1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Những "ông lớn" cồng kềnh trong nền kinh tế Việt

(Dân trí) - Số lao động tại Vinacomin đã bằng cả BHP Billiton và Rio Tino gộp lại, trong khi doanh thu chỉ bằng 1/30. Dù Chính phủ đã đưa ra nhiều hứa hẹn về một cuộc "đại phẫu", nhưng sự chậm trễ đã khiến lòng tin trên thị trường bị thử thách.

Tại một bài báo đăng tải trên Bloomberg ngày 15/03, dẫn ví dụ về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Việt Nam, hãng tin Mỹ đưa ra so sánh: Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) có mặt trong danh sách những công ty khai khoáng hàng đầu thế giới với một lực lượng lao động khổng lồ lên gần 140.000 nhân viên, lớn hơn cả số lao động tại hai “ông lớn” BHP Billiton Ltd và Rio Tino Plc gộp lại.

Trong khi đó, doanh thu trong năm 2012 của Tập đoàn chỉ vào khoảng 4 tỷ USD, còn một khoảng cách rất xa so với con số 123 tỷ USD tổng doanh thu của 2 công ty khai khoáng lớn nhất thế giới.

Và như vậy, theo Bloomberg, sự khác biệt về năng suất lao động cho thấy những thách thức của Chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt trong thực hiện cam kết tái cơ cấu khối DNNN.

Hứa hẹn

Hứa hẹn

Dự kiến, tháng 6 tới, một lộ trình cho việc tái cấu trúc những DNNN lớn nhất sẽ bắt đầu, nhằm hỗ trợ cho sự phục hồi tăng trưởng sau khi tốc độ tăng GDP “chạm đáy” sau 13 năm vào 2012.

Trong khi đó, việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 cũng như các cuộc đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) đang buộc Việt Nam phải gia tăng sức cạnh tranh hơn nữa. Và kỳ vọng của nền kinh tế 89 triệu dân là hướng đến một mức sống cao hơn sau hai thập kỷ liền tăng trưởng trung bình trên 7%.

Vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể tái cấu nền kinh tế, trong đó bao gồm cả việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đẩy nhanh cổ phần hóa tại những công ty nhà nước giai đoạn đến 2020.

Trước đó, hồi đầu tháng 2 tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG), Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trương Chí Trung cũng đề cập đến việc, tới hết năm 2015, sẽ bán toàn bộ những đơn vị không cốt lõi tại các doanh nghiệp nhà nước, trong khi vẫn giữ cổ phần chi phối tại hầu hết các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, dẫn đánh giá của một nhà phát hành báo cáo, Bloomberg cho rằng, dù Chính phủ lặp lại nhiều lần cam kết và cho thấy tầm quan trọng của tái cấu trúc, song vấn đề phải là bắt tay thực hiện.

Trên thực tế, câu chuyện nâng cao hiệu suất của DNNN không phải đợi đến bây giờ mới được nhắc tới mà đã đề cập từ những năm 1990. Đến tháng 1/2011, Chính phủ hứa hẹn đẩy nhanh tiến độ bán cổ phần tại DNNN và 1 năm sau thì Thủ tướng kêu gọi tái cơ cấu nhanh hơn nữa.

Cùng với đó, cũng trong năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ bán cổ phần tại các DNNN, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn – và ngay lập tức thì Tổng công ty Dệt may (Vinatex) tuyên bố phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 6 tháng sau đó.

Chậm trễ

Thế nhưng, kết quả là, cho tới nay thị trường vẫn chưa đón nhận được một sự kiện IPO nào từ Vinatex, hay tương tự là MobiFone dù đã lên kế hoạch từ 2007. Theo đánh giá của Giám đốc điều hành Quỹ Dragon Capital – ông Dominic Scriven, thì nguyên nhân khiến quá trình này bị chậm trễ là do thách thức quá lớn.

Mới đây, một dự thảo Nghị định nhằm hướng đến việc cải thiện tính minh bạch đối với các doanh nghiệp khu vực nhà nước cũng đã đưa ra yêu cầu về công bố danh mục dự án, các khoản vay ngân hàng, lương nhân viên và tổng nợ. Đồng thời, giám đốc điều hành cũng có thể bị bãi chức nếu để công ty thua lỗ 2 năm liên tiếp.

Tuy nhiên, việc cho phép cạnh tranh lành mạnh sẽ đe dọa nguồn thu của các DNNN và làm giảm sự can thiệp của “bàn tay hữu hình” trong kiểm soát lạm phát thông qua điều hành giá cả đối với một số hàng hóa, chẳng hạn như mặt hàng than.

Báo cáo cập nhật vĩ mô về kinh tế Việt nam của HSBC đưa ra hồi đầu tháng cũng đã đánh giá, Quy hoạch tổng thể nền kinh tế giai đoạn 2013-2020 của Chính phủ còn thiếu hụt những chi tiết trong thực hiện.

