Nuôi bò sữa - Một hướng đi cho thanh niên nông thôn

Nghề bò sữa không chỉ là công việc kiếm sống, làm giàu của các bậc lão làng tại nông thôn. Đó còn là hướng giải quyết việc làm cho một bộ phận thanh niên nông thôn khi con đường Đại học khép lại.

Câu chuyện của anh Nguyễn Minh Trung, một thanh niên 24 tuổi, ấp Bàu Trai Hạ, xã Tân Phú, Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là một điển hình.
 
Tuổi nghề bằng nửa tuổi đời
 
Tốt nghiệp lớp 12, Trung đứng trước ngã rẽ của cuộc đời: tiếp tục lên Sài Gòn theo con đường học tập hay ở nhà để phụ bố mẹ trong công việc chăn nuôi bò sữa. Cuối cùng, chữ hiếu cộng với tình yêu nghề bò sữa từ trong máu đã giữ chân chàng thanh niên này lại quê nhà. Anh tâm sự: “Nhà có ba anh chị em. Cả hai anh, chị đều đã lên Sài Gòn làm ăn và lập gia đình. Trong khi đó, ba mẹ cũng đã lớn tuổi. Để ba mẹ ở nhà một mình vậy, tôi không an tâm. Đã vậy ở nhà còn đàn bò cũng không ai lo.”

Nuôi bò sữa - Một hướng đi cho thanh niên nông thôn - 1

Nhà anh Trung có truyền thống 14 năm gắn bó với bò sữa thì anh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề. Từ nhỏ, vừa đi học vừa đi phụ mẹ chăm sóc đàn bò nên các công đoạn nuôi bò như cắt cỏ, cho bò ăn, vắt sữa đến những việc khó như đỡ đẻ, chữa bệnh cho bò… đều được anh thực hiện hết sức thành thạo. Dù tuổi đời chỉ ngoài 24 nhưng anh Trung đã nổi tiếng nuôi bò khéo tại vùng.
 
Hỏi kinh nghiệm học được từ đâu, anh bẽn lẽn nói vừa học từ ba, từ bản thân và từ các anh khuyến nông của công ty Cô Gái Hà Lan (tên gọi trước đây của FrieslandCampian VN). Anh giải thích: “Từ khi gia đình giao sữa cho công ty, tôi đại diện ba mẹ tham dự các lớp tập huấn do công ty tổ chức. Nhờ áp dụng kinh nghiệm từ các lớp này mà tôi chăm sóc đàn bò khỏe mạnh. Ví dụ như từ các buổi tập huấn, tôi quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho đàn bò hơn. Cho bò ăn cỏ trồng đúng ngày, không để quá già cộng với tỉ lệ cám, xác mì phù hợp mà bò cho sữa chất lượng nhưng vẫn tiết kiệm chi phí thức ăn. Ngoài ra, theo lời khuyên của các anh khuyến nông, tôi bắt đầu ghi chép tình trạng của bò như: tình trạng bệnh, ngày tiêm phòng, ngày gieo tinh... Nhờ vậy mà tôi có cách chăm sóc từng con trong đàn đề phòng bò bị bệnh và có lượng sữa ổn định, chất lượng”.
 
Sẽ gắn bó với nghề lâu dài
 
Hiện tại, theo đề xuất của FrieslandCampina VN, gia đình Trung gia nhập nhóm gồm 9 hộ gia đình giao sữa. Giao sữa theo nhóm giúp các gia đình hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật để sữa luôn đạt được chất lượng tốt nên sữa bán được giá cao. Nhờ đó mà gia đình anh bán được sữa giá cao (9.400 đồng/kg) đạt lợi nhuận hơn 3.500đồng/kg. Tính trung bình giao gần 200kg/ngày, mỗi tháng thu nhập hơn 15 triệu, Trung và gia đình anh hoàn toàn sống tốt với đàn bò sữa.
 
Nhìn lại quyết định ở lại quê nhà, gắn bó với đàn bò, không vào đại học như bao bạn bè trang lứa khác, Trung không hề hối hận, anh chia sẻ: “Nuôi bò là nghề nghiệp giúp tôi và gia đình có cuộc sống ổn định. Tuy vất vả nhưng vẫn có thời gian chăm sóc bố mẹ khi về già. Nghề nào cũng là nghề nếu kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình”. Với mức sống ổn định từ nghề bò, Trung dự định sẽ tiếp tục theo nghề của bố mẹ và tăng đàn để phát triển nghề bò của gia đình lên nữa.
 
Thanh Hằng
 

Từ năm 1996, FrieslandCampina VN (với các nhãn hiệu nổi tiếng như Cô Gái Hà Lan, YoMost, Friso, Fristi…) đã thực hiện việc ký hợp đồng thu mua sữa trực tiếp với các hộ nông dân và tiến hành chương trình Phát triển ngành sữa nhằm giúp nông dân chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững. Trong gần 15 năm qua, công ty đã đầu tư hơn 10 triệu đô la cho các hoạt động: xây dựng 4 trung tâm làm lạnh, 41 điểm thu mua, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng đội ngũ khuyến nông với hơn 70 người để hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi bò. Ngoài ra, chương trình luôn khuyến khích người nông dân sản xuất sữa chất lượng tốt thông qua chính sách trả tiền theo chất lượng sữa.