1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nông dân lên thành phố: "Hơn 50% là làm việc chân tay"

(Dân trí) - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cùng một số cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế vừa đưa ra báo cáo điều tra nông thôn tại 12 tỉnh thành đại diện cho các vùng miền trong nước. Con số được các chuyên gia đưa ra về kết quả trong năm 2016 khiến nhiều người giật mình.

Trong đó người dân nông thôn đang có quá trình di cư nhanh hơn, 1/5 số người rời khỏi nông thôn cho biết sẽ không trở về quê nhà; Hơn 70% người dân nông thôn không được đào tạo chuyên môn, số người dân di cư ra thành phố có trên 51% là lao động chân tay.

Trên 70% nông hộ không được đào tạo

Báo cáo của nhóm dự án phối hợp với Viện CIEM điều tra trên tổng số hơn 2.600 hộ dân, tại 12 tỉnh thành đại diện cho các vùng miền trên cả nước đã chỉ rõ thực trạng bộ mặt nông thôn Việt Nam hiện nay. Thời gian điều tra được thực hiện trong 2 năm 2010 và 2016.

Số lao động nông thôn lên thành phố chỉ một số ít có việc làm vị trí cấp cao, cấp trung do được đào tạo, phần đông là làm việc chân tay, thu nhập thấp.
Số lao động nông thôn lên thành phố chỉ một số ít có việc làm vị trí cấp cao, cấp trung do được đào tạo, phần đông là làm việc chân tay, thu nhập thấp.

Cụ thể, với kết quả thu nhận từ các mẫu đánh giá phúc lợi dân cư, báo cáo khẳng định, tại nông thôn hiện có gần 77% nông hộ không được đào tạo bài bản, trong đó 73% chủ hộ là người Kinh không tham gia bất kỳ chương trình đào tạo nghề nào, với các chủ hộ là người thiểu số thì tỷ lệ này là gần 91%.

Các chủ hộ không có bằng cấp tăng từ 72,4% năm 2014 lên 76,8% năm 2016. Tương tự vậy, tỷ lệ hộ tham gia các khóa học ngắn hạn hoặc các trường dạy nghề năm 2016 giảm so với năm 2014.

Về sức khoẻ của người dân nông thôn, báo cáo khẳng định: Mỗi thành viên trong hộ dân nông thôn bị ốm bình quân là 11 ngày trong vòng 1 năm trước khi điều tra. Thêm nữa, có sự chênh lệch tương đối giữa các tỉnh, giới tính, yếu tố dân tộc và tỷ lệ nghèo đói. Các hộ nghèo hơn có số ngày bị ốm nhiều hơn các hộ giàu; các hộ do phụ nữ làm chủ có số ngày bị ốm nhiều hơn các hộ do nam giới làm chủ hộ.

51% dân nông thôn di cư đi làm lao động chân tay

Về dịch chuyển lao động và di cư, báo cáo khẳng định, hơn 52% hộ được điều tra (hơn 2.600 hộ) cho biết có một thành viên di cư. Quá trình di cư, có 78% người di cư đến các tỉnh khác, các tỉnh có tỷ lệ di cư cao là Nghệ An, Đắc Nông, Quảng Nam, Đắk Lắk.

Đặc biệt, hầu hết số người di cư được thuê làm việc như các lao động có kỹ năng thấp hoặc lao động chân tay chiếm hơn 51%, vị trí cấp cao và trung chỉ chiếm hơn 28%.

Về việc nuôi trồng các cây con làm hàng hoá tại nông thôn, báo cáo nêu rõ lúa vẫn là loại cây trồng phổ biến nhất, với 58,3% các mảnh ruộng được trồng lúa, gia cầm (gà, vịt hoặc chim cút) là loại vật nuôi phổ biến nhất với 77,1% hộ có nuôi các loại gia cầm này.

Gần 60% nông dân vẫn trồng lúa, chỉ 20% dân mua giống lúa từ công ty

Tuy nhiên, điều đặc biệt là chỉ có hơn 20% hộ dân trồng lúa mua giống tại các công ty bán giống cây trồng, trong khi họ mua tại các chợ, hoặc không bao giờ mua giống chiếm trên 33% số hộ.

Đáng nói là tại Điện Biên, hơn 90% hộ nông dân trồng lúa không mua giống lúa; ở Long An - một trong các tỉnh tỉnh thuộc vựa lúa miền Nam sử dụng giống cao sản khá thấp, chỉ trên 51% sử dụng giống lúa từ các công ty.

Theo nhóm nghiên cứu, việc giống mới không tiếp cận được hoặc không được đưa vào sản xuất đại trà khiến chất lượng gạo bị ảnh hưởng do sự thoái hoá đời giống cây lúa qua các năm. Điều này minh chứng cho vấn đề chất lượng gạo của Việt Nam thấp đi.

Các tỉnh được điều tra bao gồm: Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), Lào Cai và Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Nam và Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng và Long An.

Nguyễn Tuyền