1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Quảng Trị: Phát sinh nợ vay quá hạn với các “tàu 67”

(Dân trí) - Nhiều chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại Quảng Trị đang phát sinh nợ vay quá hạn tại ngân hàng, do việc khai thác hải sản thời gian này thu được sản lượng thấp, khiến ngư dân khó trả nợ; một số tàu chuyển sang nợ nhóm 3 (nợ xấu) với dư nợ 37,1 tỉ đồng.

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh, đề xuất xử lý nợ vay quá hạn đối với các chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã thực sự đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ; mang lại hiệu quả bước đầu trong hoạt động vươn khơi khai thác hải sản.

Tại Quảng Trị, nhiều ngư dân đã tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá, nâng cao hiệu suất đánh bắt. Sau thời gian đầu vay vốn và đi vào khai thác, các chủ tàu trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, năm nay nguồn lợi hải sản xuất hiện muộn và chưa nhiều, nên các tàu vay vốn 67 thu nhập chưa ổn định, dẫn đến phát sinh nợ quá hạn tại Ngân hàng.

Nhiều ngư dân Quảng Trị đã tiếp cận được nguồn vốn vay để đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67
Nhiều ngư dân Quảng Trị đã tiếp cận được nguồn vốn vay để đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67

Tỉnh Quảng Trị hiện có 23 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 được đưa vào sử dụng. Thế nhưng, theo báo cáo có 4 tàu chuyển sang nợ nhóm 2 với dư nợ 53,6 tỉ đồng và 3 tàu chuyển sang nợ nhóm 3 (nợ xấu) với dư nợ 37,1 tỉ đồng.

Việc phát sinh nợ quá hạn làm tăng số tiền lãi phải trả của chủ tàu và không được hỗ trợ lãi suất, dẫn đến việc chủ tàu khó trả nợ. Nếu chủ tàu vẫn không trả được bất kỳ khoản nợ quá hạn nào, nợ vay chuyển sang nợ xấu sẽ càng khó khăn hơn. Thậm chí, chủ tàu sẽ bị phía ngân hàng áp dụng các biện pháp xử lý tài sản để thu hồi vốn vay.

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đề nghị Ngân hàng có phương pháp tính để trả nợ cho phù hợp, tránh tình trạng đến kỳ hạn trả nợ nhưng mùa vụ khai thác không phải mùa chính nên ngư dân khó trả nợ.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất với Chính phủ sớm xem xét ban hành Nghi định 67 sửa đổi để có cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Ngành nông nghiệp cũng đã đề xuất tham mưu cho UBND tỉnh và các ngân hàng có chính sách chuyển đổi nghề, kiêm nghề cho các tàu thuyền để chủ động đánh bắt theo các mùa vụ để có hiệu quả sản xuất.

Đ. Đức