1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Phụ nữ Trung Quốc xấu hổ khi dùng hàng nhái

(Dân trí) - Dù hàng giả, hàng nhái vẫn phổ biến ở Trung Quốc, nhưng theo một kết quả khảo sát cho thấy, 95% phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi từ 28-35 cho biết họ xấu hổ khi mang túi xách là hàng giả. Nhu cầu mua hàng giả, nhái tại nước này cũng đang giảm nhanh.

Phụ nữ Trung Quốc xấu hổ khi dùng hàng nhái - 1
95% phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi từ 28-35 cho biết họ xấu hổ khi mang túi xách là hàng giả. Nhu cầu mua hàng giả, nhái tại nước này cũng đang giảm nhanh.
 
Tại một cửa hiệu đồ thể thao North Face trên một trong những con phố mua sắm đông đúc nhất ở Bắc Kinh, anh Liu Wenzhong rút ví 700 Nhân dân tệ, tương đương 110 USD, để mua một đôi ủng đi trong tuyết và một chiếc áo nỉ. Nếu mua hàng nhái bán ở một cửa hiệu ngay gần đó, anh Liu chỉ phải trả số tiền bằng 1/5.

 

“Sự khác biệt giữa mua hàng thật và hàng giả là cảm giác sau đó. Tôi chỉ có thể mặc trên mình một nhãn hiệu mà tôi đã bỏ tiền mua và tự hào vì điều đó”, anh Liu, 36 tuổi, chủ một công ty kinh doanh hàng công nghệ, nói với phóng viên báo Wall Street Journal.

 

Báo này cho biết, phát biểu của anh Liu phản ánh sự thay đổi trong quan điểm của người tiêu dùng ở Trung Quốc, bất chấp sự phổ biến của hàng giả vẫn còn ở mức cao tại quốc gia này.

 

Theo kết quả một cuộc điều tra cho hãng China Market Research thực hiện vào năm ngoái, 95% phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi từ 28-35 cho biết họ xấu hổ khi mang túi xách là hàng giả. Nhu cầu mua hàng giả, nhái tại nước này cũng đang giảm nhanh. 
 

Theo hãng tư vấn McKinsey & Co., chỉ 15% số người tiêu dùng Trung Quốc được hỏi trong năm 2010 sẵn sàng mua quần áo và đồ da không phải là hàng thật, so với mức 31% vào năm 2008.

 

Sự thay đổi này đã thúc đẩy kế hoạch mở rộng hoạt động của các thương hiệu nước ngoài tại Trung Quốc. Các hãng như Nike, Columbia Sportsware, Shiseido, North Face… đang đua nhau mở cửa hiệu tại những thành phố xa xôi của Trung Quốc.

 

“Người tiêu dùng Trung Quốc đến nay thậm chí còn quan tâm tới chuyện hàng thật, hàng giả hơn cả ở phương Tây. Họ không muốn bị bắt gặp đang dùng hàng giả”, ông Aidan O’Meara, Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của VF, công ty mẹ của thương hiệu North Face, cho biết.

 

Cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, hàng North Face bị làm giả tràn lan ở Trung Quốc. Hiện nay, thương hiệu này đã có khoảng 500 cửa hiệu bán lẻ ở Trung Quốc và vẫn đang tiếp tục mở rộng mạng lưới. VF dự kiến sẽ mở thêm 450 cửa hiệu North Face ở Trung Quốc trong vòng 3 năm tới.

 

Mặc dù vậy, hàng giả, hàng nhái vẫn là một câu chuyện nhức nhối ở Trung Quốc. Theo Tổng cục Quản lý chất lượng của Trung Quốc, năm ngoái, giá trị hàng giả bị bắt giữ ở nước này là 5,33 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 847 triệu USD.

 

Còn theo số liệu của Chính phủ Mỹ, Trung Quốc đang là một trong những nguồn hàng giả lớn nhất chảy vào nước này, chiếm 62% trong số 124,7 triệu USD giá trị hàng giả bị nhà chức trách Mỹ bắt giữ vào năm ngoái.

 

Mấy năm qua, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực lớn để thúc đẩy cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái. Năm 2010, nước này khởi động một trong những chiến dịch chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lớn nhất từ trước tới nay, tập trung vào các sản phẩm phần mềm, phụ tùng ôtô, điện thoại di động và thực phẩm ở các địa phương bờ biển Đông Nam. Nhà chức trách Trung Quốc cuối năm ngoái đã bắt giữ 2.000 sản phẩm giả thương hiệu Columbia, trị giá 2,7 triệu USD.

 

Các hãng thời trang nước ngoài cho hay, sự chuyển biến trong quan điểm của người tiêu dùng Trung Quốc là một trong những lý do khiến họ tăng cường đầu tư vào thị trường này. Hãng Nike tháng trước tuyên bố kế hoạch mở một cơ sở ở Thượng Hải nhằm tăng doanh thu tại Trung Quốc lên 4 tỷ USD mỗi năm vào năm 2015. Năm ngoái, doanh thu của Nike tại Trung Quốc - bao gồm thị trường đại lục, Đài Loan và Hồng Kông - là 2 tỷ USD.

 

Thương hiệu thời trang Columbia đã bắt đầu sản xuất tại Trung Quốc 20 năm trước. Cùng với đó, hàng nhái thương hiệu này cũng nở rộ. Nhưng khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng Trung Quốc thích dùng hàng thật, Columbia đã mở rộng mạng lưới bán lẻ, và đến nay hàng công ty đã có mặt tại hơn 600 trung tâm mua sắm và cửa hiệu riêng của hãng tại Trung Quốc.

 

“Người tiêu dùng Trung Quốc đã nhận thấy sự khác biệt về chất lượng giữa hàng thật và hàng giả. Họ đã chán những chiếc áo khoác xổ cả lông vũ ra ngoài”, ông William Tung, Phó chủ tịch phụ trách thị trường châu Á-Thái Bình Dương của Columbia nói.

 

Phương Anh

Theo Wall StreetJournal