1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nhập ngô, sữa… để “thúc xuất” nông sản chiến lược

(Dân trí) - Trách nhiệm giải trình về chính sách điều hành xuất nhập khẩu nông sản được san sẻ sang Bộ Công thương, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát “trả bài” một cách suôn sẻ trong phần đăng đàn phiên chất vấn của mình…

Không thể đóng cửa, tự túc mọi nông sản

 

Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) yêu cầu giải thích nghịch lý Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn nhưng quy mô sản xuất nông nghiệp theo đầu người thấp nhất 5 nước trong khu vực, tỷ lệ sử dụng lao động lại cao nhất, nhiều sản phẩm thua ngay trên sân nhà.

 

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát xác nhận: “Đúng là về mặt so sánh giá trị sản xuất nông nghiệp của nước ta so với một số nước thì còn thấp. Tỷ trọng xuất khẩu từ nông nghiệp năm qua đạt 14,3 tỷ USD, là nước xuất nông sản lớn. Tuy nhiên một số nông sản không có lợi thế cạnh tranh, chưa đáp ứng nhu cầu trong nước như ngô, đỗ tương, bông, sữa…”.

 

Đại biểu Lê Minh Hiền (Bình Thuận) “vặn” lại, các loại sản phẩm này trong nước còn khó tiêu thụ, sao lại cho nhập khẩu?

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát giải thích, thời hội nhập, không thể đóng cửa để tự túc mọi mặt hàng. Tuy nhiên, ông Phát thừa nhận đỗ tương, bông thì phải nhập nhưng ngô thì đáng ra phải làm được. Bộ đang chỉ đạo nỗ lực cải tiến giống, tăng năng suất… để sắp tới không còn phải nhập khẩu loại nông sản này.
 
Nhập ngô, sữa… để “thúc xuất” nông sản chiến lược - 1
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát (Ảnh: Việt Hưng).

 

Liên quan đến việc điều hành xuất - nhập, bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn “giúp sức”. Ông Hoàng xác nhận, Việt Nam là nước có tiềm năng sản xuất nông phẩm nhưng một số mặt hàng khó tiêu thụ ngay cả trong nước, không nói gì xuất khẩu.

 

Bộ trưởng Công thương nêu câu chuyện về bông như một điển hình. “Sau nhiều năm nỗ lực, chúng ta vẫn chỉ sản xuất được 10% bông xơ để dệt vải, còn phải nhập tới 90%”. Giải pháp ông Hoàng đưa ra là chấp nhận để tìm cách “thúc xuất” các loại nông sản chiến lược khác. Ông Hoàng báo tin mừng quả thanh long đã đàm phán vào được Mỹ, sắp tới là Nhật và Hàn Quốc.

 

Đại biểu Lê Minh Hiền cho rằng, giải trình của cả 2 Bộ trưởng chưa thuyết phục. Ông nêu ví dụ tỉnh nhà Bình Thuận có truyền thống trồng bông nhưng không được đầu tư thích đáng. Đại biểu đề nghị cho biết Bình Thuận có thể phát triển loại cây trồng này để thay thế hàng nhập khẩu?

 

Câu trả lời của Bộ trưởng NN&PTNT là được nhưng phải có điều kiện. “Ngành bông ở nước ta dù cố gắng nhiều nhưng không những không tiến lên được mà còn tụt dần. Nhiều loại cây trồng mới cho năng suất, hiệu quả cao hơn nên bà con tự phá bỏ dần cây bông”.

 

Cuộc tranh luận chưa ngã ngũ cho đến khi Chủ tịch QH nhắc khéo Bộ trưởng Phát: “Câu chuyện nhập muối cũng vậy, chưa được giải quyết”.

 

2015: phần lớn rau sẽ sạch

 

Trở lại với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Võ Minh Thức nêu câu hỏi, diện tích rau an toàn chỉ chiếm 8,5% tổng diện tích, diện tích trồng quả an toàn chỉ chiếm 20% có phải là con số đúng và đã được điều tra chưa?

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ đưa ra các tiêu chí rau, quả an toàn và các địa phương đối chiếu vào đó để báo cáo các con số lên. Tuy nhiên, ông Phát không dám chắc về độ chính xác vì “còn phải điều tra”.

 

Cũng bàn về chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm, đại biểu Nguyễn Lân Dũng hỏi rất thực tế: “Đến bao giờ rau mới được trồng trong nhà lưới chống bướm, chỉ dùng thuốc trừ sâu sinh học, được bao gói với nhãn mác đơn vị sản xuất cùng cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình?”.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, trồng rau trong nhà lưới và bao gói là phải làm. Bộ chủ trương đến 2015, phần lớn rau của chúng ta được sản xuất theo các qui trình an toàn, trong đó có loại rau trồng trong nhà lưới, có loại rau không nhất thiết phải như vậy.
 
Nhập ngô, sữa… để “thúc xuất” nông sản chiến lược - 2
Trong hội trường, đại biểu Nguyễn Lân Dũng là người chất vấn, ngoài hành lang, ông lại đóng vai người trả lời (Ảnh: Việt Hưng).

 

Nơi nào cũng trồng vải là vấn đề khiến đại biểu Lê Đình Thanh (Hải Dương) lo ngại và ông đặt câu hỏi khó: “Theo Bộ trưởng, chúng ta trồng bao nhiêu hecta vải là vừa và trồng ở vùng nào?”. Bộ trưởng Phát cho rằng, cần tập trung trồng chủ yếu ở vòng cung Đông Bắc, với 4 tỉnh là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Giang.

 

Không đưa ra số diện tích cụ thể, ông Phát chỉ cho rằng, phát huy tốt ở 4 tỉnh này đã có thể đáp ứng được thị trường. Trong tương lai, nếu mở rộng được thị trường sẽ mở rộng hơn diện tích trồng.

 

Đại biểu Thanh tiếp tục chuyển sang vấn đề khác liên quan đến người sản xuất, đó là năm nào Chính phủ cũng bỏ ra cả ngàn tỉ đồng hỗ trợ bà con nông dân khi có thiên tai, dịch bệnh gia súc, tại sao Chính phủ không mua bảo hiểm cho người nông dân?

 

Theo ông Phát, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và các cơ quan chức năng hình thành hệ thống bảo hiểm nông nghiệp, nhưng đến nay chưa làm được “mạnh mẽ”. Ông Phát cho biết, lĩnh vực nông nghiệp rủi ro lớn, mức đóng bảo hiểm phải lớn mới có mức bảo hiểm tương ứng nên không đơn giản.

 

Chính phủ vẫn đang tiếp tục chỉ đạo để có thể thực hiện bảo hiểm với nông nghiệp. “Nhưng theo tôi vẫn phải có cả 2, tức là vừa bảo hiểm vừa hỗ trợ cho bà con khi gặp thiên tai”, Bộ trưởng NN&PTNT chốt lại.

 

Phương Thảo - Cấn Cường