Nội địa hóa gạch không nung vì môi trường và năng lượng

(Dân trí) - Nội địa hóa dây chuyền sản xuất gạch không nung không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực nhờ không xâm lấn đến đất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu không nung trong nước hiện còn nhiều hạn chế.

Báo cáo tại hội thảo quốc tế chiều ngày 2/12 về Vật liệu không nung - Giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường cho thấy, cả nước có khoảng 800 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN), công xuất là 1.600 triệu viên/năm, chiếm 8% tổng số vật liệu xây.
 
Trong đó chỉ có 31 dây chuyền công suất vừa và lớn nhưng chiếm tới 33% tổng công suất VLXKN. Điển hình như công ty Đoàn Minh Công (DMC) đã đầu tư công suất lên tới 35 triệu viên/năm (gấp khoảng 10 lần những dây chuyền công nghệ nhỏ hiện nay).
 
Nội địa hóa gạch không nung vì môi trường và năng lượng - 1
Lễ ký chuyển giao công nghệ sản xuất Gạch không nung tại hội thảo quốc tế ngày 2/12
 
Thậm chí, ngay tại Hội thảo lần này, giữa DmC và Công ty CP gạch Khang Minh đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất Gạch không nung Xi măng cốt liệu. Theo đó, DMC sẽ cung cấp cho Cty CP gạch Khang Minh toàn bộ công nghệ và 3 dây chuyền sản xuất gạch không nung xi măng - cốt liệu với mỗi dây chuyền công suất lên tới 42 triệu viên/ năm, tổng công suất lên tới trên 120 triệu viên/năm.
 
Dây chuyền sản xuất gạch không nung sở dĩ được phổ biến trên thế giới bởi có công nghệ tự động hóa cao, sử dụng ít nhân công, năng suất cao, cho sản phẩm đồng đều về kích thước và chất lượng.
 
Đây là công nghệ thân thiện với môi trường, không tàn phá tài nguyên đất, không ảnh hưởng tới an ninh lương thực, không dùng than để đốt nên không tàn phá tài nguyên rừng, không qua nung nên không có khói bụi, không phát thải khí gây ô nhiễm môi trường…
 
Tại Việt Nam, những năm gần đây, VLXD không nung bắt đầu được sử dụng tại nhiều công trình lớn, nhưng chủ yếu của của các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp trong nước lại chưa mặn mà.
 
Theo số liệu khảo sát của Bộ Xây dựng, năm 2009, tỷ lệ sử dụng VLXD không nung trên phạm vi cả nước chỉ chiếm khoảng 10% VLXD nói chung. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân như: Quy cách gạch xây tại một số dây chuyền cũ có kích thước và khối lượng quá lớn, gây khó khăn trong thi công;
 
Nhận thức về việc sử dụng VLKN của chủ đầu tư, nhà thầu và người dân còn hạn chế; Cơ chế chính sách chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của khách hàng… Đây cũng chính là những vấn đề cần có hướng xử lý hiệu quả và kịp thời, nhằm hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tới môi trường và tiết kiệm năng lượng.
 
Lan Hương