1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nhân dân tệ sẽ thay thế USD?

Trong bài bình luận đăng trên tờ New York Times mới đây, giáo sư kinh tế Nouriel Roubini thuộc Trường Kinh doanh Stern (Đại học New York), đã phân tích khả năng đồng tiền của Trung Quốc thay thế đồng USD ở vị trí đồng tiền dự trữ của thế giới.

Nhân dân tệ sẽ thay thế USD? - 1
Giáo sư Roubini dự báo, đồng Nhân dân tệ sẽ mất nhiều thời gian để
trở thành một đồng tiền dự trữ thay thế cho USD, nhưng điều này có thể xảy ra.
 
Ông nhận định, thế giới có thể đang bắt đầu bước vào thế kỷ của châu Á, thời kỳ mà Trung Quốc và đồng tiền của nước này ngự trị. Mặc dù vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ chính của thế giới sẽ không thể biến mất trong một sớm một chiều, nước Mỹ tới lúc này không còn có thể coi địa vị này là nghiễm nhiên nữa.

Từ quan điểm này, tác giả cho rằng, việc đồng USD bị thách thức bởi những đồng tiền khác, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, có thể xảy ra sớm hơn so với dự kiến của nước Mỹ.

Nếu xảy ra, điều này có thể sẽ gây ra những tác động xấu với nước Mỹ, khi mà khả năng bù đắp cho thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại bằng tiền vay lãi suất thấp sẽ không còn nữa.

Sự vươn lên của Nhân dân tệ

Giáo sư Roubini lấy dẫn chứng từ lịch sử cho thấy, những đế chế sở hữu đồng tiền dự trữ của thế giới đồng thời thường là chủ nợ ròng nước ngoài. Đế quốc Anh suy yếu và đồng Bảng mất địa vị đồng tiền dự trữ của thế giới khi nước này trở thành một con nợ ròng trong Chiến tranh Thế giới 2.

Ngày nay, nước Mỹ đang ở trạng thái tương tự. Nước này đang chịu mức thâm hụt ngân sách và thương mại khổng lồ và phải dựa vào sự “hào phóng” của các chủ nợ nước ngoài, tức các nhà đầu tư trái phiếu kho bạc Mỹ, để bù đắp cho sự thiếu hụt này.

Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư này đã bắt đầu cảm thấy lo lắng về việc tích trữ thêm tài sản bằng đồng USD. Sự xuống dốc của đồng USD xuất phát từ thực tế này có thể chỉ còn là vấn đề thời gian.

Câu hỏi đặt ra lúc này là đồng tiền nào sẽ thay thế đồng USD? Giáo sư Roubini chỉ ra rằng, đồng Bảng Anh, đồng Yên Nhật và đồng Franc Thụy Sỹ vẫn chỉ là những đồng tiền dự trữ nhỏ, do các quốc gia này không phải là những cường quốc lớn của thế giới.

Vàng thì chỉ được đánh giá cao trong thời kỳ khủng hoảng và lạm phát cao. Đồng Euro thì chịu áp lực từ những lo ngại về khả năng tồn tại lâu dài của liên minh tiền tệ châu Âu. Như vậy, chỉ còn lại đồng Nhân dân tệ.

Trung Quốc là một quốc gia chủ nợ với thặng dư cán cân vãng lai ở mức cao, thâm hụt ngân sách thấp, tỷ lệ nợ công so với GDP thấp hơn nhiều so với Mỹ, và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã có những bước tiến nhằm thách thức địa vị thống lĩnh của đồng USD. Cách đây chưa lâu, Bắc Kinh đã kêu gọi dùng quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - một rổ gồm các đồng USD, Euro, Bảng và Yên Nhật - để làm đồng tiền dự trữ số một mới của thế giới.

Do đó, vị giáo sư này cho rằng, chẳng bao lâu nữa, Trung Quốc sẽ muốn đồng Nhân dân tệ của họ được đưa vào rổ tiền tệ này, cũng như đồng tiền này được sử dụng làm phương tiện thanh toán trong thương mại song phương.

Mặc dù vậy, theo quan điểm của Roubini, ở thời điểm hiện nay, đồng Nhân dân tệ còn chưa sẵn sàng để đạt tới vai trò đồng tiền dự trữ.

Để đạt tới sự sẵn sàng này, Trung Quốc trước hết cần phải nới lỏng những hạn chế đối với các dòng tiền ra vào nước này, cho phép đồng Nhân dân tệ tự do chuyển đổi hoàn toàn trong các giao dịch ngoại hối, tiếp tục hoạt động cải cách tài chính trong nước, và tăng cường tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu.

