1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nhận giấy phép 3G: Sau mừng là… quá lo

(Dân trí) - Trúng tuyển 3G, các doanh nghiệp buộc phải nộp một khoản tiền đặt cọc lớn để thực hiện đúng cam kết. Những vấp váp ban đầu trong quá trình triển khai khiến các nhà mạng hiểu rằng, con đường 3G không hề “ngon ăn”.

Nhận giấy phép 3G: Sau mừng là… quá lo - 1
Bộ trưởng TT-TT Lê Doãn Hợp trao giấy phép cho mạng trúng tuyển.
 
Chiều 13/8, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã chính thức trao 4 giấy phép 3G cho Mobifone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (đơn vị triển khai là Vinaphone), Viettel và liên danh EVN Telecom - Hanoi Telecom.

Theo hồ sơ cam kết, kể từ khi giấy phép có hiệu lực (15/9/2009), sau 1 tháng Vinaphone sẽ chính thức triển khai dịch vụ 3G để trở thành mạng đầu tiên của Việt Nam cung cấp dịch vụ này tại những thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM... rồi mở rộng ra các tỉnh.

Mobifone thì công bố sẽ cung cấp dịch vụ 3G muộn hơn chút vào tháng 12/2009 với việc phát sóng 2.400 trạm BTS 3G vào thời điểm khai trương dịch vụ.

Ông Đỗ Vũ Anh, Phó Giám đốc Mobifone cho biết: “Theo thiết kế, mạng 3G của Mobifone sẽ dùng công nghệ HSPA. Điểm nổi bật là tốc độ truy cập mạng Internet của các khách hàng Mobifone sẽ được cải thiện rõ rệt vì tốc độ tối đa lên tới 7,2 Mbps”.

Nguồn tin từ Mobifone cho biết thêm, vào thời điểm khai trương, mạng 3G của Mobifone còn được roaming với ít nhất 50 mạng di động khác trên thế giới, sau đó sẽ hoàn thành việc lắp đặt 7.700 trạm BTS 3G trong 3 năm.

Thông tin từ Viettel, mạng di động này sẽ cung cấp dịch vụ 3G vào tháng 4/2010. Khi khai trương dịch vụ, Viettel sẽ phát sóng khoảng 5.000 trạm BTS 3G. Trong 3 năm đầu tiên, Viettel cam kết đầu tư số tiền lên tới 12.789 tỷ đồng cho 3G để phủ sóng toàn quốc.

Tại buổi lễ, liên danh EVN Telecom - Hanoi Telecom không có tuyên bố cụ thể về thời điểm cung cấp dịch vụ 3G. Tuy nhiên, theo đúng cam kết tại hồ sơ thi tuyển thì liên danh này phải cung cấp 3G sau 9 tháng kể từ ngày giấy phép 3G chính thức có hiệu lực.

Nguồn tin từ Bộ TT-TT cho biết, cơ quan này sẽ giám sát rất nghiêm ngặt việc thực hiện cam kết 3G và mạng nào không làm đúng sẽ bị phạt nặng. “Với tổng số tiền đặt cọc để lấy giấy phép 3G của 4 “thí sinh” lên tới 8.100 tỷ đồng, hình phạt của Bộ TT-TT không phải là đùa”, lãnh đạo một nhà mạng nhận định.

Trả lời câu hỏi về việc 3G đem lại lợi ích gì cho thuê bao 2G, ông Đỗ Vũ Anh cho biết: “Có thêm băng tần 3G, chất lượng dịch vụ 2G của các mạng sẽ được cải thiện rõ rệt. Cụ thể việc nghẽn mạng được giảm thiểu, tiếng thoại trong và rõ hơn… là những “quyền lợi” mà mọi khách hàng đều có chứ không chỉ riêng các khách hàng sử dụng dịch vụ 3G”.

Theo nhận định của các chuyên gia về viễn thông, ngay sau khi cấp giấy phép 3G, ngoài việc chạy đua về tiến độ triển khai, việc phải tìm ra bài toán giải quyết hiệu quả khoản đầu tư 3G cũng rất đau đầu. Có lẽ, sau một thời gian dốc sức chuẩn bị cho 3G, các nhà mạng đều nhận thức rõ đây là con đường không hề bằng phẳng, có rất nhiều khó khăn chưa lường trước đã hiện hữu.

Vào thời điểm hiện tại, muốn sử dụng dịch vụ 3G thì ngoài việc nhà mạng có sóng 3G thì người dùng phải có máy 3G. Tuy nhiên trên thực tế hiện số lượng máy di động hỗ trợ 3G tại Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ và đây sẽ là gánh nặng rất lớn đối với các mạng di động đầu tư 3G ồ ạt mà chưa tìm ra lời giải về hiệu quả kinh doanh.

Phát biểu tại buổi lễ trao giấy phép, ông Hoàng Anh Xuân, Tổng Giám đốc Viettel tỏ ra khá lo lắng: “Trước đây chúng tôi khá háo hức để có giấy phép 3G. Nhưng sau khi đi khảo sát về triển khai 3G tại các nước và được nhận giấy phép 3G rồi thì lại lo. Nếu không cảnh giác thì 3G là một cái bẫy làm mình sập tiệm không chừng”.

Tuy vậy đến thời điểm này, theo Bộ TT-TT, các mạng di động trúng tuyển 3G vẫn đang thực hiện khá nghiêm túc những gì đã cam kết, bởi đã có ràng buộc khá chặt chẽ liên quan đến khoản tiền đặt cọc khổng lồ.

Thanh Trầm - Thanh Ngọc