1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Quá sướng cho cổ đông Lọc dầu Nghi Sơn: Lời bỏ túi, lỗ PVN bù!

(Dân trí) - Chính cơ chế ưu đãi về thuế và bao tiêu sản phẩm khiến mỗi năm tính trung bình, PVN phải bù lỗ từ 80 -110 triệu USD, tương đương 1.800 - 2.000 tỷ đồng. Đó là còn chưa tính đến khoản hỗ trợ trực tiếp cho dự án này để đầu tư các hạng mục công trình bên trong khu liên hợp lên tới hơn 3.800 tỷ đồng.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Vì sao có khoản bù lỗ hàng ngàn tỷ?

Thông tin từ Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) mới đây cho biết, theo ước tính, trong 10 năm tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có thể phải bỏ ra 1,5 - 2 tỷ USD để bù lỗ cho dự án Khu liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 9 tỷ USD.

Trên thực PVN có thu về lợi nhuận hàng năm từ việc chia cổ tức với tư cách cổ đông góp vốn tại dự án này, dự kiến vào khoảng 716 triệu USD trong vòng 10 năm với phương án giá dầu 45 USD/thùng.

Tuy nhiên, chính cơ chế ưu đãi về thuế và bao tiêu sản phẩm khiến mỗi năm tính trung bình, PVN phải bù lỗ từ 80 - 110 triệu USD, tương đương 1.800 - 2.000 tỷ đồng. Đó là còn chưa tính đến khoản hỗ trợ trực tiếp cho dự án này để đầu tư các hạng mục công trình bên trong khu liên hợp lên tới hơn 3.800 tỷ đồng.

Khoản bù lỗ lên đến 2 tỷ USD là một con số không phải là nhỏ so với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD của dự án Lọc dầu Nghi Sơn. Theo cam kết của phía Việt Nam, Nghi Sơn được áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% đối với các sản phẩm lọc dầu và 3% cho các sản phẩm hóa dầu (ngoại trừ 5% cho LPG). Nếu thuế suất nhập khẩu thấp hơn thì PVN sẽ phải thanh toán cho họ số chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu thực tế và thuế suất 7% hay 3% nói trên.

Hiểu một cách thông thường thì mặc dù Nghi Sơn là nhà máy sản xuất nội địa nhưng sản phẩm làm ra sẽ phải chịu như sản phẩm nhập khẩu, tức là phải chịu thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, để tạo cơ chế cạnh tranh cho sản phẩm của nhà máy, Lọc dầu Nghi Sơn được giữ lại 7%/5%/3% trên tổng số thuế phải nộp.

Ví dụ, thuế nhập khẩu xăng là 20% thì Nghi Sơn chỉ phải nộp 13% và giữ lại 7%. Nếu thuế nhập khẩu về 7% thì Nhà nước không thu đồng nào, còn nếu thuế về 0% thì PVN phải thay mặt Nhà nước bù cho Nghi Sơn đúng 7%.

Trong báo cáo của Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) đã không nêu rõ phương án thuế áp dụng với Nghi Sơn ở mức nào. Tuy nhiên, nếu chiếu theo biểu thuế đang áp dụng, tính đến năm 2027 - là năm chấm dứt các biện pháp ưu đãi cho Nghi Sơn - thì mức thuế áp dụng cho hầu hết các thị trường, trừ ASEAN được áp dụng mức ưu đãi đặc biệt, chưa có mức nào xuống dưới cam kết ưu đãi cho Nghi Sơn.

Cụ thể, nếu áp dụng theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi, thực chất là mức áp dụng cho tất cả các thị trường trừ ASEAN, cho tới năm 2027, thuế nhập khẩu xăng vẫn là 20%, dầu diesel và xăng Jet A-1 7%. Như vậy, PVN vẫn chưa phải cấp bù và Nghi Sơn vẫn phải nộp cho Nhà nước 13% đối xăng, 2% đối với dầu.

Tuy nhiên, nếu áp dụng theo biểu thuế ưu đãi đặc biệt với ASEAN, thì ngay từ năm 2016, PVN sẽ phải bù 5% đối với dầu diesel và 2% đối với xăng Jet A-1. Kể từ năm 2024, phải bù lỗ cả 7% đối với xăng và xăng Jet A-1, 5% với dầu diesel do thuế về 0%.

