1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Những mặt hàng bán “sướng tay” nhờ rét đậm

(Dân trí) - Thời tiết lạnh khiến thị trường thiết bị sưởi, quần áo, chăn giữ nhiệt bỗng trở lên đắt hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu ship đồ ăn tận nhà cũng gia tăng, nhiều nơi tăng đột biến gấp chục lần ngày thường.


Thời tiết lạnh khiến thị trường thiết bị sưởi, quần áo, chăn giữ nhiệt trở lên đắt hàng. 

Thời tiết lạnh khiến thị trường thiết bị sưởi, quần áo, chăn giữ nhiệt trở lên đắt hàng. 

Thiết bị sưởi tranh thủ tăng giá

Thay vì cảnh ế ẩm từ đầu vụ, trong những ngày rét đậm, rét hại gần đây, thị trường các loại thiết bị sưởi chống rét được dịp loạn giá do nhu cầu tăng đột biến. Khảo sát thị trường cho thấy, các loại quạt sưởi điện, túi sưởi mini trên thị trường thậm chí còn bị đẩy giá tăng 4 - 5 lần so với thời điểm đầu đông.


Quạt sưởi đội giá 4 - 5 lần ngày thường (ảnh: Nguyễn Tuyền)

Quạt sưởi đội giá 4 - 5 lần ngày thường (ảnh: Nguyễn Tuyền)

Nhân dịp này, nhiều cửa hàng cũng đưa ra “chiêu” thông báo khan hàng, hết hàng để đẩy giá. Trong khi đó, tại một số siêu thị dù vẫn niêm yết mức giá thấp, nhưng khi đặt mua hoặc đến tận nơi, nhân viên bán hàng đều cho biết đó là mức giá cũ, hiện nay siêu thị đã điều chỉnh nhưng chưa cập nhật giá mới lên hệ thống.

Ngay cả những chiếc túi sưởi mini, nếu như trước chỉ có giá khoảng 50.000 - 80.000 đồng thì nay giá tăng lên khoảng 120.000 - 150.000 đồng/chiếc. Dù giá cao nhưng những mặt hàng này cũng luôn trong tình trạng khan hàng, “mua ngay kẻo hết”.

Áo giữ nhiệt bán hàng trăm chiếc mỗi ngày

Đầu vụ đông, chị Nguyễn Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhập về gần 500 chiếc áo giữ nhiệt để bán dần. Do thời tiết ấm hơn so với những năm trước, nên từ đầu vụ chị Linh mới chỉ bán được chưa tới 100 chiếc.

"Tuy nhiên, chỉ trong 3 ngày mưa rét, số hàng tồn bao gồm hơn 400 cái áo giữ nhiệt, chưa kể hàng trăm áo khoác gió lần lượt được khách hàng “khuân” hết. Số người trực tiếp tới cửa hàng không tăng nhưng lượng bán online tăng đột biến, đơn hàng soạn xong mà người giao hàng (shipper) đi không kịp”, chị Linh cho biết.


Áo giữ nhiệt bán chạy

Áo giữ nhiệt bán chạy

Tương tự như chị Linh, nhiều chủ cửa hàng quần áo thời trang cho biết, sản phẩm được bán chủ yếu trong những ngày gần đây là quần áo giữ nhiệt, áo phao, áo gió dày dặn, có khả năng chống rét cao. Nhiều nơi, liên tục cập nhật tình trạng hàng còn - hết trên trang bán hàng trực tuyến và mạng xã hội để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng online.

Trên thị trường, các mặt hàng như áo giữ nhiệt cũng có nguồn gốc xuất xứ và giá cả đa dạng. Với các mặt hàng được giới thiệu là hàng xách tay (chủ yếu là của Nhật) có mức giá khoảng 300 - 400 nghìn đồng/chiếc, trong khi các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu hoặc hàng Trung Quốc chỉ khoảng dưới 150 nghìn đồng/chiếc.

