1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nhật Bản muốn phá thế độc quyền của Google

(Dân trí) - Trước sự phát triển của các công cụ tìm kiếm trực tuyến, đặc biệt là Google, giới chức Nhật Bản dự kiến sẽ triển khai một dự án đầy tham vọng, với mục tiêu là giành lấy vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Lâu nay, Nhật Bản vẫn lo lắng trước nguy cơ mất dần ưu thế trên thị trường hàng điện tử tiêu dùng và công nghệ phần cứng. Khi các công ty điện tử của Hàn Quốc và Đài Loan đồng loạt tung ra thị trường những sản phầm điện tử cạnh tranh với hàng của Nhật Bản, giới chức Tokyo bắt đầu lo lắng về sự tụt hậu của ngành công nghiệp điện tử nước nhà.

 

Ông Toshihide Yahiro, quan chức phụ trách dịch vụ thông tin của Bộ Thương mại Nhật Bản, cho rằng vấn đề mấu chốt là phải tìm cách khuyến khích các công ty Nhật Bản, như Sharp và Matsushita, tham gia thị trường dịch vụ, chứ không chỉ dừng lại ở sản phẩm hàng hóa như hiện nay. “Họ hoàn toàn có đủ năng lực làm điều đó. Lợi thế cạnh tranh của Nhật Bản là công nghệ cốt lõi, nhưng bên cạnh đó cũng cần phát triển các dịch vụ gia tăng nhằm thỏa mãn nhu cầu khẳng định cá tính của người tiêu dùng,” ông nói.

 

Hiện cũng đã có vài dấu hiệu tích cực, như việc một số công ty công nghệ Nhật Bản bắt đầu chuyển trọng tâm kinh doanh từ phần cứng sang phần mềm. Ví dụ điển hình là Tập đoàn Nokia vừa phác thảo dự án thành lập một kho nhạc trực tuyến và một số dịch vụ khác.

 

Giới chức Nhật Bản hy vọng các doanh nghiệp trong nước sẽ phát huy được thế mạnh về công nghệ trong việc phát triển các sản phẩm điện tử, như điện thoại di động và hệ thống dẫn đường cho ô tô, nhằm tạo ra các chức năng tìm kiếm độc quyền và khôi phục thông tin. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi của dự án “đánh bại” Google của chính phủ Nhật Bản.

 

Dự án này đầy tham vọng này có sự tham gia của 10 đối tác; trong đó, mỗi đối tác chịu trách nhiệm về một chức năng tìm kiếm riêng. Ví dụ, chính phủ đã kết nối cơ sở dữ liệu của NTT Data với Trung tâm công nghệ thông tin của Toyota và công ty Toyota Mapmaster để phát triển một hệ thống dẫn đường tương tác cho ô tô. Dự án còn có sự tham gia của các đối tác như NEC, Hitachi và Phòng thí nghiệm khoa học máy tính của Sony.

 

Bộ Thương Mại đã duyệt chi 14-15 tỷ yên (khoảng 89-95 triệu đô) cho dự án.

 

Đơn cử một ví dụ về tính khả thị của dự án, ông Yahiro cho biết 70% hệ thống dẫn đường của ô tô được sản xuất ở Nhật Bản và còn nhiều “đất” để phát triển các dịch vụ cá nhân, như tính năng tìm kiếm nhà tắm công cộng, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện…

 

Một số ý kiến cho rằng hệ thống quy định về bản quyền và sở hữu trí tuệ của Nhật Bản đang kìm hãm sự phát triển của dịch vụ web. Các nhà cung cấp dịch vụ như Google lưu giữ bản sao trang web của nhiều công ty trên máy chủ. Trong khi đó, luật bản quyền của Nhật Bản lại nghiêm cấm việc làm này (nếu chưa được phép của chính chủ), nên các dịch vụ tìm kiếm như Yahoo, Google… phải hoạt động với máy chủ đặt ở Mỹ.

 

Toàn bộ sự việc trên cho thấy thế mạnh của Google trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, đồng thời phản ánh mối lo ngại của nhiều nước trên thế giới về sự thống lĩnh của Mỹ trong một lĩnh vực kinh doanh quan trọng - thông tin.

 

Cách đây 2 năm, Pháp và Đức cũng đã phác thảo một kế hoạch nhằm đưa ra một công cụ tìm kiếm của châu Âu, nhưng sau đó Đức đã rút lui.

 

NTND

Theo FT