1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Những địa danh sản sinh nhiều tỷ phú chứng khoán nhất Việt Nam (P1)

(Dân trí) - Trong quan niệm của người Việt, "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", mỗi mảnh đất trên đất nước đều có những đặc trưng riêng. Song, một số nơi nổi tiếng vì sản sinh ra những doanh nhân lớn, mang lại giá trị cho cá nhân lẫn cộng đồng.

Trong danh sách này Dân trí điểm 5 địa danh sản sinh nhiều tỷ phú nhất, có khối lượng tài sản lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, tính theo giá cổ phiếu nắm giữ đóng cửa ngày 8/3/2013.

Hà Nội

Hà Nội
18 tỷ phú, tổng tài sản 7.111 tỷ đồng

Vùng đất "địa linh nhân kiệt", Thủ đô Hà Nội không gây bất ngờ khi trở thành "lò tỷ phú" lớn nhất cả nước với số lượng 18 tỷ phú trong Top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, trong đó có 2 người trong Top 10 và 8 người trong Top 100.

Điều thú vị là hai người giàu nhất quê gốc Hà Nội lại là hai người phụ nữ: chị em bà Phạm Thu Hương và bà Phạm Thúy Hằng, cùng sở hữu khối lượng "khủng" cổ phiếu VIC của Vingroup. 

Trong năm 2012, Vingroup đã tăng trưởng hơn 200% về doanh thu bất chấp thị trường bất động sản đang phải trải qua một giai không mấy thuận lợi với nguồn cung "đắt đỏ" dư thừa và cầu thị trường yếu kém. Lợi nhuận thuần VIC trong 2012 đã cán mốc kỷ lục gần 8.000 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 2.000 tỷ.

Với khối lượng cổ phiếu VIC đang nắm giữ hơn 49 triệu đơn vị, chiếm 5,29% vốn điều lệ, bà Phạm Thu Hương - vợ ông Phạm Nhật Vượng - đang có trong tay hơn 3.190 tỷ đồng. 

Trong khi đó, bà Phạm Thúy Hằng, em gái bà Hương với 32,8 triệu cổ phiếu VIC cũng đang sở hữu cổ phiếu lên tới 2.131 tỷ đồng. Cả hai chị em Hằng hiện đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Vingroup. Một tỷ phú từ Vingroup khác cũng là đồng hương của  bà Hương và bà Hằng là ông Phạm Văn Khương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, hiện đang sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu VIC tương ứng trị giá 201 tỷ đồng.

Một điều thú vị khác đó là, những tỷ phú gốc Hà Nội lại đầu quân rất nhiều vào Hòa Phát. Theo đó, 4 "người Hòa Phát" lần lượt là ông Nguyễn Mạnh Tuấn (sở hữu 264 tỷ đồng); ồng Nguyễn Ngọc Quang, ông Doãn Gia Cường (cùng sở hữu 198 tỷ đồng), và ông Hoàng Quang Việt (sở hữu 52 tỷ đồng).

Với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán, từng công tác tại Ban thị trường vốn NHNN, Ban Quản lý kinh doanh chứng khoán của UBCKNN, là Phó tổng thư ký Hiệp hội chứng khoán Việt Nam, ông Hà Hoài Nam hiện đang là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Kim Long (KLS). Sở hữu 17,7 triệu cổ phiếu KLS chiếm 8,92% vốn công ty, vị tỷ phú sinh năm 1972 đang có trong tay 159,3 tỷ đồng.

Trong danh sách 18 tỷ phú quê gốc Hà Nội còn có sự góp mặt của ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng Sài gòn Hà Nội (SHB). Ông Hiển đang nắm một loạt chức vụ quan trọng tại các công ty hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau và từng nổi tiếng ở lĩnh vực bóng đá (ông được gọi là bầu Hiển).

Năm vừa rồi SHB đã thực hiện sáp nhập thành công ngân hàng Habubank và đây cũng là thương vụ M&A giữa 2 ngân hàng niêm yết đầu tiên tại Việt Nam. Sở hữu trên 25,4 triệu cổ phần SHB, chiếm 2,87% vốn ngân hàng, hiện khối tài sản của ông Đỗ Quang Hiển trên sàn chứng khoán đạt 175,4 tỷ đồng.

