1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Quốc tế lo ngại rủi ro sau hai cú hạ trần lãi suất chóng vánh của Việt Nam

(Dân trí) - Việc hạ trần lãi suất huy động mặc dù đã được dự báo trước song không khỏi gây bất ngờ với các chuyên gia kinh tế quốc tế về thời điểm. Các chuyên gia cảnh báo, việc nới lỏng quá nhanh chứa đựng nhiều rủi ro và cần cẩn trọng.

Ngày 11/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức thông báo tiếp tục hạ trần lãi suất về 12%năm.

Theo đó, lãi suất tái cấp vốn sẽ xuống còn 13%/năm, lãi suất tái chiết khấu là 11%. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, cơ quan điều hành tiền tệ đã cắt giảm trần lãi suất tới 2 lần.

Điều này gây bất ngờ lớn đối với hầu hết giới chuyên gia kinh tế tại các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế, bởi hầu như các phỏng đoán, dù cho rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ vẫn tiếp tục và diễn ra vào quý II này nhưng thời điểm sẽ rơi vào tháng 5 hoặc tháng 6.

Quốc tế lo ngại rủi ro sau hai cú hạ trần lãi suất chóng vánh của Việt Nam
Các mức lãi suất chính sách của Việt Nam qua các thời kỳ (nguồn ANZ).

Theo nhìn nhận của bộ phận nghiên cứu tại ngân hàng ANZ – tổ chức liên tiếp khuyến nghị NHNN cần phải cẩn trọng trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ cũng như cắt giảm lãi suất chính sách – thì động thái ngày hôm nay của NHNN là hệ quả của những lo ngại về tăng trưởng. Cụ thể, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước trong quý I đã thấp hơn rất nhiều so dự kiến với 4%, mức thấp nhất kể từ Quý I/2009, báo động mức tăng trưởng cả năm khó đạt được kỳ vọng.

Lý giải về quyết định của NHNN lần này, chuyên gia Phạm Hải của ANZ cho rằng, việc giảm trần lãi suất huy động dựa trên cơ sở lạm phát thời gian gần đây đã giảm tốc. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng đã giảm còn 14,2% so cùng kỳ trong tháng 3 so với mức đỉnh 23% thiết lập hồi tháng 8/2011. Đà giảm thời gian vừa qua cũng cho thấy lạm phát sẽ còn giảm tiếp trong những tháng tới.

Ngoài ra, lãi suất liên ngân hàng gần đây giảm mạnh cũng là yếu tố hỗ trợ việc cắt giảm trần lãi suất tiền gửi của NHNN, và điều này là cơ sở để giảm được lãi suất cho vay từ mức tương đối cao từ 16-20% trong tháng 2 vừa rồi.

“Chúng tôi dự kiến lãi suất sẽ giảm 4% trong cả năm. Tuy nhiên vẫn phải theo dõi chặt chẽ về những biến động của tình hình lạm phát”, theo ANZ.

Quốc tế lo ngại rủi ro sau hai cú hạ trần lãi suất chóng vánh của Việt Nam
Diễn biến lạm phát (lạm phát chung, lạm phát đã loại bỏ tăng giá nhiên liệu và lạm phát lõi) (Nguồn: Bloomberg, ANZ).

Nhiều rủi ro khi nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh

Chuyên gia ANZ đồng thời cũng chỉ ra một loạt những rủi ro trong quyết sách của cơ quan điều hành tiền tệ quốc gia nếu như thực hiện việc nới lỏng chính sách quá nhanh.

Rủi ro đầu tiên đó là điều này sẽ thúc đẩy kỳ vọng lạm phát và khiến cho việc kiểm soát lạm phát trở nên khó khăn trong tương lại.

Thứ hai, việc giảm lạm phát thời gian gần đây ở Việt Nam chủ yếu do giá lương thực giảm trong khi lạm phát lõi (đã loại bỏ yếu tố tăng giá lương thực và nhiên liệu) vẫn còn tương đối cao. Điều này cho thấy áp lực của cầu lên giá, mặc dù đã giảm nhẹ cùng với mức tăng trưởng thấp song nhìn chung vẫn còn cao.

