1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Quảng Nam: Bấp bênh đầu ra nghề trồng dâu nuôi tằm

(Dân trí) - Từ mong muốn phục dựng làng lụa truyền thống nổi tiếng một thời, địa phương đã nỗ lực khôi phục lại nghề trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, đầu ra bấp bênh khiến cho nhiều người dân cảm thấy hoang mang.

Trồng dâu nuôi tằm chủ yếu... phục vụ quán nhậu

Với mong muốn và tâm huyết muốn phục dựng lại làng lụa truyền thống từ bao đời nay của người dân Đông Yên (xã Duy Trinh, Duy Xuyên), xã Duy Trinh đã kêu gọi những người dân còn tâm huyết và yêu nghề quay lại trồng dâu và phục dựng nghề nuôi tằm, ươm tơ truyền thống.

Bãi dâu xanh ngát
Bãi dâu xanh ngát

Xã khuyến khích giao đất cho dân làm, lấy 2% quỹ đất đấu giá cấp cho dân trồng dâu. Bên cạnh đó, huyện Duy Xuyên và xã Duy Trinh còn hỗ trợ mua hom dâu và phân bón, với giá hỗ trợ 650 ngàn/sào (500m2) để người dân yên tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Hồng – một người dân thôn Đông Yên (xã Duy Trinh) cho biết: “Trước kia, nơi đây là một làng lụa nổi tiếng, cả thôn đâu đâu cũng nghe tiếng lụa dệt, nhộn nhịp và vui tươi. Tuy nhiên đến năm 2007 thì làng nghề ở đây lâm vào cảnh bế tắc".

"Trước đây, giá kén làm ra bán được 30-40 ngàn/kg, nhưng đến năm 2007 giá bán chỉ còn 6-7 ngàn/kg. Trong khi đó tiền trứng, giá nhân công tăng nên người làm không còn mặn mà với nghề. Kể từ đó mà làng nghề dần mất đi”, ông Hồng kể.

Ông Nguyễn Ngọc Hồng bên ruộng dâu nhà mình
Ông Nguyễn Ngọc Hồng bên ruộng dâu nhà mình

Giờ đây thôn Đông Yên chủ yếu làm nghề dệt vải, những khung cửi chạy bằng máy hiện đại vẫn hoạt động liên tục. Duy chỉ có nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, nổi tiếng vang bóng một thời nơi đây đã không còn nữa.

Ông Ngô Phi Long, Ban nông nghiệp thôn Đông Yên cho biết: “Với mong muốn phục dựng lại làng nghề truyền thống, bảo tồn và phát huy làng nghề đã mất. Lãnh đạo huyện và xã cũng đã hỗ trợ cho người dân phục dựng lại nghề trồng dâu nuôi tằm. Từ tháng 10/2014, thôn Đông Yên bắt tay vào vận động được 18 hộ dân còn yêu nghề để làm công tác bảo tồn".

"Bỏ nghề gần 10 năm nay nên khi quay lại làm nghề ai cũng phấn khởi, nhưng đầu ra còn khó khăn, bấp bênh nên nhiều người khá hoang mang. Chính quyền thôn, xã sẽ cố gắng để giúp đỡ người dân khôi phục và bảo tồn làng nghề", ông Long cho biết.

Nhiều người dân phấn khởi tăng gia sản xuất với mong muốn làng nghề ông cha để lại, niềm tự hào từ bao dời nay được hồi phục trở lại. Tuy nhiên vì không tìm được nhân công để làm việc nên nhiều nhà ươm đã chủ động từ bỏ, còn 2 nhà làm cầm chừng nhưng rồi cũng mất hẳn. Từ đây, đầu ra cho việc sản xuất tằm, kén của người dân rơi vào bế tắc.