Với sự chậm trễ này, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WorldBank) tại Việt Nam, ông Deepak Mishra tỏ ra quan ngại, rằng niềm tin trên thị trường đã sụt giảm khi giới đầu tư thể hiện sự hoài nghi về tính quyết liệt của Chính phủ trong việc tái cấu trúc bộ phận DNNN như đã tuyên bố.

Cụ thể, sau khi đạt mức kỷ lục 1.170,67 điểm hồi tháng 3/2007, chỉ số VN-Index đã đánh mất tới 80% sau hơn 2 năm và tính tới phiên đóng cửa 14/3 thì chỉ số này đã sụt giảm 59% so mức đỉnh. Trên thị trường tiền tệ, năm 2012, VND bị mất 0,5% giá trị so với USD giữa lúc đồng peso Philippines tăng 5,5% và baht Thái tăng 3,9%.

Chuyển dịch lao động

Trở lại với những vấn đề mà Chính phủ đang gặp phải tại các “ông lớn” DNNN, Bloomberg tiếp tục dẫn chứng khó khăn tại Vinacomin. Theo đó, hồi tháng 11 năm ngoái, Standard & Poor’s đã cắt giảm xếp hạng tín nhiệm của Tập đoàn này mà một trong những nguyên nhân là khoản “hụt” thu trong bán than cho điện (EVN) sẽ có thể tăng lên 40% vào năm 2014 so mức 25% năm 2011. Mức giá bán của Vinacomin cho các đối tác trong nước còn dưới cả mức giá thị trường, theo S&P.

Còn tại Tập đoàn Điện lực Việt nam thì với việc để thua lỗ 13.000 tỷ đồng tương ứng với 635 triệu USD trong 2 năm thì Chủ tịch Tập đoàn cũng đã bị bãi chức hồi năm ngoái. Hiện EVN đang hoàn thiện việc xây dựng trụ sở 33 tầng trong khu phố cổ của Hà Nội.

Những vấn đề mà các DNNN phải đối mặt đã xuất hiện từ đầu năm 2010 khi  Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) không thể thanh toán đúng hạn khoản vay trị giá 600 triệu USD. Đến năm ngoái, 8 cựu lãnh đạo của tập đoàn này đã bị kết án tù vì quản lý kinh tế yếu kém, trong đó bao gồm cả cựu Chủ tịch.

Việc tái cơ cấu có thể sẽ dẫn đến việc sa thải lao động. Theo nhận định của Paul Nguyen, Giám đốc điều hành trang Kiemviec, một website chuyên về việc làm trực tuyến thì Chính phủ hy vọng những doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân sẽ tiếp nhận các lao động  dôi dư này. Và doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các công ty đến từ Nhật Bản sẽ giúp “hấp thụ” một phần lực lượng lao động ở Việt Nam.

Chẳng hạn Tập đoàn công nghiệp Brother Industries của Nhật dự kiến sẽ mở 1 nhà máy sản xuất máy may vào 2014, cần khoảng 400 công nhân. Hay như hãng Shiseido cũng sẽ tăng gấp đôi lực lượng lao động địa phương lên khoảng 860 người vào năm 2016, sau khi chuyển một phần sản xuất từ Nhật sang Việt Nam.

Những "quân cờ" đúng đắn

Tuy vậy, theo đánh giá của Bloomberg, Việt Nam đã có một số những thành công nhất định trong chuyển đổi cơ cấu các DNNN, mà điển hình là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Công ty thành lập năm 1976, bắt đầu thực hiện bán cổ phần vào 2003 và hiện là công ty lớn thứ hai trên sàn chứng khoán TPHCM. Tại Vinamilk, Nhà nước vẫn đang nắm giữ 45% cổ phần.

Scriven,  nhà quản lý quỹ đầu tư vào Vinamilk cho rằng, tại những công ty nhà nước giảm cổ phần nắm giữ, nếu có những chính sách liên kết và ưu đãi thì việc tư nhân hóa sẽ có thể thành công.

Ngoài ra, còn một doanh nghiệp khác là CTCP Cơ khí điện lực, một đơn vị cũ thuộc EVN, đã thực hiện bán cổ phần từ 2005. Nếu thời điểm đó doanh thu công ty là 74 tỷ đồng thì đến năm ngoái, con số đã lên tới 400 tỷ đồng.

Mới đây, hồi tháng 1, báo chí trong nước cũng đã đăng tải việc Hãng hàng không Vietnam Airlines đã chỉ định các nhà tư vấn cho thương vụ IPO khoảng 20-30% vốn tổng công ty.

Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, để việc cổ phần hóa được thực hiện hiệu quả, cần có những thay đổi, trong đó phải tạo nên môi trường cạnh tranh nhiều hơn, thành lập nhiều cơ quan giám sát độc lập và áp dụng quy tắc quản trị doanh nghiệp đối với các lãnh đạo công ty.

Bích Diệp
Theo Bloomberg