-Fone tung ra để khẳng định thế mạnh của công nghệ CDMA. Theo phân tích của giới chuyên môn, những dịch vụ này lẽ ra phải được S-Fone tung ra sớm hơn để tạo được lợi thế cạnh tranh đối với các mạng GSM. Nếu làm được như vậy, rất có thể cho đến thời điểm này số thuê bao của S-Fone đã khả dĩ hơn hiện nay.

Theo Thái Khang
Báo Bưu Điện