“Chúng tôi hy vọng rằng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách không đổi trong quý II để đánh giá được tác động của những lần cắt giảm lãi suất gần đây lên tăng trưởng” – chuyên gia Phạm Hải nhấn mạnh.

Một tổ chức khác cũng thường xuyên có các báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam là ngân hàng HSBC, sáng nay, khối nghiên cứu của ngân hàng này cũng cho nhận định rằng, việc giảm trần lãi suất lần này có thể phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt tín dụng, tuy nhiên, sẽ không tác động nhiều lên nhu cầu nội địa.

Đồng thời, HSBC cũng dự báo, NHNN có thể sẽ còn tiếp tục giảm lãi suất trong các quý sau, kỳ vọng đến cuối năm nay, lãi suất trên thị trường mở (OMO) sẽ về ngưỡng 10%/năm.

Và với tốc độ lạm phát giảm tốc và tốc độ tăng trưởng chậm trong năm nay, HSBC cho rằng NHNN sẽ còn tiếp tục hạ trần lãi suất trong các quý tiếp theo. Thực tế thì điều này cũng đã được Thống đốc Nguyễn Văn Bình công khai với báo chí, khi thông báo rằng trong điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép, cơ quan này sẽ tiến hành giảm lãi suất chính sách mỗi quý 1% đến hết năm.

Hạ lãi suất quá nhanh tác động tiêu cực đến tỷ giá và đầu tư

Cùng thời gian NHNN tổ chức họp báo thông báo về việc hạ trần lãi suất huy động thì sáng nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã có buổi công bố báo cáo về tình hình phát triển châu Á – Việt Nam.

Tại phiên họp báo này, ADB lưu ý, mức độ “tiết kiệm thực” của những người gửi tiền VND  thời gian qua chịu tác động bởi lãi suất thực âm trong một giai đoạn kéo dài.

Sai số tích tụ trong cán cân thanh toán, được ước tính ở mức 18 tỷ USD trong giai đoạn 2009-2011 phản ánh một lượng lớn vàng và ngoại tệ ở bên ngoài hệ thống ngân hàng.

Vì vậy, ngân hàng này cảnh báo việc hạ lãi suất quá nhanh có thể đặt VND dưới áp lực mới, làm giảm hiệu quả những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng, làm suy yếu dự trữ ngoại tệ.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đã tăng lên mức khoảng 3,4% (con số được Thống đốc đưa ra sáng nay là 3,6%) và theo ADB thì nếu tính theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ còn cao hơn. Đáng lo ngại là tỷ lệ này đang ngày càng tăng. Đồng thời, danh mục rủi ro trong sổ sách kế toán của một số ngân hàng có quan hệ tín dụng với doanh nghiệp nhà nước làm tăng những nghi vấn về khả năng an toàn vốn, đặc biệt là đối với ngân hàng nhỏ.

Đồng loạt dự báo tăng trưởng dưới mức kỳ vọng

Cũng trong các báo cáo cập nhật lần này, các tổ chức tài chính trên lần lượt đã đưa ra dự báo về tăng trưởng Việt Nam năm 2012 này. Theo đó, tất cả các tổ chức nêu trên đều cho rằng mức tăng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ không đạt được kỳ vọng 6% như mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra.  

Cụ thể, ANZ dự báo, GDP cả năm sẽ chỉ đạt 5,5% trong năm nay và lạm phát sẽ giảm xuống còn dưới 10% so cùng kỳ vào quý II.

Và mặc dù thừa nhận rằng tỏ ra lo ngại với việc nới lỏng chính sách tiền tệ nhanh chóng của Chính phủ vừa rồi song ANZ vẫn giữ triển vọng lạm phát cả năm vẫn đảm bảo trong 1 con số.

Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của cả nước do HSBC đưa ra được duy trì ở mức “nhỉnh hơn” là 5,7%/năm. Mức này bằng với dự báo của ADB.

Bích Diệp