Chăn giữ nhiệt, găng tay, tất, mũ… đắt khách

Tương tự như quần áo giữ nhiệt, các loại chăn ấm và phụ kiện như găng tay, tất mũ… cũng trở lên “hút” khách trong dịp này. Trong đó, những loại chăn như chăn lông cừu với mức giá trên dưới 1 triệu đồng được khá nhiều hỏi mua nhờ ưu điểm “ấm, nhẹ” và nhiều mẫu mã đa dạng.


Găng tay giữ nhiệt được nhiều người hỏi mua

Găng tay giữ nhiệt được nhiều người hỏi mua

Chủ một cửa hàng tại đường Trần Duy Hưng cho hay: “Trời rét đậm nên gần như những gì có tác dụng giữ nhiệt đều có lượng khách hỏi mua tăng đột biến. Tại cửa hàng của tôi, chỉ trong vòng 1 tuần qua, các mặt hàng như chăn lông cừu, găng tay, tất, mũ len đều hết sạch hàng tồn. Từ giờ tới Tết mà còn lạnh nữa chắc phải tính nhập thêm”.

Hàng ăn “tranh nhau” shipper

Trời lạnh lại kèm theo mưa, nhiều người ngại đi ra ngoài ăn nên chọn giải pháp gọi đồ ăn về nhà, về cơ quan. Điều này dẫn tới, không chỉ các cửa hàng thời trang thiếu người ship hàng, các hàng ăn uống cũng trong tình trạng kín đơn hàng mà không thuê được người đi giao.

Anh Dũng, chủ một cửa hàng chuyên phục vụ đồ ăn trên phố cổ cho hay: “Ngày thường, chúng tôi phục vụ cả những khách hàng ăn đêm, bất kể lúc nào có nhu cầu thì chỉ khoảng trong vòng 1 tiếng đồng hồ là có người mang đồ tới. Tuy nhiên, mấy ngày nay, đến tầm chiều là không thể nhận thêm đơn hàng vì không có người giao hoặc có giao thì rất chậm. Nhiều khách than phiền nhưng trời lạnh, nhu cầu nhiều mà sức người có hạn nên phải xin khách thông cảm”.


Nhiều người chọn giải pháp gọi đồ ăn về nhà thay vì đi ăn giữa trời giá lạnh.

Nhiều người chọn giải pháp gọi đồ ăn về nhà thay vì đi ăn giữa trời giá lạnh.

Nhiều chủ hàng ăn cũng liên tục than phiền về tình trạng “khan” người giao hàng, phải “mượn" thêm người của chỗ khác.

“Trời buốt và rét quá, người ship hàng quen thì xin nghỉ vì ốm nên phải thuê thêm bên ngoài. Dù không tăng giá đồ ăn để giữ khách nhưng những ngày này khách muốn giao đồ ăn tại nhà thì thường phải chấp nhận mất phí ship nhiều hơn một chút”, chị Nguyễn Nhung - chủ một cửa hàng đồ ăn vặt cho hay.

Thực phẩm online đắt hàng

Chị Phương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, con bé đang học mẫu giáo nghỉ học nên tôi phải ở nhà trông. Hai mẹ con gần như không bước chân ra khỏi nhà vì rét lạnh. Do đó, mọi thực phẩm từ rau thịt cho tới hoa quả, tôi đều đặt mua online tại một siêu thị có bán thực phẩm sạch gần nhà”.

Trời mưa rét, nhiều người ngại đi chợ nên giải pháp hữu hiệu được tính tới lúc này là cách đặt mua hàng online. Giải pháp này được hầu hết dân công sở, còn trẻ, thu nhập tốt và thường xuyên tiếp xúc với internet, máy tính hay điện thoại thông minh sử dụng.

Chủ một cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân) cũng cho hay: “Do nhu cầu tăng nên doanh thu của cửa hàng mấy ngày gần đây tăng gấp đôi. Nhiều khách đặt mua nhiều hơn thường ngày để tiện công vận chuyển. Trong đó, cũng có nhiều người là khách quen, lần đầu tiên sử dụng dịch vụ này”.

Phương Dung

 

Những mặt hàng bán “sướng tay” nhờ rét đậm - 6