1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Những con số “khủng” của nhà đầu tư Nhật đổ vào Việt Nam

(Dân trí) - Số vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản chiếm tới gần 90% tổng vốn FDI chảy vào Việt Nam trong quý I, trong đó có dự án lớn hàng tỉ USD vào lĩnh vực bất động sản ở Bình Dương.

Những con số “khủng” của nhà đầu tư Nhật đổ vào Việt Nam

Dòng vốn FDI của doanh nghiệp Nhật đổ vào Việt Nam trong 3 tháng chiếm tới 88,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam thời gian này.

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 3 tháng đầu năm 2012, có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,3 tỷ USD, chiếm tới 88,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Con số này của “quán quân” Nhật Bản cách xa so với Hà Lan đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 46,1 triệu USD, chiếm vỏn vẹn 1,7% tổng vốn đầu tư. Vị trí thứ 3 là Đài Loan với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 42,9 triệu USD, chiếm 1,6%.

Đáng lưu ý trong số các dự án lớn được cấp phép trong 3 tháng đầu năm này là dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do phía Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD.

Ngoài ra còn dự án Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam tại Hải Phòng, dự án sản xuất và xuất khẩu 100% sản phẩm lốp cao su với tổng vốn 574,8 triệu USD. Dự án Công ty TNHH Oshima Shipbuilding Việt Nam với tổng vốn 180 triệu USD tại tỉnh Khánh Hoà. Và tất cả các dự án này đều do doanh nghiệp Nhật đầu tư.

Nhờ vậy, trong kỳ thống kê này, 3 địa phương kể trên đều nằm ở vị trí dẫn đầu về thu hút FDI trong cả nước. Cụ thể, Bình Dương hút về nhiều vốn FDI nhất với 1,36 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 51,7% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 605 triệu USD, chiếm 23%. Khánh Hòa đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 180 triệu USD.

Dòng tiền bên ngoài chảy mạnh trở lại bất động sản

Tính đến ngày 20/3, cả nước có 120 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 2,26 tỷ USD, bằng 77,2% so với cùng kỳ năm 2011.

Đồng thời, có 29 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 368 triệu USD, bằng 30,4% so với cùng kỳ năm 2011.

Cộng dồn cả vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 3 tháng năm 2012 là 2,63 tỷ USD, bằng 63,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Ở khâu thực hiện, phần dự án FDI đã giải ngân được đạt 2,52 tỷ USD, bằng 99,2% với cùng kỳ năm 2011.

Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu khí) trong 3 tháng đầu năm dự kiến đạt 15,5 tỷ USD, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 63,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực này trong cùng giai đoạn đạt 13,03 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 52,6% kim ngạch nhập khẩu.

Lũy kế 3 tháng, khu vực FDI xuất siêu 1,38 tỷ USD.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản trở lại là khu vực có tổng vốn đầu tư đăng ký lớn nhất với 2 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 1,2 tỷ USD (chiếm 45,5% tổng vốn đăng ký), do có 1 dự án lớn mới được cấp phép vào đầu tháng 3 tại Bình Dương với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 51 dự án đầu tư đăng ký mới và 25 dự án tăng vốn với tổng vốn cấp mới và tăng thêm 1,17 tỷ USD (chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư đăng ký).

Bích Diệp