Ông Roubini dự báo, đồng Nhân dân tệ sẽ mất nhiều thời gian để trở thành một đồng tiền dự trữ, nhưng điều này có thể xảy ra. Trung Quốc đã tăng cường vai trò đồng tiền của họ bằng cách thiết lập thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều quốc gia, trong đó có Argentina, Belarus và Indonesia và cho phép các định chế tài chính ở Hồng Kông phát hành trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ. Đây là bước tiến đầu tiên tới việc thiết lập một thị trường sâu rộng ở cấp độ trong nước và quốc tế cho đồng tiền này.

Tác động đối với nước Mỹ

Về tác động của sự chuyển biến trên đối với nước Mỹ, bài viết cho rằng, nếu Trung Quốc và các quốc gia khác đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ của họ thay vì chỉ dự trữ đồng USD (chắc chắn điều này cuối cùng sẽ xảy ra), nước Mỹ sẽ chịu tác động bất lợi.

Quốc gia này đã gặt hái được những lợi ích lớn về mặt tài chính từ việc đồng USD là đồng tiền dự trữ. Đặc biệt, thị trường lớn mạnh cho đồng USD cho phép nước Mỹ vay nợ được với mức lãi suất có lợi hơn.

Nhờ đó, nước Mỹ mới có thể bù đắp được những khoảng thâm hụt ngân sách lớn trong một thời gian dài hơn và với mức lãi suất thấp hơn, nhờ nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với trái phiếu kho bạc Mỹ giúp giữ lợi suất của loại tài sản ở mức thấp.

Nước Mỹ chỉ cần phát hành nợ bằng đồng tiền của chính mình, thay vì bằng một đồng tiền nước ngoài, do đó, mọi tổn thất từ sự xuống giá của đồng USD đều được dồn sang cho các chủ nợ mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Việc giá các loại hàng hóa được ấn định bằng đồng USD cũng đồng nghĩa với việc, sự mất giá của đồng USD không dẫn tới sự lên giá của hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Tới đây, tác giả bài viết đặt câu hỏi: thử tưởng tượng một thế giới mà ở đó Trung Quốc có thể vay và cho vay trên thị trường quốc tế bằng đồng tiền của nước này? Đồng Nhân dân tệ, thay vì đồng USD, rốt cục trở thành phương tiện thanh toán trong thương mại và một đơn vị kế toán trong định giá các mặt hàng xuất nhập khẩu, cũng như một kênh lưu trữ giá trị cho tài sản của các nhà đầu tư quốc tế.

Nước Mỹ khi đó sẽ phải trả giá. Họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn để nhập khầu hàng hóa, lãi suất đánh vào các khoản nợ cả công lẫn tư cùng tăng. Phí vay nợ cá nhân cao hơn có thể dẫn tới sự suy yếu của tiêu dùng và đầu tư, rồi suy yếu tăng trưởng.

Theo quan điểm của Giáo sư Roubini, có lẽ phải mất cả thập kỷ nữa đồng USD mới suy yếu tới mức đó, nhưng điều này có thể xảy ra sớm hơn nếu nước Mỹ không giải quyết được đống đổ nát tài chính hiện nay.

Tác giả khuyến cáo, điều mà người Mỹ và Chính phủ nước này cần làm là hạn chế vay mượn và chi tiêu, đồng thời theo đuối sự tăng trưởng không dựa trên những đợt bong bóng tài sản và tín dụng.

Trong suốt hai thập kỷ qua, nước Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn những gì họ làm ra, khiến nợ nước ngoài ra tăng tới mức không bền vững. Một hệ thống mà ở đó đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới đã cho phép nước Mỹ kéo dài hoạt động vay nợ bất cẩn.

Cuối cùng, tác giả nhận định, giờ đây, địa vị của đồng USD không còn an toàn nữa, và nước Mỹ cần dịch chuyển ưu tiên của họ. Điều này đòi hỏi đầu tư vào cơ sở nâng cấp hạ tầng, những nguồn tài nguyên tái sinh và thay thế, nguồn nhân lực có năng suất lao động cao, thay vì kỳ vọng vào những khoản đầu tư trên thị trường địa ốc và những sản phẩm cho vay nhiều rủi ro trong ngành tài chính.

Tác giả bài viết khẳng định, đây sẽ là cách duy nhất để giảm tốc sự trượt dốc của đồng USD, và duy trì sức ảnh hưởng của nước Mỹ trên trường quốc tế.

Theo Kiều Oanh
VnEconomy/New York Times