1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

PV Oil trầy trật đòi hoàn thuế gần 100 tỷ đồng

(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, vừa qua, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải tạm nộp thuế thêm và chưa được hoàn lại khoảng 100 tỷ đồng. Cơ quan Nhà nước thì cho rằng do doanh nghiệp này nộp các giấy Chứng nhận xuất xứ (C/O) chưa chuẩn hoặc chậm. Tuy nhiên, PV Oil đang khiếu nại việc này.


Không chỉ PV Oil, một số doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thường rất khó khăn khi đề nghị hoàn thuế

Không chỉ PV Oil, một số doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thường rất khó khăn khi đề nghị hoàn thuế

Cụ thể, theo cơ quan quản lý thì 8 lô hàng dầu được PV Oil nhập khẩu năm 2015 từ Singapore và Malaysia dù đã có C/O mẫu D được nộp kèm nhưng PV Oil lại không được hoàn lại số thuế nhập khẩu ước tính là 39,67 tỷ đồng.

Chính vì không được hoàn thuế nên ngày đầu năm 2017, PV Oil đã nhắc lại việc năm 2016, doanh nghiệp này đã có rất nhiều văn bản kiến nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo cơ quan hải quan cấp hoàn thuế hoặc sớm xác minh C/O của các lô hàng này để thực hiện hoàn thuế theo đúng quy định hiện hành và Hiệp định ATIGA do các C/O này sắp hết hiệu lực.

Nhung đến hết năm 2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 mới có văn bản từ chối hoàn thuế với lý do: “C/O thể hiện chữ ký người cấp C/O ở ô số 12 không giống với chữ ký trong danh sách quy định và hoá đơn bên thứ 3 cấp nhưng không tích dấu vào ô 13, không có thông tin tên và nước của công ty phát hành hoá đơn vào ô số 7”.

Theo PV Oil thì việc từ chối trên là bất hợp lý vì thực tế, ô số 13 ghi “Third country invoicing” theo nguyên bản tiếng Anh đều được hiểu là “hoá đơn do nước thứ 3 cấp” không phải là “bên thứ 3”, nên nhà cung cấp và cơ quan hải quan Singapore đã không thực hiện yêu cầu như lý do Cơ quan Hải quan Việt Nam đưa ra.

"Việc không cho PV Oil hưởng hoàn thuế ở đây là do cách hiểu của cơ quan hải quan nước nhập khẩu với C/O lô hàng trên nhưng không làm thay đổi cách thực tế hợp pháp của lô hàng hoàn toàn đủ điều kiện để được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA. Chúng tôi cam kế tất cả các lô hàng nêu trên đều đảm bảo hồ sơ hợp pháp và C/O này đủ điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Tuy nhiên cho đến nay, C/O của các lô hàng nhập khẩu năm 2015 đã hết hiệu lực nhưng cơ quan hải quan vẫn chưa hoàn thuế cho PV Oil”, đơn kiến nghị của PV Oil nêu.

Nhưng một trong những lý do khác nữa dẫn đến bị từ chối hoàn thuế, không cho hưởng ưu đãi thuế là được cho là PV Oil đã chậm nộp bản chính của C/O mẫu D khiến cho doanh nghiệp cũng chưa được hưởng ưu đãi thuế.

Cụ thể như ở lô hàng dầu diesel xuất xứ Thái Lan được mở tờ khai số 101069309462/A11 ngày 7/10/2016, PV Oil đã có công văn xin nợ C/O. Tới ngày 13/110/2016, doanh nghiệp đã thực hiện nộp bổ sung C/O mẫu D và đã được chấp thuận hồ sơ cũng như được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt và thực hiện hoàn thuế cho lô hàng.

Nhưng đến ngày 8/12/2016, PV Oil lại nhận được yêu cầu phải kê khai nộp thuế bổ sung cho lô hàng nói trên do không được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA vì đã không nộp C/O form D tại thời điểm đăng ký tờ khai.

Phản ứng về điều này, PV Oil cho rằng, các quy định hiện hành của Bộ Tài chính cho phép “cơ quan hải quan của nước thành viên có thể chấp nhận C/O với điều kiện hàng hoá được nhập khẩu trước khi hết thời hạn hiệu lực của C/O đó”.

Theo thông lệ, thời gian để PV Oil hay các nhà nhập khẩu khác nhận được và xuất trình C/O mẫu cho cơ quan hải quan là khoảng 15 ngày. Trong khi đó hàng từ Singapore hay Thái Lan, Malaysia về Việt Nam chỉ cần có 3 ngày.

“Như vậy yêu cầu xuất trình C/O ngay khi đăng ký tờ khai cho lô hàng để hưởng ưu đãi như công văn 12802/BTC-TCHQ tháng 9/2016 là không thể. Còn nếu chấp nhận chịu phatk chi phí lưu tàu 10 ngày để có C/O đồng thời thì chi phí doanh nghiệp bị đội lên cao không chấp nhận được”, PV Oil giải thích và kiến nghị xin lại 7,04 tỷ đồng tiền thuế đã nộp.

Không chỉ gặp rắc rối với các lô hàng trên, PV Oil cũng liên tục phải ra văn bản kiến nghị, đòi lại 57,6 tỷ đồng thuế đã nộp hồi quý III/2016 cho 3 lô hàng nhập khẩu do không có chữ ký của người xuất khẩu trong C/O, giấy chứng nhận xuất xứ C/O. Tổng công ty này cho rằng việc không có chữ ký trên là khách quan mà người mua (PV Oil) không thể chi phối, tác động tới việc này.

Theo doanh nghiệp này, về nguyên tắc hàng chỉ cần C/O của lô hàng hợp lệ và đúng về mặt thể thức để được hưởng hoàn thuế theo quy định. Dù các C/O trên không đáp ứng hoàn toàn yêu cầu về thể thức nhưng không làm thay đổi bản chất của các lô hàng.

Trao đổi với Dân trí, một quan chức cấp vụ của Bộ Công Thương cho rằng, Tổng cục Hải quan quá cứng nhắc trong việc xử lý, không hoàn thuế cho PV Oil. Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng, PV Oil đã không có sự chuẩn bị kỹ về thủ tục, lại dễ dàng tin vào lời cam kết cho hoàn thuế (nói miệng) ban đầu của Hải quan cơ sở nên phải đối mặt với những rắc rối này.

Hà Nguyễn