1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Quảng Ninh "trảm"hàng loạt cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc

(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, Quảng Ninh đang mạnh tay “trảm” hàng loạt những cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc vốn có doanh thu “khủng” và được cho là nguồn nuôi dưỡng chính của tour du lịch “0 đồng”. Tuy nhiên dư luận cũng cho rằng, nếu tỉnh ra tay dẹp loạn sớm hơn thì ngân sách Nhà nước sẽ không bị thất thu.


Tỉnh Quảng Ninh đnag mạnh tay dẹp bỏ những cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc kiểu như thế này

Tỉnh Quảng Ninh đnag mạnh tay dẹp bỏ những cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc kiểu như thế này

Bát nháo thị trường lữ hành

Theo tỉnh Quảng Ninh, du khách Trung Quốc đi du lịch qua cửa khẩu Móng Cái ngày một tăng, cứ năm sau, cao hơn năm trước. Nếu như năm 2011, tỉnh này đón 99.000 lượt khách thì đến 2016, lượng khách đã lên tới con số 596.000 lượt khách.

Tuy nhiên thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc sử dụng hộ chiếu qua cửa khẩu Móng Cái khá lộn xộn, chất lượng dịch vụ không xứng tầm, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lữ hành Quốc tế thiếu lành mạnh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hình ảnh du lịch của của nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng.

Theo một lãnh đạo doanh nghiệp du lịch của Hải Phòng, nguyên nhân tình trạng trên có phần do cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp đón khách thấp hơn giá thành dẫn đến các công ty lữ hành giao khoán “tiền đầu khách” cho các hướng dẫn viên (HDV). Để có lợi, các HDV buộc phải dùng mọi “chiêu trò” như: đưa khách vào các cửa hàng bán hàng với mức giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực, ép khách mua thêm các tour ngoài chương trình…gây bức xúc cho du khách.

Việc bán tour dưới giá thành dẫn đến doanh nghiệp cắt xén tiêu chuẩn, định mức dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp. Trong khi chưa có chế tài đủ mạnh để áp dụng xử lý những trường hợp này.

Cũng theo ông giám đốc Công ty du lịch này, theo quy định cơ quan quản lý du lịch tỉnh, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lữ hành Quốc tế không có trụ sở hoặc chi nhánh ở Quảng Ninh lại không tham gia Hiệp hội du lịch, Hiệp hội nghề nghiệp du lịch nên việc thống nhất qui chế chung để quản lý. Chưa kể, do luật du lịch chưa có qui định doanh nghiệp phải thực hiện chương trình du lịch theo giá trọn gói nên các doanh nghiệp lữ hành loại một số dịch vụ ra khỏi hợp đồng, không hạch toán vào sổ sách dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước. Trong khi chưa có chế tài để các doanh nghiệp thống nhất được mức giá tối thiểu nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, làm cơ sở tính thuế, chống thất thu thuế.

Theo một doanh nghiệp làm lữ hành Quốc tế đã nhiều năm, chấp hành tốt qui định, Luật du lịch không qui định bắt buộc khách du lịch phải có HDV đi theo đoàn, dẫn đến doanh nghiệp “lách luật”, không sử dụng HDV, thậm chí còn có tình trạng người nước ngoài tự hướng dẫn đoàn , không kiểm soát được thuyết minh, hướng dẫn.

Mới đây tại báo cáo Chính phủ về thực trạng trên, tỉnh Quảng Ninh cũng thừa nhận, các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành Quốc tế đều được phép đón khách dẫn đến một số doanh nghiệp không có kinh nghiệm chỉ mua bán tư cách pháp nhân, một số doanh nghiệp không có năng lực, không chấp hành các qui định quản lý của địa phương vẫn tham gia đón khách, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Quảng Ninh và doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc chi nhánh ở tỉnh ngoài, chấp hành nghĩa vụ thuế, chấp hành qui định về dịch vụ…

Nhiều tỉ đồng đã chui vào “hầu bao” những ông chủ người Trung Quốc

Theo thống kê của tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh có tới 20 cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc. Tất cả những cửa hàng này nhìn bên ngoài có vẻ như người Việt điều hành toàn bộ, từ việc đứng tên đến giao dịch, bán hàng, kế toán trưởng …đều là người Việt. Tuy nhiên trên thực tế thì tất cả đều do người Trung Quốc đứng đằng sau.


Lượng khách du lịch Trung Quốc vào Quảng Ninh vẫn gia tăng rất mạnh

Lượng khách du lịch Trung Quốc vào Quảng Ninh vẫn gia tăng rất mạnh

Một hướng dẫn viên du lịch có thâm niên hàng chục năm chuyên dẫn khách Trung Quốc cho biết, do đặc thù khách Trung Quốc chu yếu thanh toán bằng thẻ tín dụng (khoảng 80%) nên các chủ cửa hàng người Trung Quốc đã lợi dụng điều này nên mặc dù cửa hàng nào cũng đều đăng ký tài khoản nhưng khi khách quẹt thẻ tín dụng thì tiền lại rơi vào tài khoản của một số người Trung Quốc được ông chủ cửa hàng đưa vào làm việc tại đây.

"Kế toán trưởng nhìn thì oai nhưng thực chất chỉ là chân loong toong, đảm đương thủ tục hợp thức hóa những khoản thu không bằng số lẻ trong tổng doanh thu thực của cửa hàng", người này nói.

Giới kinh doanh du lịch tại địa bàn tỉnh vẫn rỉ tai nhau, mỗi ngày doanh thu tại những cửa hàng kiểu như trên có thể lên tới vài tỉ đồng bởi trò bịp bợm của các nhân viên tại đây. Trong khi trên địa bàn tỉnh có tới 20 cửa hàng kinh doanh kiểu như trên thì chỉ nhẩm sơ qua cũng có tới nhiều tỉ đồng đã chảy vào “hầu bao” những ông chủ Trung Quốc trước khi tour du lịch “0 đồng” bị chặn đứng.

Theo một doanh nghiệp từng làm ăn với người Trung Quốc, doanh thu “khủng” như vậy nhưng dưới sự “phù phép” của chủ cùng nhân viên số tiền thực nộp qua cơ quan thuế chẳng còn la bao. Trong khi cơ quan chức năng chẳng hề hay biết mình đã bị “qua mặt” khi cửa hàng thích khai doanh số bao nhiêu cũng được bởi nguồn gốc, xuất sứ, đầu vào của hàng hóa…có trời mới biết là bao nhiêu.

Một lãnh đạo ngành thuế TP Hạ Long cũng cho biết, các điểm bán hàng cho khách Trung Quốc thường kê khai nộp thuế và theo từng quý, nên để phát hiện ra việc thanh toán thu, chi qua tài khoản cá nhân là rất khó. “Vừa qua trong đợt ra quân làm trong sạch môi trường du lịch, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện ra chiêu trò của các chủ cửa hàng này nhưng chưa kịp xử lý thì họ đã cao chạy xa bay mất rồi”, vị này nói.

Dư luận cho rằng, giá như tỉnh Quảng Ninh vào cuộc dẹp loạn, mạnh tay làm trong sạch môi trường du lịch sớm hơn thì “hầu bao” nhưng ông chủ người Trung Quốc không thể “ngốn” một lượng tiền lớn như vậy, ngân sách sẽ không bị thất thu.

Hải Sâm