Như vậy, hiểu nôm na rằng, việc PVN có phải bù hay không còn phụ thuộc vào mức thuế nhập khẩu áp dụng cho nhà máy Nghi Sơn. Đây cũng là lý do khiến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất liên tiếp xin giảm thuế về mức “ngang với ASEAN”. Bởi nếu giảm về mức này, với cơ chế thu điều tiết như Nghi Sơn, ngay từ năm 2016, PVN đã phải cấp bù cho Dung Quất như đã nói ở trên.

Nên hay không bất chấp bằng mọi giá?

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: "Xu thế tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam ký kết thuế nhập khẩu giảm, như vậy sẽ bất lợi nhưng nếu đòi hỏi thêm ưu đãi thì không được vì đã được hưởng nhiều ưu đãi, không thể tiếp tục ưu đãi. Mục tiêu cuối cùng là tính toán hiệu quả đầu tư như thế nào”.

Theo ông Long, Nhà máy hoá dầu Nghi Sơn được hưởng hàng loạt ưu đãi thuế, hàng năm thuế xuất nhập khẩu xăng dầu là nguồn thu lớn cho ngân sách nhưng với nhà máy này nguồn thu của ngân sách là thất thu. Bên cạnh đó, dự án cũng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Với mức ưu đãi vừa nêu sẽ làm giảm khoản thu lớn trong bối cảnh ngân sách khó khăn.

"Điều quan trọng nữa, riêng nhà máy này, PVN cuối cùng cũng thua lỗ vì bao tiêu cho sản phẩm nên thiệt đơn thiệt kép. Đây là dự toán còn bối cảnh hiện nay bao tiêu nhưng chất lượng xăng dầu liệu có đảm bảo hay không lại thêm vấn đề khác. Như vậy, có rất nhiều vấn đề cần phải bàn tới", ông nói.

Ông cũng nhấn mạnh: "Qua đây thấy rằng trong ngành lọc hoá dầu có nên ưu đãi như vậy hay không, vì có thể gây tổn hại cho nền kinh tế trong hội nhập đáng ra phải phát huy lợi thế so sánh, nếu ngân sách lành mạnh, có tiền không lo vấn đề an ninh năng lượng vì thậm chí nếu có điều kiện có thể xây dựng kho dầu dự trữ, khi giá dầu rẻ mua tích trữ lại. Tuy nhiên, đầu tư không trúng và gây tổn thất cho nền kinh tế thì cần phải xem đằng sau đó động cơ mục đích là gì?"

TS Lê Đăng Doanh thì cho rằng: "Điểm mấu chốt của Lọc dầu Nghi Sơn do một tổ hợp các nhà đầu tư PVN, Kuwait... góp vốn là đã được Chính phủ Việt Nam chấp nhận những khoản ưu đãi rất lớn và cam kết nếu lỗ thì PVN sẽ thay mặt Chính phủ Việt Nam bù lỗ. Những ưu đãi này đã được chấp nhận khi chưa xét đến hàng loạt FTA sắp ký kết và nay thì chuẩn bị có hiệu lực, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã có hiệu lực rồi".

Điều đáng nói, Nghi Sơn có tới trên 70% là vốn của nước ngoài, PVN chỉ là cổ đông nội duy nhất góp vốn vào dự án. Thực tế, công ty này là liên doanh gồm 4 thành viên: Tập đoàn Dầu khí VN chiếm 25,1%; công ty Kuwait Petroleum Europe.B.V chiếm 35,1%, công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản chiếm 35,1%, công ty Mitsui Chemicals Inc Nhật Bản chiếm 4,7%.

Chia sẻ trên trang cá nhân, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn viết: "Là thành viên góp vốn hay cổ đông công ty thì đương nhiên là được hưởng quyền lợi cũng như phải chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của công ty. Nếu công ty bị thua lỗ thì tất cả các cổ đông công ty sẽ đồng chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ vốn góp".

Tuy nhiên, theo ông Tuấn: "Tôi không hiểu công ty chủ đầu tư Dự án Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động trong khuôn khổ của loại hình công ty gì mà lạ quá. Lỗ thì chỉ có một cổ đông (PVN - PV) chịu trách nhiệm bù lỗ, tức cũng có nghĩa là bù lỗ chéo cho các cổ đông khác? Đứng ở góc độ các cổ đông khác thì đây quả là dự án tuyệt vời: lời bỏ túi, lỗ người khác bù".

Phương Dung