Một số tỷ phú khác đến từ Công ty phát triển điện tử viễn thông (ELC): gồm ông Trần Hùng Giang (72 tỷ), bà Ngô Ngọc Hà (61 tỷ); ông Nguyễn Đức Thiện (52 tỷ) và ông Nguyễn Mạnh Hải (47 tỷ). Các ông Nguyễn Văn Bảng (SHB - 78 tỷ); Nguyễn Bá Hùng (Nhựa Đông Á - 71 tỷ); Vũ Gia Cường (NTL - 56 tỷ); Nguyễn Văn Kha (NTL - 55 tỷ); Nguyễn Văn Tô (BĐS Hà Đô - 50 tỷ) cũng đã góp phần quan trọng đưa Hà Nội ngàn năm văn hiến trở thành địa danh sản sinh ra nhiều tỷ phú trên sàn chứng khoán nhất cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM)
11 tỷ phú, tổng tài sản 3.806 tỷ đồng

Được xem là trung tâm kinh tế của cả nước, "hòn ngọc Viễn Đông" có 11 tỷ phú chứng khoán xuất thân từ mảnh đất này và đang sở hữu gần 4.000 tỷ đồng.

Trong số này có tới 3 người cùng một nhà là chị em bà Đặng Thị Hoàng Yến, ông Đặng Thành Tâm và bà Đặng Thị Hoàng Phượng.

Với việc sở hữu hơn 49,4 triệu cổ phiếu ITA tương ứng tỷ lệ 11,12% vốn điều lệ, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Đặng Thị Hoàng Yến đang có trong tay 351 tỷ đồng. Với việc giá ITA diễn biến khá tốt trong thời gian gần đây, tài sản của bà Yến đã tăng thêm 119 tỷ đồng kể từ đầu năm.

Trong khi đó, ông Đặng Thành Tâm lại bị loại khỏi Top 10 do mức gia tăng tài sản 215 tỷ đồng so với đầu năm không giúp ông cạnh tranh được với các nhân vật khác có tốc độ tăng tài sản thậm chí còn nhanh hơn.

Hiện tại, Chủ tịch HĐQT Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đang sở hữu một loạt danh mục các cổ phiếu bao gồm ITA, NVB, KBC và SGT, tổng trị giá 1.112 tỷ đồng, xếp thứ 12 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Với gần 22 triệu cổ phiếu KBC, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Khoáng sản Sài gòn - Quy Nhơn, bà Đặng Thị Hoàng Phượng cũng đang nắm trong tay khối tài sản 171 tỷ đồng.

Trong danh sách này còn có sự góp mặt của tỷ phú Trần Phát Minh, Thành viên HĐQT Chứng khoán Phương Nam và CTCP Cấp nước Chợ Lớn. Ông Minh đang có 48,12 triệu cổ phiếu STB của Sacombank tương đương 1.011 tỷ đồng. 

Đại gia thủy sản Dương Ngọc Minh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Hùng Vương, Thành viên HĐQT CTCP XNK Thủy sản An Giang, Chủ tịch CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng cũng là người "Sài Gòn". Hiện ông đang có trên 28,4 triệu cổ phiếu HVG tương ứng trị giá 791 tỷ đồng. Khối tài sản của ông đã tăng lên 128 tỷ đồng kể từ đầu năm.

Vị tỷ phú trẻ tuổi Nguyễn Ngọc Thái Bình (sinh năm 1982), con trai Chủ tịch Cơ điện lạnh (REE) Nguyễn Thị Mai Thanh hiện tại đang nắm 2,56 triệu cổ phiếu STB và sở hữu 53,8 tỷ đồng trên sàn chứng khoán. Ông Bình đang được kỳ vọng là có thể sẽ "kế vị" chức vụ quan trọng của mẹ ông tại REE, một trong những doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Một số tỷ phú khác là: Nguyễn Ngọc Anh (75 tỷ); Trần Ngọc Henri (68 tỷ); Thái Văn Mến (67 tỷ), Phạm Thị Mai Duyên (55 tỷ) và Trần Thị Thái (51 tỷ).

Quảng Ngãi
7 tỷ phú, tổng tài sản 2.105 tỷ đồng

Mảnh đất miền Trung này là quê hương của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) - Nguyễn Văn Đạt. Với 76,8 triệu cổ phần tại công ty này, ông Đạt đang sở hữu khối tài sản lên đến 1.513 tỷ đồng (tăng 169 tỷ đồng so đầu năm). Đại gia bất động sản xứ Quảng đang xếp vị trí thứ 9 trong Danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam tại thời điểm hiện nay.

Một đồng nghiệp của ông Đạt đồng thời cũng là đồng hương của ông là ông Nguyễn Văn Tuấn, Thành viên HĐQT Phát Đạt. Tại PDR, ông Tuấn có 5 triệu cổ phiếu, tương ứng tài sản đạt 99 tỷ đồng.