Kén phải rất kỳ công mới có được, 1 ký kén được lấy ra từ 3 ký tằm tươi
Kén phải rất kỳ công mới có được, 1 ký kén được lấy ra từ 3 ký tằm tươi

Hiện nay, người dân ở đây chủ yếu sản xuất bán cho quán nhậu. Họ ngâm rượu, làm thuốc với giá tằm tươi 70 ngàn/kg, giá kén 60 ngàn/kg nhưng phải 3 ký tằm tươi mới được 1 ký kén. Vì thế, nhiều người dân bắt đầu lựa chọn bán tằm tươi thay vì bán kén để kiếm lợi nhuận hơn, tuy nhiên số lượng người làm nhiều nhưng cầu ít đã dẫn đến bấp bênh của một làng nghề.

Ông Đoàn Sang trăn trở: “Ai cũng muốn phục dựng lại làng nghề nhưng đầu ra thấp và bấp bênh như thế này không biết cầm cự được lâu không?”.

Làng lụa nổi tiếng một thời

Lụa ở đây nổi tiếng khó có nơi nào sánh bằng. Trong lịch sử, ở thời điểm hưng thịnh của ngành trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương, diện tích trồng dâu lên đến 160ha và gần 200 hộ ươm tơ, dệt lụa, dệt vải.

Ông Đoàn Sang bên mẻ kén của nhà
Ông Đoàn Sang bên mẻ kén của nhà

Đất đai ở Duy Trinh phần lớn là đất bãi bồi ven sông, thích hợp cho cây dâu. Chỉ riêng ba thôn Đông Yên, Phú Bông và Thi Lai trước đây diện tích đất trồng dâu đã chiếm tới ba phần tư tổng diện tích đất canh tác. Đông Yên có diện tích trồng dâu lớn, chiếm gần 50% tổng diện tích đất trồng dâu, vì vậy nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây phát triển hơn các vùng phía dưới.

Tằm đã chín chờ bán
Tằm đã chín chờ bán

Thế kỷ 17, tơ lụa Duy Trinh đã đóng góp không nhỏ vào “con đường tơ lụa” trên biển của xứ Đàng Trong, trên những Châu ấn thuyền Nhật Bản qua cửa khẩu Đại Chiêm, con đường ấy có dấu ấn của người con gái đất Đông Yên: Cô thôn nữ hái dâu Đoàn Thị Ngọc - Bà Đoàn Quý Phi - Bà chúa Tàm tang xứ Quảng - Hiếu Chiêu Hoàng Hậu.

Nửa đầu thế kỷ 20, một lần nữa tơ lụa Duy Trinh lại thăng hoa, mang lại sự thịnh vượng cho nhiều vùng quê Quảng Nam; hình thành “con đường tơ lụa” trên những toa chở hàng bằng đường sắt từ ga Trà Kiệu đến Sài Gòn - Nam Vang - Băng Cốc - Lyon - Paris… có công lao của hai người con của đất Duy Trinh: Ông Võ Dẫn - người mở đầu cuộc “cách mạng” ngành dệt xứ Quảng và ông Lê Đồng Lợi - người mở đầu nghề dệt vải Tuýt-xo Quảng Nam.

Clip bấp bên nghề trồng dâu nuôi tằm

Tuy nhiên, ngày nay nghề ươm tơ dệt lụa ở Duy Trinh đã hoàn toàn biến mất. Nhiều người rất nuối tiếc và muốn giữ lại, phục dựng làng nghề truyền thống từ bao đời nay cha ông để lại.

Ông Bùi Hữu Thái chia sẻ: “Chúng tôi ai cũng mong muốn làng nghề hưng thịnh như xưa, nhưng làng nghề thì cần đủ cả ươm tơ, dệt lụa, trồng dâu nuôi tằm, chứ chỉ nghề trồng dâu nuôi tằm là chưa đủ. Chính quyền vận động thì người dân sẵn sàng làm nhưng mấu chốt là đầu ra vẫn còn nhiều bấp bênh”.

N.Linh-C.Bính