1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phú Yên

Phá mía trồng sắn – bài toán khó và nông dân là người chịu thiệt

(Dân trí) - Do giá mía xuống thấp, giá sắn lại cao ngất ngưởng nên nhiều hộ nông dân ở Phú Yên đã mạo hiểm phá bỏ nhiều diện tích mía để trồng sắn. Điều đáng nói là trước đây người dân cũng làm điều tương tự nhưng ngược lại…nếu không sớm có giải pháp giúp người nông dân thì vòng xoay này cứ lặp đi lặp lại và nông dân là người chịu thiệt nhất.

Phú Yên: Nông dân phá mía để trồng sắn

Trung bình 1 ha mía trồng mới, nông dân đầu tư hết khoảng 30 triệu đồng và được lưu gốc từ 1-2 năm sau khi thu hoạch lần đầu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều diện tích trồng mía của nông dân các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, người dân đã chuyển sang trồng sắn vì được giá. Việc phá bỏ mía trồng sắn là tự phát. Việc giá sắn ổn định thời gian tới cao hơn giá mía cũng mới chỉ là nhận định chủ quan của người dân. Thậm chí nhiều hộ trồng sắn theo “trào lưu”.

Người dân đang thuê nhân công phá bỏ mía để trồng sắn
Người dân đang thuê nhân công phá bỏ mía để trồng sắn

Mới phá bỏ 2 ha mía để chuyển sang trồng sắn, anh Phạm Hồng Phương,xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên nói: Hiện nay giá mía ở tầm mức 650.000 đồng/tấn trong khi đó thì giá nhân công, xe vận chuyển cao hơn năm trước nhiều nên hầu như người trồng mía nào cũng thua lỗ. Do đó dân chúng tôi mới quyết định chuyển đổi sang trồng cây sắn vì sắn dễ trồng, ít công chăm sóc, phí vận chuyển cũng rẻ hơn.

Anh Phạm Hồng Phương cho rằng giá sắn cao, dễ trồng ít chi phí nên mới chuyển đổi từ mía sang sắn
Anh Phạm Hồng Phương cho rằng giá sắn cao, dễ trồng ít chi phí nên mới chuyển đổi từ mía sang sắn

Mặc dù, chưa biết tình hình giá cả thị trường sắn như thế nào nhưng bà So Thị Bích Hoa, Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên vẫn quyết định phá hơn 1ha mía để trồng sắn, bà Hoa nói: Nói chung là mình thấy sắn được giá quá thì mình trồng thôi, chứ không biết sao nữa. Giá mía giờ quá thấp rồi người dân không mặn mà gì mà trồng, vất vả mà còn lỗ vốn.

Nhiều người trồng sắn theo “trào lưu” mà không biết giá cả thị trường như thế nào
Nhiều người trồng sắn theo “trào lưu” mà không biết giá cả thị trường như thế nào

Theo quy hoạch diện tích sắn của tỉnh Phú Yên có 11.000 ha nhưng hiện tại diện tích lên tới trên 23.000 ha. Với đà giá sắn tăng cao như hiện nay và giá mía giảm có khả năng nông dân sẽ chuyển sang trồng sắn nhiều hơn nữa.

Về mặt kỹ thuật trồng sắn sẽ khó khăn về giống. Nông dân sử dụng lại giống sắn cũ, có chất lượng không cao và đặc biệt là nhiễm các bệnh như sáp bột hồng, nhện đỏ… Những bệnh này rất nguy hiểm và sẽ lây lan sang các diện tích khác.

Hiện tại giá sắn cao ngất ngưởng là 2.800 đồng/kg, nhưng các chuyên gia khuyến cáo giá này có thể hạ thấp bất cứ lúc nào.
Hiện tại giá sắn cao ngất ngưởng là 2.800 đồng/kg, nhưng các chuyên gia khuyến cáo giá này có thể hạ thấp bất cứ lúc nào.

Hiện tại giá sắn ngất ngưởng và duy trì thời gian dài với mức 2.800 đồng/kg, tăng đến gần gấp đôi lần so với vụ trước, cao kỷ lục trong 5 năm trở lại đây. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Phú Yên vẫn khuyến cáo, người dân cần tính toán kỹ việc trồng sắn, vì rất có thể vụ tới, đầu ra cây sắn không ổn định trong thu mua và giá cả.

Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cảnh báo người dân: Chuyển sang trồng sắn sẽ phá vỡ quy hoạch của tỉnh Phú Yên. Việc trồng sắn ồ ạt nhiều quá làm cho dư thừa lượng sắn. Các nhà máy thu mua sẽ chậm, khắt khe hơn. Từ đó giá sắn có thể giảm trong thời gian tới. Tỉnh cũng sẽ không can thiệp được vào vấn đề này.

Trung Thi