"Nữ hoàng trang sức" Cao Thị Ngọc Dung cũng có quê tại Quảng Ngãi. Bà là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Hiện tại, bà Dung đang có hơn 7,3 triệu cổ phần tại PNJ tương ứng trị giá tài sản đạt 219 tỷ đồng. Do diễn biến thị trường vàng không ổn định trong thời gian vừa đã tác động không nhỏ đến giá cổ phiếu PNJ trên sàn, từ đó làm bà Dung bị hao hụt 34 tỷ đồng chỉ trong hơn 2 tháng.

Những đại gia xứ Quảng khác không thể không nhắc đến là: Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (82 tỷ đồng); ông Nguyễn Đình Chung - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (78 tỷ đồng); ông Lê Hùng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Sản xuất Kinh doanh XNK Bình Thạnh (48 tỷ đồng) và cuối cùng là ông Hồ Minh Quang - Chủ tịch Thép Nam Kim (47 tỷ đồng).

Thanh Hóa
7 tỷ phú, tổng tài sản 1.428 tỷ đồng

Mảnh đất giàu truyền thống xứ Thanh không chỉ là quê hương của nhiều nhân vật nổi tiếng trong những lĩnh vực liên quan đến văn hóa, chính trị mà còn là nơi sản sinh ra nhiều doanh nhân tài năng cho cả nước.

Nhắc đến người thường xuyên đưa ra các nhận định uy tín trên thị trường chứng khoán, không khó giới tài chính nhận ra "đại gia SSI" Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán Sài Gòn. 

Với gần 29 triệu cổ phiếu SSI đang nắm giữ, khối tài sản của ông Nguyễn Duy Hưng hiện ở mức 508 tỷ đồng, nằm trong Top 30 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Cùng với đó, ông Nguyễn Hồng Nam - Phó Tổng kiêm Thành viên HĐQT SSI cũng góp mặt vào Top 50 khi sở hữu 277 tỷ đồng với trên 15,7 triệu cổ phần SSI.

"Tỷ phú xứ Thanh" Doãn Tới - Chủ tịch kiểm Tổng Giám đốc CTCP Nam Việt cũng đang có 225 tỷ đồng. Kế đến là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Địa ốc Đất Xanh - Lương Trí Thìn với 173 tỷ đồng thông qua sở hữu 14,4 triệu cổ phiếu DXG.

Một số vị đại gia khác là ông Lê Quang Tiến - Thành viên HĐQT CTCP Viễn thông FPT (115 tỷ đồng); Doãn Chí Thanh, con ruột ông Doãn Tới (68 tỷ đồng); ông Lê Thanh Tuấn (62 tỷ đồng) và ông Vũ Xuân Dũng - Phó tổng kiêm Thành viên HĐQT Bia Thanh Hóa (45 tỷ đồng).

Bình Định
4 tỷ phú, tổng tài sản 7.455 tỷ đồng

"Đất võ" Bình Định là quê hương của 4 vị đại gia chứng khoán Việt, trong đó, tên tuổi của ông Đoàn Nguyên Đức đã trở nên quen thuộc không chỉ tại lĩnh vực kinh doanh mà còn lấn sân sâu rộng sang lĩnh vực bóng đá. Cũng chính vì vậy, vị đại gia này nổi tiếng nhiều hơn với tên gọi "bầu Đức".

Hiện với 259,67 triệu cổ phiếu HAG, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai đang sở hữu khối tài sản trị giá 6.959 tỷ đồng (đã tăng 1.350 tỷ đồng so với đầu năm), giữ vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán trong nước.

Nhờ vậy, ông đã đưa tổng tài sản của những đại gia đất "võ" lên con số 7.455 tỷ đồng.

Ngoài ra, một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh gỗ đồng hương với bầu Đức là ông Võ Trường Thành - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành. Nắm 9,57 triệu cổ phiếu TTF, ông Thành đang sở hữu 59 tỷ đồng trên sàn chứng khoán. 

Ông Bùi Pháp, Chủ tịch Tập đoàn Đức Long Gia Lai với việc sở hữu 26,4 triệu cổ phần DLG cũng đang có trong tay 132 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đại Thiên Lộc, nắm giữ cổ phần tại một loạt doanh nghiệp DTL, DHC và ABT cũng đã đưa khối tài sản trên sàn lên con số 305 tỷ đồng.

Mai Chi